VỤ ÁN LỆ CHI VIÊN
Xã hội phong kiến xưa có không ít những vụ án oan. Nhưng vụ án oan nổi tiếng
nhất và cũng được nhiều người quan tâm nhất chính là vụ án Lệ Chi Viên. Trong
vụ án này, không chỉ có gia đình công thần Nguyễn Trãi bị oan và còn liên lụy
tới rất nhiều người khác. Hơn nữa, trước khi chết, không ai trong số họ được
lên tiếng để minh oan cho chính mình. Đây cũng là một đặc điểm điển hình của xã
hội phong kiến xưa.
Án xưa: Giết người diệt khẩu
Ngày 27/7/1442 (năm Nhâm Tuất), vua Lê Thái Tông đi tuần ở miền Đông,
duyệt quan ở thành Chí Linh, Hải Dương. Nguyễn Trãi đón vua ngự ở chùa Côn Sơn,
nơi ở của Nguyễn Trãi.
Ngày 4/8 vua Lê Thái Tông về đến Lệ Chi Viên thuộc huyện Gia Định (nay
thuộc xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, Bắc Ninh). Cùng đi với vua có Nguyễn Thị Lộ,
một người thiếp của Nguyễn Trãi khi ấy đã vào tuổi 40 được vua Lê Thái Tông yêu
quý vì sắc đẹp, văn chương hay, luôn được vào hầu bên cạnh vua. Khi về đến Lệ
Chi Viên, vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng hà, lúc này ông mới 20
tuổi. Các quan bí mật đưa về, ngày 6/8 mới đến kinh sư, nửa đêm vào đến cung
mới phát tang. Triều đình đã quy cho Nguyễn Thị Lộ tội giết vua. Nguyễn Trãi và
gia đình bị án tru di tam tộc.
Đến nay, nhiều nhà sử học đã đi đến thống nhất về nguyên nhân đích thực của
vụ thảm án này. Chủ mưu vụ án chính là Nguyễn Thị Anh, vợ thứ vua Lê Thái Tông.
Ngoài suy đoán căn cứ vào sử sách, mới đây các nhà nghiên cứu tham khảo
gia phả dòng họ Đinh là con cháu của công thần Đinh Liệt nhà Hậu Lê (công bố trong
tác phẩm "Nhìn lại lịch sử" của Phan Duy Kha, Lã Duy Lan, Đinh Công
Vĩ) và phát hiện nhiều bài thơ của chính Đinh Liệt để lại. Bài thơ được viết
bằng chữ Hán nhưng viết theo kiểu ẩn ý, dùng phép nói lái để người đọc suy đoán
rằng: Thái tử Lê Bang Cơ (tức vua Lê Nhân Tông) không phải là con vua Lê Thái
Tông.
Vua Lê Thái Tông lúc mất mới 20 tuổi nhưng trước khi mất, vua đã có 4 con trai.
Con lớn nhất là Lê Nghi Dân, con thứ hai là Khắc Xương, con thứ ba là Bang Cơ
(Lê Nhân Tông sau này), con thứ tư là Tư Thành (Lê Thánh Tông sau này). Vì các
hoàng tử đều còn quá nhỏ (chỉ chênh nhau một vài tuổi) nên việc tranh chấp ngôi
thái tử đã xảy ra giữa các bà vợ vua Thái Tông.
Nghi Dân là con lớn nhất vốn đã được lập làm thái tử dù còn rất nhỏ. Nhưng
sau đó Nguyễn Thị Anh (là mẹ của Bang Cơ) được vua sủng ái nên năm 1441 vua
truất ngôi của Nghi Dân mà lập Bang Cơ. Bà mẹ của Khắc Xương vốn không được vua
sủng ái nên không thể tranh chấp ngôi thái tử. Tuy nhiên, nhiều người trong
triều dị nghị rằng, Nguyễn Thị Anh đã có thai trước khi vào cung và Bang Cơ
không phải là con vua Thái Tông. Cùng lúc đó, một bà phi khác của vua là Ngô
Thị Ngọc Dao lại có mang sắp sinh. Nguyễn Thị Anh sợ chuyện bại lộ thì ngôi lớn
sẽ thuộc về con bà Ngọc Dao nên tìm cách hại bà Ngọc Dao. Bà này được vợ chồng
Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ hết sức che chở, mang đi nuôi giấu và sinh được
hoàng tử Lê Tư Thành năm 1442. Biết bà Ngọc Dao đã sinh con trai mà ngày càng
nhiều người đồn đại về dòng máu của Bang Cơ, nhân lúc con mình còn đang ở ngôi
đương kim thái tử, Nguyễn Thị Anh chủ động ra tay trước. Nhân dịp vua Thái Tông
về thăm Nguyễn Trãi, sợ Nguyễn Trãi gièm pha mình và nói tốt cho Tư Thành nên
bà sai người sát hại vua Thái Tông rồi đổ tội cho vợ chồng Nguyễn Trãi.
Sau khi vua mất, Bang Cơ lên ngôi, Nguyễn Thị Anh được làm thái hậu, nắm quyền
trị nước. Nguyễn Trãi không thể biện bạch cho sự oan uổng của mình và phải thụ
án.
Theo sử sách, vài ngày sau khi hành hình gia đình Nguyễn Trãi, triều đình thực
ra chính là thái hậu Nguyễn Thị Anh nhiếp chính thay con, ra lệnh giết hai hoạn
quan Đinh Phúc, Đinh Thắng vì trước khi chết Nguyễn Trãi có nói: "Ta hối
không nghe lời Thắng, Phúc". Các nhà nghiên cứu cho rằng chính Đinh Phúc,
Đinh Thắng là những người khuyên Nguyễn Trãi sớm tố cáo Nguyễn Thị Anh với vua
Thái Tông. Do đó để diệt khẩu, bà sai giết hai người này.
Chính bởi ngôi vua của Lê Nhân Tông có phần "không chính" nên
sau này, năm 1459, con trưởng của vua Thái Tông là Lê Nghi Dân lấy lý do để làm
binh biến giết hai mẹ con Nguyễn Thị Anh. Trong bài chiếu lên ngôi, Nghi Dân nói
rõ: "Diên Ninh (niên hiệu của vua Nhân Tông) vốn không phải là con của
tiên đế (Thái Tông)...".
Năm 1464, vua Lê Thánh Tông rửa oan cho Nguyễn Trãi, cho sưu tầm thơ văn Nguyễn
Trãi để lưu lại hậu thế, và ông như đã tạc bia cho Nguyễn Trãi bằng câu thơ:
Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo
Tạm dịch:
Tâm hồn ức Trai rực rỡ tựa sao Khuê
_________________
Trăm năm trong cõi người ta,
Mua vui cũng được một vài trống canh.