7. Cái tên …
Đi được một quãng đường khá xa, Bà Táo bèn đề xuất dừng lại để nghỉ giải lao. Chúng tôi tán thành ý kiến của bà Táo.
-- Nhưng có quán đâu mà nghỉ ? Vợ tôi lên tiếng
Táo Em chỉ tay về một phía:
-- Quán của Tây Vương Mẫu cách đây mấy bước chân là gì đó.
Mọi người nhìn theo cánh tay chỉ của Táo Em và hết sức ngạc nhiên thấy một dãy quán hiện ra có đầy đủ các thứ. Tất cả cùng vào một quán rộng nhất.
Tôi không cần đợi lâu thì các thứ nước giải khát cứ lần lượt hiện lên bàn chúng tôi ngồi. Các quán trên cõi Tiên là vậy. Tôi cầm một chai nước mía lên. Xem dòng chữ ghi trên chai nước, có nhãn hiệu là công ty trách nhiệm hữu hạn tư nhân “Nguyễn Lê Quyết Tâm Chiến Thắng Toàn Diện”.
-- Cái tên hay đấy, bà Táo nhìn qua vai tôi rồi khen. Táo Em liền bảo:
-- Hay gì cái tên dài dằng dặc ấy.
Táo Anh xen vào:
-- Chú chưa thấy chứ, trên thế giới không nói làm gì, chứ ở cái nước Việt Nam nhỏ bé kia bây giờ họ bắt chước nước ngoài hầu hết!
Tôi ngạc nhiên nhìn Táo Anh:
-- Ngài lại nói bậy rồi!
Bà Táo bênh chồng mình:
-- Ông nhà tôi nói đúng đấy. Cũng như đứa trẻ mới chui ra khỏi bụng mẹ, thấy ánh sáng cái gì cũng muốn nhìn, muốn biết. Chẳng hạn như cái tên mà các ông vừa nói đó.
Rồi Bà Táo lẩm bẩm:
-- Không biết tên chúng ta có chuẩn không, có Việt Nam không nhỉ?
-- Tên thầy giáo là Việt Văn Hiền, tên bà giáo là Nam Thị Hòa, tên anh cả Lạc Văn Hòn, tên tôi là Hùng Văn Đất, tên nhà tôi là Âu Thị Như – Táo Em nói.
-- Đấy, thầy giáo xem – Táo Anh lên tiếng, tên của năm chúng ta rất thuần Việt, vì nam thì lót tiếng “Văn”, nữ thì lót tiếng “Thị”. Chứ có đâu như bây giờ họ đặt tên theo kiểu Trung Quốc hết. Nào là Trần Kim Liên, nào là Tống Khánh Linh, nào là Mai Thanh Minh v.v…
-- Ấy, đó là còn nhẹ đấy, - vợ tôi chen vào, người ta còn ghép họ bố và họ mẹ vào nhau như Trần Nguyễn Bình Thái, Mai Đỗ Giang Thu, Lê Phạm Hoàng Tấn... thành ra Việt Nam mình lại có thêm nhiều họ kép nữa như Trần Nguyễn, Mai Đỗ, Lê Phạm, Tống Hà,...
-- Đúng thế, Táo Anh nói, bà giáo nói phải lắm. Nếu cứ để tình trạng này thì mất gốc hết, còn gì là Việt Nam nữa, còn gì là bản sắc dân tộc nữa!
-- Anh Cả ạ, bà Táo nói – anh phải cấp tốc lên tâu với Ngọc Hoàng để Ngài nắm được việc này: dân Việt Nam đang tự mình chuyển đổi thành Người Trung Quốc một cách hết sức tự giác.
Táo Anh bĩu môi:
-- Tâu với chả trình! Trước đây một nghìn năm thằng Tàu đô hộ Việt Nam, bọn Tàu nó đã dùng chính sách đồng hóa, mà Ngọc Hoàng cũng chả thèm can thiệp, huống hồ gì bây giờ, Tàu nó chưa xâm chiếm nước mà tự dưng người Việt Nam cũng đã tự cải biến mình thành dân Tàu thì nói làm gì cho phí công!
Bà Táo và vợ tôi tỏ vẻ đồng tình:
- Ông nói thật là chí lý. Đúng là một lũ khờ dại ngu suẩn.
Táo Em chen vào:
-- Các vị nói thế là sai. Ngày nay con người đang dần hòa đồng với nhau sống thành cộng đồng. Vì vậy cần phải làm sao cho nó có nét chung. Chẳng hạn như ngôn ngữ là dùng tiếng Anh, vì Mỹ là cường quốc, đa số là người Anh mà. Nếu sau này Trung Quốc mà nhảy lên đứng đầu thì chắc chắn tiếng Tàu lại là tiếng phổ thông quốc tế.
Táo Anh bèn lườm Táo em:
-- Chả cần nói nhiều, hiện nay, nhờ có chính sách mở cửa mà dân Việt Nam mình đổi mới rất nhiều. Họ thích cái lạ, cái khác thường, kể cả các vị quan khách, kể cả người dân. Quan lại thì dựa theo đường lối kế hoạch của người ta đem vào nước mình, các học giả thì sao chép mỗi chỗ một ít chắp vá lại thành của mình. Còn dân thì đặt tên theo kiểu nước ngoài cho có vẻ oách…
Tây Vương Mẫu ở trong nhà ra, nghe bọn chúng tôi nói, Bà liền xua tay:
-- Ồ, các vị này chả hiểu gì cả. Tên là để mà gọi. Tùy theo ý thích của mỗi người, họ đặt sao thì gọi vậy, Nếu ngày xưa ông cha ta gọi “nước’ bằng từ“đĩ” thì bây giờ ta cũng phải mời uống “đĩ” với nhau kia mà…
Rồi Vương Mẫu ngồi xuống ghế. Bà nâng ly lên:
--Nào, mời các vị mời “đĩ”!
Cả bọn cùng Vương Mẫu cười lây cười lất…