6. Gặp bà Châu Nương
Đi đến giữa đường thì Bà Táo liền bảo chúng tôi dừng lại. Táo Anh ngạc nhiên:
-- Bà định nghỉ ở chỗ đồng không mông quạnh thế này à?
Bà Táo cười, chỉ tay ra xa:
-- Kia là thành Thăng Long. Ông không nhận ra à?
Mọi người cùng nhìn về phía tay Bà Táo chỉ. Quả là quang cảnh kinh đô Thăng Long đang gần kề bên cạnh. Vì mải trò chuyện nên không ai để ý đến. Táo Anh lên tiếng:
-- Thăng Long thì mặc Thăng Long chứ có gì mà phải quan tâm. Bà này lạ nhỉ!
Bà Táo biết ông chồng mình không ưa gì phố phường, nơi phồn hoa đô thị nên dịu lại:
-- Anh ạ, chả là năm ngoái, bà Châu có mời em và các anh đến chơi nhà vào dịp Tết Nguyên Đán, nhưng vì công việc quá bận nên em bảo bà Châu chờ có dịp nào đi qua rẽ vào thăm…
Thấy Bà Táo nói vậy, tôi lên tiếng:
-- Cái gì cũng không bằng giữ lễ. Người ta mời từ năm ngoái mà… Thôi, hai ông, Bà Táo nói phải đấy, chúng ta cùng vào thăm để đáp lại thịnh tình của Bà Chúa Kho chứ…
Nói rồi tôi kéo Táo Anh, Táo Em vụt đi. Hai bà lục tục theo sau. Chả mấy chốc chúng tôi đã đứng bên đình phường Võ Trại. Thấy cửa Đình mở, có đông khách khứa ra vào, Bà Táo reo lên:
-- Cô ấy có ở nhà, có ở nhà các anh ạ…
Rồi Bà Táo không đợi mấy người chúng tôi nói gì, Bà chạy ào vào sân, gọi to:
-- Châu ơi, chị và các anh đến thăm em đây này…
Châu Nương đang tiếp mấy người khách ở xa đến, nghe tiếng Bà Táo, liền bỏ khách đó chạy ra. Hai Bà ôm nhau mừng rỡ hết chỗ nói. Bà Châu trách:
-- Đã một năm rồi, chị và hai anh cứ để em …
-- Chị xin em thông cảm cho…
Lúc này chúng tôi cũng đã vào sân. Mọi người bắt tay nhau rồi Bà Châu kéo chúng tôi vào nhà. Chuyện trò rôm rả. Một lúc sau, Bà Táo hỏi:
-- Thế chú ấy đi đâu rồi?
Bỗng Bà Châu cúi mặt xuống, không được vui:
-- Từ gần một trăm năm nay, nhà em cứ chê trách em hoài, chị, các anh và thầy giáo ạ. Chả là cái việc em … ngày trước ấy…
Mọi người nghe Bà Châu nói đến đây, ai nấy thở dài, Bà Táo lên tiếng:
-- Nghĩ cho cùng, em dại lắm. Chú ấy vì nước hy sinh chứ có phải là làm điều gì sai trái, thất đức đâu mà khiến cho em phải xấu hổ thẹn thùng, kết liễu đời mình như vậy?
-- Nhưng nay người ta cứ lôi em ra mà bàn với luận mãi về việc “ra đi” của em.
Táo Anh tặc lưỡi:
-- Thì cái bọn rỗi hơi bao giờ chả thế. Còn việc của em vì thương chồng, vì phận gái lẻ loi, lại nghĩ có phần nông cạn mà làm điều xằng bậy. Riêng bọn nam giới chúng tôi cũng không tán thành cách làm của cô chứ đừng nói chú ấy…
Bà Châu thở dài, cỏ vẻ ấm ức vì cái việc “ra đi” bắt buộc của mình. Thấy vậy tôi lên tiếng:
-- Hai ông nói sai rồi. Không phải vì chồng mà vì công việc. Nhiều lần quân giặc bày kế hại bà Châu, nhưng bà Châu đều thoát được cả. Lần này vì tin tưởng người hầu cận mà sa vào cạm bẫy của kẻ thù. Bà biết sa vào tay chúng là sẽ mang nhục vào thân nên tốt nhất là... Đấy là một sự hy sinh anh dũng vì dân vì nước chứ không phải vì cái chuyện chồng con…
Rồi tôi quay về phía Bà Châu:
-- Có đúng thế không bà Châu?
Bà Châu nhìn tôi cười, gật gù, trở lại vẻ mặt tươi tỉnh hơn:
-- Thày giáo nói phải lắm…Nhưng tại sao thày lại biết được việc đó?
Bà Táo nhìn tôi một lúc, gật đầu như có ý bảo tôi đừng nói mà để bà nói thay. Tôi cười, gật đầu lại. Bà Táo lên giọng:
-- Gớm, đàn bà tuổi còn đang hơ hớ thế, chồng con thì không, người ta là quan cho người mối lái đến năm lần bảy lượt lại không chịu, cứ khăng khăng một niềm chung thủy để rồi tự chuốc lấy vạ vào thân mà không có người cứu vớt, đành phải liều vậy. Tội nghiệp quá…
Vẻ trầm lặng đến làm Bà Táo có vẻ áy náy. Bà Châu nắm lấy tay Bà Táo uể oải đứng dậy:
-- Thôi các ông ạ, chuyện đã qua rồi đừng nên nhắc lại nữa… Vả lại cái lễ giáo nó ràng buộc, em làm sao dám…