HỒN THƠ VIỆT
Đăng nhập để khỏi phải bị quảng cáo quấy rầy!
HỒN THƠ VIỆT
Đăng nhập để khỏi phải bị quảng cáo quấy rầy!
HỒN THƠ VIỆT
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

HỒN THƠ VIỆT

DIỄN ĐÀN NHỮNG NGƯỜI YÊU THƠ VIỆT NAM, YÊU TÂM HỒN THƠ ĐẬM ĐÀ BẢN SẮC VIỆT
 
Trang ChínhTrang Chính  PortalPortal  GalleryGallery  Tìm kiếmTìm kiếm  Latest imagesLatest images  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  
Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 
Rechercher Advanced Search
Latest topics
» THƠ HÀ MINH GIANG
Thú Chơi người Hà Nội Icon_minitimeYesterday at 11:54 pm by haminhgiang

» Thơ Nguyên Hữu
Thú Chơi người Hà Nội Icon_minitimeYesterday at 8:20 pm by Nguyên Hữu

» HƠN 3.000 BÀI THƠ TÌNH PHẠM BÁ CHIỂU
Thú Chơi người Hà Nội Icon_minitimeFri May 03, 2024 4:28 pm by phambachieu

» Dòng Thơ Nhạc Trích Đoạn
Thú Chơi người Hà Nội Icon_minitimeSun Apr 28, 2024 3:54 pm by Nguyễn Thành Sáng

» THƠ VUI PHẠM BÁ CHIỂU
Thú Chơi người Hà Nội Icon_minitimeFri Apr 12, 2024 3:54 pm by phambachieu

» THƠ THANH HUONG
Thú Chơi người Hà Nội Icon_minitimeFri Mar 22, 2024 12:23 am by thanhhuong

» thotranbichhat
Thú Chơi người Hà Nội Icon_minitimeTue Mar 12, 2024 4:08 pm by tranbichhat

» BA BÀI THƠ MÙA THU CỦA NGUYỄN KHUYẾN
Thú Chơi người Hà Nội Icon_minitimeWed Mar 06, 2024 10:16 am by duynd779

» Buy Cigarettes Online in Australia with Smokoo.com.au
Thú Chơi người Hà Nội Icon_minitimeTue Feb 13, 2024 12:20 am by jeuxlplus

Navigation
 Portal
 Diễn Đàn
 Thành viên
 Lý lịch
 Trợ giúp
 Tìm kiếm
Diễn Đàn
Top posters
Nguyễn Thành Sáng
Thú Chơi người Hà Nội Poll_leftThú Chơi người Hà Nội Poll_centerThú Chơi người Hà Nội Poll_right 
buixuanphuong09
Thú Chơi người Hà Nội Poll_leftThú Chơi người Hà Nội Poll_centerThú Chơi người Hà Nội Poll_right 
haminhgiang
Thú Chơi người Hà Nội Poll_leftThú Chơi người Hà Nội Poll_centerThú Chơi người Hà Nội Poll_right 
Nguyên Hữu
Thú Chơi người Hà Nội Poll_leftThú Chơi người Hà Nội Poll_centerThú Chơi người Hà Nội Poll_right 
Lê Hải Châu
Thú Chơi người Hà Nội Poll_leftThú Chơi người Hà Nội Poll_centerThú Chơi người Hà Nội Poll_right 
phambachieu
Thú Chơi người Hà Nội Poll_leftThú Chơi người Hà Nội Poll_centerThú Chơi người Hà Nội Poll_right 
thanhhuong
Thú Chơi người Hà Nội Poll_leftThú Chơi người Hà Nội Poll_centerThú Chơi người Hà Nội Poll_right 
thanhtracnguyenvan
Thú Chơi người Hà Nội Poll_leftThú Chơi người Hà Nội Poll_centerThú Chơi người Hà Nội Poll_right 
thamthyphuong
Thú Chơi người Hà Nội Poll_leftThú Chơi người Hà Nội Poll_centerThú Chơi người Hà Nội Poll_right 
lehong
Thú Chơi người Hà Nội Poll_leftThú Chơi người Hà Nội Poll_centerThú Chơi người Hà Nội Poll_right 
May 2024
MonTueWedThuFriSatSun
  12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031  
CalendarCalendar
Thống Kê
Hiện có 1 người đang truy cập Diễn Đàn, gồm: 0 Thành viên, 0 Thành viên ẩn danh và 1 Khách viếng thăm

Không

Số người truy cập cùng lúc nhiều nhất là 190 người, vào ngày Tue May 10, 2016 8:24 pm
Social bookmarking
Social bookmarking reddit      

Bookmark and share the address of HỒN THƠ VIỆT NAM on your social bookmarking website

Bookmark and share the address of HỒN THƠ VIỆT on your social bookmarking website
Most Viewed Topics
BA BÀI THƠ MÙA THU CỦA NGUYỄN KHUYẾN
Tập Thơ Chọn Lọc - Nhất Lang (Nguyễn Thành Sáng)
MÙA THU CÂU CÁ
THƠ ĐÙA Ả BÁN CHIẾU: GIAI THOẠI NGUYỄN TRÃI - NGUYỄN THỊ LỘ
ĐIỂN TÍCH - HOA ĐÀO NĂM NGOÁI CÒN CƯỜI GIÓ ĐÔNG
Thơ Nguyên Hữu
THƠ HÀ MINH GIANG
TRANG THƠ LÊ HẢI CHÂU
Cứ mỗi độ thu sang - nhớ lại bài thơ chủ điểm mùa thu sách tập đọc lớp 1
HOA GIEO TỨ TUYỆT
Statistics
Diễn Đàn hiện có 610 thành viên
Chúng ta cùng chào mừng thành viên mới đăng ký: laolaoconuong

Tổng số bài viết đã gửi vào diễn đàn là 22269 in 6005 subjects
trang thơ hay
http://lucbat.com/
Diễn Đàn

 

 Thú Chơi người Hà Nội

Go down 
Tác giảThông điệp
duonghip




Tổng số bài gửi : 68
Join date : 12/03/2013

Thú Chơi người Hà Nội Empty
Bài gửiTiêu đề: Thú Chơi người Hà Nội   Thú Chơi người Hà Nội Icon_minitimeTue Sep 03, 2013 8:15 am

CHƠI THƠ
– GIA TÀI KHÔNG DI CHÚC –
Người Việt Nam coi thơ như tôn giáo. Người mê thơ kỳ lạ như cụ Nguyễn Hữu Mão xưa nay hiếm.
Cụ Mão có khuôn mặt hệt như tể tướng Lưu Gù, cụ sinh năm 1911 mất năm 2006. Cụ say thơ từ năm lên 8 đến phút chót cuộc đời. Cụ sinh tại làng Tương Mai – trú quán tại số 7 Ô Quan Chưởng – Hà Nội.
Năm 17 tuổi, cụ sống cùng ông chú làm tuần phủ Lạng Sơn. Mối tình đầu của cụ với cô sơn nữ thật say đắm và thê thảm. Cô sơn nữ bị một thanh niên cùng bản ghen và đẩy xuống vực thẳm, mấy ngày sau mới tìm thấy xác.
Cụ làm thơ khóc mối tình đầu đầy xúc cảm:
Những mong dốc cả lòng mơ
Dành thời xuân để đợi chờ người yêu
Nhưng than ôi! Sắc diễm kiều
Miệng cười khiến cả một chiều thu say
Mắt nhìn cho lá ngàn bay
Thướt tha dáng liễu hương ngây ngất trời
Đã không còn ở cõi đời
Để cùng nhau cạn những lời thề xưa
Thôi đành ôm giấc tàn mơ
Ôm thiên trường hận để chờ kiếp sau
Mới hay mang nỗi thương đau
Là khi trao mối tình đầu mới hay
Nàng đi đi mãi rồi đây
Biết đâu đời lẻ dấu dầy tình chung
Ngẩn ngơ trong đám bụi hồng
Giữa nơi phú quý cõi lòng buồn tênh
Hàng ngày cụ ngâm nga bài thơ từ sáng đến tối, ngâm tới mức độ tất cả người ghét thơ trong nhà đều phải thuộc lòng.
Cụ treo bức ảnh truyền thần cô sơn nữ ngay cửa ra vào – nơi trân trọng nhất. Dưới bức ảnh là hàng chữ: “Nàng sơn nữ” bằng màu xanh lam của núi rừng, cả bức tranh cũng phủ màn sương khói chỉ có cặp môi hồng là đỏ thắm như màu hoa chuối rừng. Bức chân dung cô sơn nữ, mặc áo dân tộc, tay vin vào giậu trúc. Tranh truyền thần hàng trăm năm nay mà vẫn còn như mới.
Ngắm tranh nàng sơn nữ, nhiều người cảm động và trân trọng mối tình thiêng liêng của cụ và tiếc thương cho cô sơn nữ đã thành người thiên cổ, kẻ thì khích bác cụ bà:
- Cụ lành quá mới để cụ ông treo ảnh người yêu mà không treo ảnh vợ.
Cụ bà lặng im. Cụ thông cảm với cụ ông, cụ ông là người suốt đời tận tụy với vợ con, bức ảnh cô sơn nữ với cụ ông là tối linh thiêng, cụ bà tuy ghen nhưng là người hiểu được đạo vợ chồng:
“Đàn ông như thể cánh diều
Đàn bà cầm sợi tơ điều trong tay
Đừng già néo kẻo đứt dây
Thả chùng xuống để diều bay đúng tầm”
Nhiều lúc thấy chồng đọc thơ cùng bạn, cụ bà dị ứng, cụ khéo léo bảo con ra kiềm chế thi hứng của cụ ông, còn cụ ông thì phớt lờ cứ đọc thao thao bất tuyệt. Cụ bà đành chép miệng bảo:
- Ông ấy già rồi còn đọc thơ kiểu Xuân Hương làm ngượng chín cả người.
Cụ Mão còn viết một pho truyện dày hàng nghìn trang về nàng sơn nữ. Tên sách: “Nàng Sơn nữ”, “Truyện thực rừng xanh” cuối sách đề: “Tác giả Nguyễn Hữu Mão không xuất bản và giữ bản quyền”.
Sau đó cụ đi suốt núi rừng Lạng sơn viết vào các vách đá như động Tam thanh, Nhị thanh… những bài thơ cụ tặng cô sơn nữ. Cụ viết thơ vào vách đá bằng vôi. Vôi viết trên vách đá ở trong hang động rất bền. Cụ viết từ năm 17 tuổi đến năm cụ 85 tuổi, cụ tìm vào trong hang núi xưa, khi soi đuốc thấy bài thơ vẫn còn chỗ tỏ chỗ mờ.
Thời loạn 1946, mặc cho thiên hạ hốt hoảng dắt díu nhau chạy tản cư trong tiếng bom rơi đạn nổ, cụ ung dung  gánh một gánh thơ cùng gia đình đang gồng gánh trẻ con và lủng củng đồ đạc, mặt mũi thất thần.
Khoảng năm 1948, gia đình cụ làm nghề đổi tiền cũ lấy tiền mới vì cụ bà có người làm ở nhà băng – ngân hàng. Cụ Mão khắc thơ  bằng bộ triện đồng rồi đóng vào những đồng tiền cũ đổi cho nhà băng để tiêu hủy. Mật thám Pháp nghi là tín hiệu của cộng sản Việt Minh nên đã bắt giam cụ. Sau khi điều tra mới biết là cụ chỉ mắc bệnh mê thơ nên thả ngay.
Khi được mật thám Pháp thả ra khỏi nhà tù, cụ đi bộ chục cây số, đến cách nhà 100m cụ vét túi mua một điếu thuốc lá và vẫy xe tay – xe do người kéo – rồi ngồi vắt vẻo trên xe mồm phì phèo điếu thuốc lá ngậm lệch trông oai như ông phán để chữa thẹn với vợ con và hàng xóm là mình bị bỏ tù vì làm thơ.
Ngoài 90 tuổi cụ thường ra Bờ Hồ tập trung những bà thích thơ rồi đọc cho họ nghe bài cụ vừa viết, sau đó cụ thưởng cho người nghe thơ ít tiền nhuận tai. Có lần vì mải làm thơ cụ đứng đái ngay trước cửa tòa thị chính thành phố. Công an thấy cụ quá già cũng quay mặt đi làm ngơ, còn cụ khi quay mặt lại  thấy chiếc xe đạp của mình đã bị mất cắp. Ngay khi cụ ngoài 90 lúc cụ ốm nặng cụ cũng trốn ra Bờ Hồ đọc thơ về  bị viêm phế quản nặng, ho sù sụ suốt đêm. Vợ con cụ rầy la cụ cũng bỏ ngoài tai. Hơi khỏe là cụ lại lỉnh ra Bờ Hồ sinh hoạt hội thơ cóc. Có một  dạo cụ ốm nặng, một số bà nhớ thơ cụ  muốn đến nghe thơ và lĩnh tiền nhuận tai đã đến tận giường bệnh nguyện cầu cụ. Lúc này gia đình mới té ngửa ra vì trước nay cụ cần rất nhiều tiền mà không biết cụ dùng làm gì!
Thần tượng thơ của cụ là Hồ Xuân Hương nên cụ lấy bút danh là Xuân Phong. Cả nhà: Vợ và 19 con cả dâu lẫn rể đều rất ghét thơ. Thằng chắt đích tôn cụ Mão có lần được khen là nó sẽ làm thơ hay, nó đập đầu vào tường đôm đốp, nói:
- Nếu mà phải làm thơ thì thà chết đi còn hơn!
Duy chỉ có cậu con trai thứ ba là kế thừa tính yêu thơ của cụ và trở thành nhà thơ dân gian nổi tiếng nhất đầu thế kỷ 21. Hàng tuần cụ sáng tác thơ rồi gửi bưu điện đến cho anh con trai, cụ bảo thơ gửi qua bưu điện mới thiêng. Một lần anh con trai thứ hai của cụ xuống nhà chú ba chơi thấy trên bàn để mấy bài thơ, anh đọc liếc qua và cười nhếch mép:
- Xuân Phong là thằng chó nào mà làm thơ thối như cứt thế !
Chú ba vội đỡ lời:
- Đấy là thơ của bố già
Chú hai nghệt mặt ra.
Nhiều lần cụ Mão đau khổ vì cụ Sáu làm ở tòa án quận Hoàn Kiếm gửi cho cụ toàn là thơ con cóc. Anh hai bảo: Cụ hãy trả thù bằng cách lấy độc trị độc là gửi thơ cụ Mão cho cụ Sáu đọc.
Tuần nào cụ cũng đến nhà chú ba cách chỗ cụ ở đi về hơn 10km để chia sẻ cảm hứng thi ca. Cụ tha thiết yêu cầu được nằm tâm sự hàng ngày với chú ba. Cụ bảo đời này họ hay tâng bốc nhau, chỉ có cụ là thẩm lậu được thơ con và dám nói hết cái hay, cái dở.
Một lần ốm nặng đến gần đất xa trời, cụ gọi chú ba tới bên giường nói lời trối trăng:
- Có người bảo thơ tôi hay hơn thơ anh, có người bảo thơ anh hay hơn thơ tôi, anh thấy thế nào?
Anh con trai cầm tay bố bảo:
- Thơ bố hay hơn là cái chắc
Cụ bật dậy cầm tay con:
- Thế là anh đã báo hiếu cho tôi rồi, từ nay tất cả mọi sai lầm của anh tôi cho qua hết!
Sau đó cụ khỏi hẳn bệnh.
Khi ốm sắp mất, cụ thường tra tấn mọi người bằng cách bắt ngồi hầu thơ cụ hàng giờ, mỏi rã rời, khi hết hơi cụ xua tay thì người nghe mới thoát tù.
Giang hồ tặc tử con không sợ
Chỉ sợ về nhà bố đọc thơ
Tai cụ nghễnh ngãng, rồi điếc hẳn. Trên bàn cụ để tập giấy, ai nói gì viết vào giấy cụ cũng trả lời bằng giấy. Nhưng đặc biệt nhiều khi đọc thơ là cụ lại nghe  rất rõ, thật kỳ lạ. Đêm nào cụ cũng dậy làm thơ. Con cái cấm cụ làm thơ, sợ cụ ốm. Ngược lại không được làm thơ là cụ xỉu hẳn. Mọi người đành để cụ làm thơ tùy thích, phút giây cuối đời năng lượng thơ là sự sống duy nhất níu kéo hơi tàn của cụ còn thoi thóp với đời. Câu thơ cuối cùng cụ làm trước phút lâm chung gửi cho vợ thật cảm động:
“Bẩy nhăm năm có là gì
Coi như giấc mộng xuân thì mà thôi”
Lúc viết câu thơ này cụ không cầm được bút, chỉ nằm vẫy con lại, mọi người khóc òa lên tưởng cụ bắt chuồn chuồn thở hắt ra, cụ xua tay, mọi người ngơ ngác im lặng, cụ ra hiệu cho con đến, và bảo cầm giấy bút, mọi người đinh ninh nghĩ là cụ dạy điều gì. Không, cụ đọc thều thào câu thơ bảo anh con trai viết lại để cụ xem. Câu thơ nào chưa đúng, cụ bắt sửa đi sửa lại đến nửa tiếng. Đọc xong hai câu thơ hoàn chỉnh cụ nhắm mắt ra đi như người ngủ trong tiếng gào thét khóc thương của cả gia đình.
Bài thơ phảng phất mùi thiền là bài thơ cụ viết tặng anh ba khi xuất bản tập  Huyền Thi:
 
“Huyền Thi thơ đọc quả Huyền vi
Mộng thấy thật ra chẳng thấy gì
Bến tới tưởng rằng chưa tới bến
Vội vàng rời bến lại ra đi”
Đặc biệt sau khi cụ mất, vợ con tìm thấy sổ ghi chép tiền trả nhuận tai cho các bà nghe thơ của cụ lên tới vài trăm triệu.
Còn anh ba – người tri kỷ tri âm bình thơ cụ:
“Cụ là người sống đức độ nơi cửa Khổng  sân Trình nhưng cụ lại thích làm thơ giang hồ kiểu lãng tử, kiểu Xuân Hương nên không thành công”. Đấy cũng là bài học sâu sắc để cho anh ba quyết không mắc phải:
“Làm thơ phải có vân thơ
Như vân tay ở trên tờ chứng minh
Làm tình cũng có vân tình
Vân tình in ở chỗ mình đắm say”
Và anh ba cũng quyết theo con đường thơ dân gian của cụ Mão  là không cầu danh, cầu lợi mà làm thơ chỉ để chia sẻ.
Anh ba thường nói đùa là anh được kế thừa độc quyền toàn bộ thế giới thi ca của cụ Mão – đến mấy tạ thơ – tài sản tâm linh này không cần có di chúc và chẳng thấy ai tranh chấp như tài sản vật chất của cụ cả.
 
 
 
 



(*) cụ Nguyễn Hữu Mão là thân sinh nhà thơ Huyền Thi – Nguyễn Bảo Sinh.
 
 
 



GÀ CHỌI
“Lấy chồng gà chọi sướng hơn tiên
Sờ túi đâu đâu cũng thấy tiền”
Gà chọi thời Pháp được chơi tự do. Ngày xưa chợ Bắc Qua là sân vận động nghiệp dư. Các tay chơi gà chọi thường mang gà ra sân vận động tập và chọi ăn tiền công khai. Người hay mang gà ra vần tập ở đây có ông Quế ở gác nhà số 2 phố Ô Quan Chưởng. Ông Quế là  huấn luyện viên thể dục, có vợ tên là Nhung, người nhỏ nhắn xinh xắn. Ông Quế này có hỗn danh Quế con để phân biệt với ông Quế to, lái ô tô. Quế con có biệt tài chữa cần cổ gà khi chiến đấu bị sai, bị nghẹo, cho nên Quế con còn có hỗn danh Quế cần cổ. Thời Hà Nội tạm chiếm, tay chơi gà chọi nổi tiếng là Nguyệt, Mẫn ở khu Hoàn Kiếm, Cả Trầm ở trên Bưởi, Sáu Tiếp ở Hàng Bạc. Ngày xưa cá độ gà to lắm. Theo cụ Trưởng Anh cho biết cá cược cả nhà cửa, cả dẫy lò gạch.
Những bậc tiền bối vẫn tiếp tục chọi gà sau ngày giải phóng. Thời ấy có hai sới gà: sới gà nghiệp dư đá để phục vụ các lễ hội như ở Văn Miếu. Giải thưởng thường chỉ cái phích, khăn mặt, xà phòng… Đặc biệt được thưởng là cờ đuôi nheo mầu đỏ thêu chỉ vàng: “Vô địch gà chọi”. Người thích chọi gà kiểu lễ hội này có ông Điệp Tần ở Hà Trung. Nghe đâu khi về già, ông Điệp Tần ít chơi gà chọi mà chuyển sang đi câu. Một lần ông ngồi câu mãi tối không về, chủ hồ ra xem chỉ thấy đôi dép trên bờ và cái mũ trôi dưới hồ, có lẽ ông thành Lý Bạch mò trăng.
Chọi gà nhà nghề bị cấm nên phải chọi chui. Sới chọi gà thường xuyên ở nhà ông Đắc Cổ Nhuế. Dạo ấy từ Hà Nội vào Cổ Nhuế phải qua trường Đảng, chứ không đi bằng nhiều đường như bây giờ. Cổ Nhuế thuộc huyện Từ Liêm. Ông Đắc là y sĩ của huyện nên ông quen nhiều công an, được ô dù che chở, chứ nơi khác chứa sới được dăm bữa là vỡ. Làng Cổ Nhuế xưa có nghề đi hót phân. Người dân Cổ Nhuế có câu ca:
“Ra đi quyết một lời thề
Phân chưa đầy sọt chưa về thăm quê”
Sở dĩ sới gà chọi bị vỡ vì dân gà chọi vẫn to mồm hò hét rầm trời nên rất dễ bị lộ. Hơn nữa, dân cờ bạc gà chọi hình như nhiễm máu nóng của gà nên hay gây gổ đánh nhau.
Trận đánh nhau hy hữu phải kể đến trận đánh nhau giữa Tài Ngẩu phe Ngũ Xã và ông Thuỳ ở ngõ Văn Chương. Gà của Tài Ngẩu sắp thua, song vì ông Thuỳ lại nóng tính, nên xẩy ra xung đột.
Khi đám gà chọi đánh nhau thì tốt nhất là tẩu phi thượng sách, vì nếu công an ập tới đều bị bắt tuốt, coi như tội cờ gian, bạc lận.
Người chữa gà chọi giỏi nhất sới từ cuối thế kỷ 20 sang đầu thế kỷ 21 phải kể đến ông Tùng. Ông Tùng con cụ Trưởng Anh, tay chơi gà chọi nổi tiếng đầu thế kỷ 20. Bốn con của cụ Trưởng Anh gồm: Cúc, Thông, Tùng, Bách đều chơi gà chọi nổi tiếng. Song chỉ ông Tùng là siêu sao.
Người chơi gà chọi nhà nghề nổi tiếng nhất có Quang Lốp. Chủ hàng nhựa giầu có tiếng ở Khâm Thiên. Quang Lốp chơi gà khác đồng nghiệp ở phong thái ông chủ, nên rất có uy tín. Trong tất cả cuộc chơi, sau khi cân đối thu chi, Quang Lốp rất bình tĩnh ra tìm hàng ăn, và ăn khoẻ như một người thợ đấu.
Hai con gà chọi nổi tiếng nhất thế kỷ thứ 20 gồm: Xám Cóc của cánh miền Nam tập kết: Đức, Hai Thoại. Hai Thoại làm nghề cắt tóc và bán thịt chó ở khu lao động Tân Mai. Có lần xe ô tô của Thủ tướng Phạm Văn Đồng về thăm nhà ở chùa Sét. Hai Thoại đứng chắn đường nhờ Thủ tướng giúp đỡ kinh tế cho gia đình Hai Thoại, cán bộ miền Nam tập kết. Thuở ấy, cánh cán bộ miền Nam rất được ưu tiên. Hai Thoại có đôi tay vàng về mổ xẻ, khâu vá vết thương  cho gà. Cách chọn gà của Hai Thoại tóm gọn trong câu thơ:
“Muốn chi thì muốn
Trăm muôn ngàn tướng
Hai hàng trơn trơn”
Trong chơi gà chọi có hai cách. Một cách căn cứ vào hình tướng, kinh kê. Một cách căn cứ vào thực tế: “kê đả, mã kỵ”. Gà có chọi mới biết hay dở.
 Ông Đức bán nước ở đường Hà Nội đi chợ Hà Đông. Thời ấy hai bên đường chỉ toàn đồng lúa. Chợ Hà Đông thành trung tâm mua bán gà chọi toàn miền Bắc. Làng Phùng Khoang nằm bên phải đường đi Hà Đông. Đầu làng Phùng Khoang có ngôi chùa đẹp, cuối làng Phùng Khoang có nhà thờ cũng đẹp. Giữa làng Phùng Khoang có gia đình ông Hội rất kính chúa và yêu gà. Khi Hai Thoại và Đức mang gà chọi vào nhà ông Hội để vần với Xám Cóc, bị Xám Cóc đâm lia lịa, máu chảy đầm đìa. Hai Thoại vội ôm lấy gà của mình, bôi máu vào gà của Hội rồi nói:
Hội, ôm ngay gà của mình lên, kẻo bị ộc máu mồm chết mất.
Sau đó vài hôm, Hai Thoại và Đức đến gạ mua được Xám Cóc với giá rẻ. Đức và Hai Thoại như bắt được vàng, sau khi vần tập kỹ mang ra sới ghép.
Trận đấu Xám Cóc ghép với Tía Ngỗng to cao hơn 3 lạng, Xám Cóc đã đâm chết Tía Ngông rất nhanh. Trận thứ hai cũng vậy, Xám Cóc trở thành lừng danh khắp sới. Trận thứ ba, Xám Cóc gặp Cu Ly, Cu Ly là tên gọi chệch của con gà Cú của ông Luy, cánh gà chọi Bưởi. Trận đó, Xám Cóc  đã thua một cách đơn giản. Nhưng cánh anh Hai bầy nhầy không chịu, đòi thi đấu lại sau vài tháng. Chính vì có sự lạ này cho nên giới gà chọi rất quan tâm. Trận đánh đó đã gây sốc và thu hút sự chú ý của giới gà chọi toàn miền Bắc.
Trận đấu phục thù của Xám Cóc và Cu Ly đã gây sững sờ cho toàn giới chơi gà chọi, vì bất cứ con gà chọi nào trưởng thành đã thua một lần là vĩnh viễn xóa phiên hiệu gọi là gà vỡ, chỉ có thể cho vào nồi để nấu phở thôi. Chỉ có điên thì mới mang Xám cóc ra đá lại. Đức và Hai Thoại đã làm điều mà từ cổ chí kim không ai dám làm, kể cũng đáng khâm phục. Dĩ nhiên, trận báo thù này, Xám Cóc lại thua nhục nhã, nhưng ý chí chiến đấu và niềm tin của Đức và Hai Thoại thì mãi mãi in dấu ấn trong lòng người chơi gà chọi thế kỷ thứ 20.
Gà chọi dù thắng bao nhiêu trận chỉ cần thua một trận là đủ xoá sạch thành tích và ô danh muôn thuở.Duy chỉ có Xám Cóc, thua đến hai trận mà lại lưu danh muôn thuở. Ý chí chiến đấu của Hai Thoại và Đức đáng cho giới gà chọi Bắc Kỳ ghi nhớ.
Sau ngày giải phóng miền Nam năm 1975, Hai Thoại và Đức về miền Nam. Đức lên đến chức chủ tịch phường, còn Hai Thoại thì cặp bồ với vợ một đại tá Ngụy giầu có lắm. Cuối đời, Hai Thoại lại rơi vào vòng cùng quẫn. Hai Thoại lại ra Bắc về khu lao động Tân Mai. Thời xưa, Hai Thoại thường chỉ vào trán nói với bạn bè: “Khi nào trán Hai Thoại có 9 vết nhăn sẽ phát vương”. Khi Hai Thoại túng quẫn, ra Bắc hành nghề xem tướng, trán Hai Thoại có đến chín vết nhăn, Hai Thoại phát vương: vua rách mướp, cái bang chủ.
Còn con gà nổi tiếng nhất thế kỷ 20: Ô Mướp. Cụ tổ bốn đời của Ô Mướp là Ô Tía Mơ Đa Hội của Nam Chánh, bạn chiến hữu của cụ Cả Trầm. Đa Hội vốn là làng rèn. Con gái tháo vát đảm đang, nếu cần pha cả máu đao búa. Tất cả mọi việc ngoại giao, mua bán, kinh bang tế thế đều bởi tay đàn bà. Đàn ông chỉ có việc quai búa, chơi gà chọi, uống rượu. Gà chọi Đa Hội có chân đá quyết định, song lối chưa hay lắm và kém sức dẻo.
Dân Đa Hội khi kết hôn hoặc ly hôn không theo luật hôn nhân. Trong làng có hai cột đá, đôi nào kết hôn hoặc ly hôn cứ dán tên lên cột đá coi như bỏ nhau hoặc thành vợ thành chồng. Báo Nhân Dân thời bao cấp, cơ quan ngôn luận cao cấp nhất của Đảng phải viết: “Làng Đa Hội đường chim bay cách trung tâm Hà Nội chưa đầy 10 km mà họ chống luật hôn nhân, kết hôn, ly hôn không thông qua Uỷ ban”. Nhưng cuối cùng phép vua vẫn thua lệ làng.
Điều đặc biệt nhất về kết hôn của Đa Hội: sau khi làm lễ cưới, vợ chồng không được sống chung với nhau, bao giờ họ hàng có người mất coi như báo cho cõi âm biết đôi trai gái đó thành vợ chồng, thì mới được ăn nằm với nhau.
Ô Tía Mơ Đa Hội của Nam Chanh cũng mang tính Đa Hội: chân đá nặng, lối chưa hay. Cũng như người dân Đa Hội, suốt ngày quai búa nên tay to, ngực nở, đôi chân thì cẳng cà. Đòn sở trường của Ô Tía Mơ Đa Hội là đang đánh bỗng bỏ chạy, đối phương đuổi theo, Ô Tía Mơ quay lại tát liên tục để làm mất mắt, mất mỏ kẻ địch – cũng tương tự như hồi mã thương của Lâm Sung, đà đao của quan Vân Trường.
Cụ ba đời của Ô Mướp là Mơ Thôn. Mơ Thôn vốn ở Cầu Bươu, lông mầu mơ, do ông Thôn nuôi. Thời trước năm 1975, sới gà chọi chính ở Cổ Nhuế, sới phụ ở cầu Bươu. Mơ Thôn thần kê thắng bẩy kỳ. Kỳ thắng cuối cùng do ông Kiên chợ Giời làm chủ kê. Trận thắng đi vào lịch sử khi Mơ Thôn đang ở cửa dưới, bị đâm cựa khoé mào không cầm máu nổi, thì bỗng chỉ một cựa, Mơ Thôn đã đâm vỡ tim đối thủ, máu chẩy như máy nước, địch thủ gục ngay xuống chết tại trận.
Nhị tổ Ô Mướp là Bịp Cưa Cần của Phúc Ỳ. Bịp Cưa của Phúc Ỳ thắng tám trận. Bịp Cưa rất ít đá, chỉ cưa đối phương gẫy cần cổ mà bỏ chạy hoặc chết. Lối đá cưa cần, thế võ tối thượng thừa. Gà Cưa Cần rất quý hiếm như thần kê.
Thân phụ trực tiếp Ô Mướp là Ô Huấn La Phù – gà của ông Huấn nuôi ở La Phù. Ô Huấn chân vàng, cựa đen xếp vào thần kê. Ô Huấn rất liền bộ: đầu công, mình cốc, cánh vỏ trai, đuôi là vả đẹp như bức tranh, đôi cựa oai hùng như đôi Thanh Long đao của Quan Vân Trường.
Ô Huấn không đánh tốc chiến tốc thắng như Ô Tía Mơ Đa Hội, như Mơ Thôn mà chủ yếu vần cho đối phương thỉu dần đi, Ô Huấn rất dễ lừa đối thủ tưởng là thắng lại hoá thua, nên kiếm được rất nhiều tiền cho chủ kê.
Thường thì kê tam, khuyển lục. Sau ba năm gà suy yếu dần vì già. Còn chó sau sáu năm cũng vậy. Riêng Ô Huấn tám năm mà vẫn như Triệu Tử Long. Trận cuối cùng Ô Huấn đá ở Thổ Hà với cánh Nguyệt, Cương ở Hàng Mã. Ai cũng khinh Ô Huấn quá già nên chấp. Không ngờ Ô Huấn như Triệu Tử Long, gừng càng già càng cay. Trận đó, Ô Huấn thắng oanh liệt. Ông Sứu dưới Tân Mai theo Ô Huấn thắng to, tiền cá cược về xây được nhà. Thời 1970 xây được ngôi nhà bằng tiền gà chọi coi như một kỳ tích, một kỷ lục Ghi-nét.
Ô Mướp là sản phẩm kỳ diệu của thiền nhân Nguyễn Bảo Sinh. Mọi người đều nuôi gà chọi bằng lý trí, bằng khoa học. Riêng ông Sinh nuôi gà chọi theo đạo thiền, ông để cho Ô Mướp chỉ ngủ trên ngọn tre. Hàng ngày, Ô Mướp tự đi kiếm ăn trong vườn. Dù đêm tối mưa giông gió bão, Ô Mướp cũng chỉ ngủ trên ngọn tre giữa trời. Ông Sinh đã nhờ ông trời dựng nắng mưa, gió rét rèn luyện để trở thành một con gà có sức mạnh bất khả kháng. Mặc dầu bất cứ một tay nuôi gà chọi nào đều phải theo kiến giải ngàn xưa là cắt lông, om chườm rất công phu. Còn ông Sinh cho rằng tất cả ý chí con người đều thua sự đào luyện của Tạo hoá. Ông Sinh giao cho ông trời nuôi gà chọi hộ.
Chính vì hiểu đạo trời này nên Ô Mướp đã thắng đối thủ như một thần kê từ ngoài vũ trụ tới. Trận đấu Ô Mướp gặp Tía của Thành bốt điện hay nhất vùng đê Đại Cổ Việt do tay chơi nổi tiếng Lân Gạo cầm gà. Trận đó Ô Mướp đánh một trận kinh thiên động địa, khiến cho tay chơi gà chọi nổi tiếng qua hai thế kỷ như: Lân  Gạo, Hùng sợ vợ, Kỳ thọt… 35 năm sau nghĩ lại còn hồn xiêu phách tán.
Trận thứ hai, Ô Mướp gặp dòng gà Sao Đỏ của tập đoàn Bưởi nổi tiếng: Tương Giá. Trận đó, Ô Mướp chấp danh kê Tía Sao Đỏ hẳn nửa cân, cao hơn một bao thuốc lá dựng ngược. Lịch sử gà chọi không ai dám chấp danh kê đến nửa cân thịt mà đánh bằng. Trận đó, Tía Sao Đỏ của Tương Giá ra đòn như tên bay, điện giật, tưởng là ăn sống nuốt tươi Ô Mướp. Trận này đá ở sới trung ương, sân vận động “Mu-ních” của Đắc Cổ Nhuế, trận đầu đá tại sân nhà 167 Trương Định, Hà Nội – hiệp 5, Tía Sao Đỏ đâm Ô Mướp một cựa xiên qua da đầu, cựa cắm xuống đất, Ô Mướp nằm phủ phục như bãi cứt trâu. Cả sới hò hét đến vỡ trời. Ô Mướp  giả vờ giẫy chết. Lúc đó Ô Mướp bị chấp xuống 30 ăn 1 không ai dám bắt. Bất thình lình Ô Mướp bình tĩnh đứng dậy, đá một cựa giữa tim Tía Sao Đỏ. Tía Sao Đỏ phùng to như quả bóng, giãy đành đạch vừa lê, vừa chạy.
Trận thứ ba, Ô Mướp gặp Tía Cười của cánh Nguyệt Hàng Mã. Nguyệt chơi gà từ hồi Pháp, người thấp đậm, dáng quắc thước, mệnh kim, trông như cục sắt. Trận đó, Nguyệt biết tài Ô Mướp, nên bắt Ô Mướp chấp đến hơn nửa cân và cao hơn bao thuốc lá dựng ngược.
Trận này, Ô Mướp thắng một cách đơn giản. Hiệp 4, Tía Cười mất mắt; hiệp 5, Tía Cười chạy kêu. Trận đánh thần kỳ gây hốt hoảng cho sới gà chọi. Không ai ngờ danh kê Tía Cười to cao như quả núi lại thua con chuột nhắt Ô Mướp. Câu chuyện Ô Mướp chiến thắng lan nhanh trong làng gà chọi cả nước hơn cả loa truyền thanh và  báo chí.
“Nực cười châu chấu đá xe
Tưởng rằng chấu ngã ai dè xe nghiêng”
Ô Mướp trở thành thần kê, thánh kê, quỷ kê, khiến không có đối thủ nào dám gặp. Cuối cùng Phúc Thùng mang một con gà khổng lồ ra ghép với con chuột nhắt Ô Mướp. Ông Sinh không chọi, các chiến hữu của ông Sinh quá mê tín Ô Mướp nên đã mua gà của ông Sinh với giá trên trời để chọi mà là đá bằng không chấp. Ô Mướp gặp khó khăn, vì đối thủ của Ô Mướp siêu cường. Ai ngờ, Ô Mướp tung hứng, tự nhẩy lên cao, khi rơi xuống cựa cắm vào bàn chân của Bịp Phúc Ỳ, khiến Bịp Phúc Ỳ què một cẳng và Ô Mướp lại lấy được thế thượng phong. Nếu không có cách đâm cựa độc đáo của Ô Mướp  mà trăm năm chỉ có đến một lần thì Ô Mướp đâu còn lưu danh muôn thuở.
Cho đến năm 2006, sau gần nửa thế kỷ trôi qua, những người chơi gà chọi nổi tiếng nhất Việt Nam như Quang Lốp… vẫn bàng hoàng nhớ lại chiến thắng của Ô Mướp. Nhà thơ Lê Kim Giao sinh ra trong một gia đình có truyền thống nuôi gà chọi nổi tiếng đã viết về Ô Mướp và chủ kê Nguyễn Bảo Sinh như sau:
KÊ ĐẠO
Về các mẫu người đam mê gà và các kiểu chơi gà có thể tạm kể như sau:
* Loại hay gặp: Đó là loại say mê chiến đấu và chiến thắng ở cả tiếng tăm và tiền bạc. Họ mua gà, đúc gà, luyện gà say mê và chính họ là người giữ gôn cho nghệ thuật chọi gà tồn tại… Rồi chính họ mưu mô tạo dựng cho thành một cuột tỷ đấu có cá cược vừa với túi tiền mình. Khi thắng trận họ có đầy đủ cái sướng của kẻ phàm trần: túi đầy tiền, bạn bè vui vẻ đến nâng cốc ca tụng chú gà anh hùng mang tên chủ, tiếng tăm lưu truyền có khi đến vài chục năm.
 * Loại chơi tiền: Loại này không bao giờ nuôi gà nhưng luôn luôn có sổ tay ghi chép tỉ mỉ, chính xác từng con gà hay của nhiều năm, ghi nhớ cả cân nặng, miếng hay, tông giống… Họ thường làm mối các trận gà cả dở, cả hay. Lúc thi đấu họ chỉ lăm le quay chuyển liên tục sao cho tránh cửa thua và luôn có ít lợi ở cửa được. Dẫu có nhiều người quen nhưng không ai coi đó là người chơi chân chính cả, vì suốt đời họ làm gì có con gà nào của mình đâu.
* Loại thứ ba: là loại say mê gà để sáng tạo. Loại này cũng khá hiếm. Họ cũng nuôi lấy một vài con trong một năm, chăm sóc, luyện gà thật kỹ, cũng ki cóp ít tiền để khi ra đá có được niềm vui chiến thắng. Thích các cảm giác mạnh, họ luôn thách đấu bắt tù binh: ai thua sẽ mất cả xác gà của mình! Nếu bại trận thì chẳng nói làm gì, còn nếu thắng thì… than ôi hạnh phúc!
Giữa một sân rộng, trải vài ba cái chiếu, rồi bạn bè, rồi những can bia hơi (cho rẻ…) rồi hàng chồng bánh mỳ với nồi sốt vang, đĩa giả cầy chính chú gà tù binh vừa thua cuộc…  Chà! Thịt kẻ tù binh sao mà ngon ngọt thế! Họ cười ha hả vì tin chắc cánh thua trận đang cay đắng tìm cách trả thù bằng một trận đấu khác… Và trong cảm hứng vô bờ ấy, các bài văn, thơ đầy khí thế được khai sinh.
Các vương hầu, khanh tướng, thậm chí cả các vua chúa cũng ham mê kiểu như người thường, có điều họ cá cược to hơn, gà quý, đắt tiền hơn nên chất lượng trận đấu cũng có cao hơn.
* Còn một loại cuối cùng hết sức hiếm hoi: Loại chơi gà kiều Đạt Ma thiền sư.
Nuôi gà, luyện gà cẩn thận hơn ai hết.
Một mình say mê xem cả hai con gà, hai võ sỹ thực sự hết tài, hết lực thi đấu.
Quan sát chúng và suy ngẫm sâu sắc tìm ra phần triết học của cuộc đời.
Họ biết rõ vì đâu hai chú gà cứ thấy nhau là phải quyết đấu, phải một chú chết hoặc chạy (kỳ tẩu, kỳ tử)… Chỉ có một người có chủ quyền trên mảnh đất ấy, chủ quyền bầy đàn và đất đai.
Họ lại có thể từ quan sát cách giao đấu của gà với chiếc khoeo, gối ngược với người để tìm ra các thế võ hiểm – ví như cú đá ngược gập khoeo chân của võ thuật hiện hành – hoặc tìm ra cách thăng bằng trọng tâm để luôn giành thế thượng phong, luôn ép địch vào thế hạ phong. Rồi từ thế lấn cổ của gà có thể tìm ra cách sử dụng cổ tay đu đẩy và linh giác của võ.
Rồi cả chuyện niềm tin: Người ta đổ niềm tin vào một chú gà chọi huyền diệu nào đó (Đổ tất cả vốn liếng, gia tài…) và bỗng một sớm bất hạnh, chú gà thua trận, niềm tin ấy tan vỡ… họ đau khổ chấp nhận và tự nhiên thay, họ lại đi tìm một niềm tin khác… không có niềm tin thì sống làm sao?
Cái ngày ấy có danh – hiệu – vật – sống không chỉ ở Gà.
Nhìn đôi gà chọi, họ có thể suy ngẫm về tự tánh, tính bản thể của sự sinh tồn, ví như bảơ vệ chủ quyền có thể là đạo của gà, của trâu chọi Đồ Sơn, của người, của sinh tồn, của vũ trụ… (rất có thể suy luận sai lầm hoặc tự huyễn hoặc mình… ngay điều ấy cũng rất dễ thương).
Dĩ nhiên là loại này hiếm lắm. Ở Hà Nội có lẽ chỉ có một nhân vật như vậy.
Ông đủ giầu có để có thể nuôi một lúc tới 40 con gà chiến, thuê hẳn 3 người lão luyện chăm sóc, om bóp, vần tập, nhưng không bao giờ thèm ra sới, tỉ đẩu thắng thua.
Bạn bè thích ư? Cứ việc đến mượn gà chiến mang ra sới mà thi đấu. Ông ngồi nhà vì yên trí đã nắm được cái hay, cái dở của gà mình rồi, thua được không còn gì quan trọng nữa.
Ông chiêm nghiệm và tìm ra khối thứ hay. Thơ của ông phảng phất mùi thiền, đạo phật, giọng kinh được nhiều người say mê.
Nếu hỏi ông sẽ đến đâu ư?… Đến ngay cả phật Tổ lúc ngồi diện bích 49 ngày đêm cũng cũn chưa biết mình sẽ về đâu nữa là…Có điều khi gặp ông, ta có cảm giác đó là một thiền sư đang trên đường đến đạo.
Con gà Ô Mướp của ông hình như cũng ngộ cái… khác đời của chủ khi ra đá, thường chấp địch thủ to hơn 7-8 lạng nên hay bị kém đòn, yếu thế. Cuối trận đấu nó mệt quá, nằm hẳn xuống đất nghỉ ngơi, mặc cho đối phương đánh đòn túi bụi vào đầu, vào mình. Lúc đó, ông Bảo Sinh mới lững thững ra sới, nhìn kỹ một lát rồi ung dung quay về nhà, vẻ yên chí.
Quả nhiên, chỉ ít phút sau Ô Mướp của ông vùng dậy, đâm một cựa kinh hoàng! Không phải một trận mà đến ba trận như thế:
Trận đầu, địch thủ bị đâm vỡ sọ, máu phun phè phè, bỏ chạy ngay.
Lần khác, địch thủ bị đâm vào nách, ngã nằm nghiêng không dậy, thua cuộc.
Lần cuối cùng, địch thủ quá to cao, lại cũng là một quỷ kê, nên chỉ bị đâm vào gậm bàn chân, chân sưng phồng lên, không thể tấn công Ô Mướp được… Nhưng Ô Mướp cũng quá đau, trận gà hoà, về nhà cả hai con cùng chết.
Hiện nay, ông Bảo Sinh vẫn giữ nguyên cách chơi gà, ham mê và độc đáo ấy của mình. ông viết:
“Làm thơ, nuôi chó, chọi gà
         Ba trò chơi ấy làm ta bơ phờ
Suốt ngày nửa tỉnh nửa mơ
Trông ai cũng thấy nửa thơ nửa gà”
Sau đây tôi xin kể lại một số chuyện về gà chọi:
---o0o---
* Có một anh chàng đang làm tình trên bụng vợ, bỗng nằm im. Vợ tưởng anh ta cảm, hốt hoảng bế anh ta xuống và hỏi:
- Sao thế anh?
Chồng đáp:
- Anh đang nghĩ tới trận gà chọi thua sáng nay.
---o0o---
* Một chàng mê gà chọi ở Khâm Thiên, sáng dậy mang gà đi sới. Anh ta vào buồng thì thấy mẹ đã bị cảm qua đời. Anh ta nén đau thương mang gà ra sới, mong mẹ sống khôn chết thiêng phù hộ cho anh ta thắng để lấy tiền về làm ma cho mẹ.
Trận đó, cụ thiêng thật, anh ta thắng to, chạy ù về nhà. Anh mở cửa buồng ôm lấy xác mẹ, khóc lã chã thì mẹ đã bị chuột khoét mất một mắt.
---o0o---
* Trận đá gà giữa trưa ở cầu Bươu, trời nắng như đổ lửa, chủ kê cởi truồng tắm dưới ao. Bỗng tiếng hét to trên sới: Thắng rồi! Chủ kê hốt hoảng chạy lên xem, nhưng quên mất đang cởi truồng.
* Trận đá gà hi hữu, khi chủ kê thấy gà mình thắng đã sung sướng hét to đến vỡ cả tim rồi gục đầu xuống chết.
* Còn khi đã nghiện gà chọi thì ai cũng rơi vào tình trạng say đến mê ly.
“Làm thơ, nuôi chó, chọi gà
 Ba trò chơi ấy làm ta bơ phờ
Suốt ngày nửa tỉnh nửa mơ
Trông ai cũng thấy nửa thơ nửa gà”
Anh gà chọi nào khi đi cá cược gà cũng để tiền trong túi, nên câu thơ tả về chồng mê gà thật đúng:
“Lấy chồng gà chọi sướng hơn tiên
Sờ túi đâu đâu cũng thấy tiền”
Sau 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, gà chọi rẽ sang một hướng mới. Phong trào gà chọi công khai hơn, mạnh mẽ hơn. Sới gà chọi mọc lên như nấm, ngay cả những nơi như Vườn Bách Thú, công viên Thống Nhất. Tuy vậy gà chọi cũng mang tính cờ bạc, tự phát, đến đâu cũng ồn ĩ, đánh cãi nhau rối loạn nên đã bị dẹp và đẩy vào những nơi kín đáo như: làng Cót, chùa Đậu Bắc Ninh… Trong không khí hồ hởi thời mở cửa, gà chọi được xem như một hoạt động mang đầy tính dân gian và thượng võ,… Báo chí, truyền hình đưa tin về những cuộc chọi gà khắp nơi. Hà Nội thành lập được sới gà chọi ở chân cầu Chương Dương do Năm Cam quản lý. Sới Chương Dương trở thành trung tâm gà chọi lớn nhất miền Bắc. Nhưng so với phong trào gà chọi miền Nam thì kém xa về tính sát phạt đỏ đen. Tính cờ bạc, đỏ đen của gà chọi Nam kỳ đã bị chính quyền cấm. Cảnh sát lùng sục, bắt bớ các con bạc gà chọi rất ráo riết, nhưng không dẹp được mà chỉ đẩy phong trào đi vào du kích bí mật và lan rộng hơn. Dẹp gà chọi kiểu này chẳng khác gì bắt cóc bỏ đĩa, cũng như cách dẹp ca ve, càng dẹp càng phát triển.
Đầu thế kỷ 21, có trận đấu gà chọi lập kỷ lục thế giới: con gà chọi Tía Bờm của Nguyễn Bảo Sinh ở 167, Trương Định đã làm nên kỳ tích khi 12 tuổi ra sới sân vận động trung ương Chương Dương đã thắng cạn vinh quang rực rỡ.
Con gà chọi già nhất Việt Nam là Ô Huấn chiến thắng oanh liệt tại Thổ Hà cũng của ông Nguyễn Bảo Sinh năm 1973 chỉ ở độ 8 tuổi. Tám tuổi còn ra trận đã là một kỳ tích.
Tía hơn 12 tuổi mà vẫn mơn mởn như gà tơ đầy sung mãn, hai Thanh Long Đao nhọn hoắt, đứng giữa sới oai phong như Quan Vân Trường khiến các loại Nhan Lương, Văn Sú run như cầy sấy.
Sự kiện lớn nhất cuối thế kỷ 20 là Thái Lan mang gà sang ta thi đấu. Thái Lan có đội gà chọi nhà nghề lâu năm được pháp luật bảo vệ, còn Việt Nam thì chỉ tồn tại lén lút, du kích một cách bất hợp pháp, nên hoàn toàn mang tính tự phát.
Đội quân thiện chiến nhà nghề gà chọi Thái Lan không khó khăn gì bóp chết cách chơi gà của Việt Nam. Giới gà chọi Việt bị trận thua choáng váng ngoài sức tưởng tượng, nhưng cũng không sao tiến kịp Thái Lan, vì gà chọi Việt Nam vẫn bị đặt ngoài vòng pháp luật. Thực tế, gà chọi, bóng đá… không thể tách khỏi cá cược. Nhà nước nên chính thức công nhận để đưa vào quản lý, tăng ngân sách cho nhà nước, hạn chế mặt tiêu cực của xã hội.
Hiện nay, ta quản lý cá cược gà chọi cũng đang bị lúng túng như quản lý ca ve, quản lý thanh lâu:
“Sống như tây, nghĩ như ta
Cội nguồn đau khổ chính là từ đây”
“Đậm đà bản sắc chân quê
Thanh lâu xoá sạch, ca ve đầy đường”
Đầu năm thế kỷ 21, công an ra tay dẹp các sới gà chọi. Các tay gà chọi nhà nghề bị phạt nặng, nếu chống đối bị đánh gẫy tay, què cẳng, nhiều người bị tống giam…
Phong trào gà chọi Bắc Kỳ trở lại hoạt động du kích như thời bao cấp. Thực tế thì càng dẹp các sới gà chọi càng phát triển. Cũng như cấm cá cược bóng đá đi ngược lại quy luật thì không thể đạt kết quả. Nhà nước đang tìm cách chính thức công nhận, quản lý cá cược bóng đá một cách hợp lý. Chắc chắn sớm muộn ta cũng thay đổi cách nhìn nhận về cá cược gà chọi một cách hợp với quy luật để hoà nhập vào toàn cầu khi Việt Nam đang gia nhập WTO.
Nếu ta không thay đổi cách nhìn về nhu cầu chính đáng trong cá cược bóng đá, gà chọi… thì cũng bị sa lầy như chính sách nhà nước quản lý về ca ve: Khác gì Đông Ky Sốt đánh nhau với cối xay gió…
Còn câu chuyện vui về thượng tướng Chu Văn Tấn khi bị giam lỏng ở hang núi. Một đêm thượng tướng Chu Văn Tấn bị đưa lên xe bịt kín chở đi ba ngày, ba đêm đến địa điểm giam mới. Đồng chí Chu Văn Tấn gọi đồng chí cảnh vệ bảo:
- Các đồng chí chỉ đổi chỗ giam từ hang núi trước ra sau thôi.
Đồng chí cảnh vệ hỏi:
- Sao vậy?
Đồng chí Chu Văn Tấn bảo:
- Ta vẫn nghe tiếng con gà rừng quen thuộc gáy, tiếng gà gáy cũ nhưng ngược hướng. Nghĩa là trại giam đã chuyển từ hang núi trước ra sau thôi.
Về Đầu Trang Go down
duonghip




Tổng số bài gửi : 68
Join date : 12/03/2013

Thú Chơi người Hà Nội Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Thú Chơi người Hà Nội   Thú Chơi người Hà Nội Icon_minitimeTue Sep 03, 2013 8:17 am

CHÓ: MỘT THỜI ĐỂ NHỚ
“Đêm qua anh đi chơi về
Hương tình men rượu bay đi ít nhiều
Vợ con chẳng nói một điều
Chỉ con chó mực vẫy liều cái đuôi”
“Làm thơ, nuôi chó, chọi gà
Ba trò chơi ấy làm ta bơ phờ”
Ngày xưa ta nuôi chó chỉ để trông nhà, làm thịt và dọn phân cho trẻ con. Chó rất ít khi được ăn cơm chứ đừng nói đến ăn thịt, cá như bây giờ. Chó được ăn vã cơm đó là một đại tiệc lớn. Thời Pháp thuộc cấm chó chạy rông ra đường, ai vi phạm sẽ bị phạt.
“Hà Nam danh giá nhất ông Cò
Trông thấy ai ai chẳng dám ho
Hai mái trống tung đành chịu dột
Tám giờ chuông đánh phải nằm co
Người quên mất thẻ âu trời cói
Chó chạy ra đường có chủ lo
Vớ vẩn đi xia may bắt được
Phen này chắc hẳn kiếm ăn to”
Trong truyện Vũ Trọng Phụng, hai cảnh sát “Min-oong”, “Min-đơ” đi suốt Hà Nội cũng chỉ tìm cách phạt được mấy chủ thả chó chạy ra đường.
Sau ngày toàn quốc kháng chiến, người nuôi chó Béc giê đầu tiên ở Hà Nội là ông Đỉnh làm nghề thầu khoán, giầu lắm, nhà ở đầu phố Hàng Chiếu. Ông nuôi chó tại nhà, đầu phố Thanh Hà, sát cổng Ô Quan Chưởng. Thời đó, mỗi lần ông Đỉnh cho chó phối giống là cả phố đến xem đông nghịt. Thuở ấy, nuôi chó Béc giê là biểu hiện của gia đình quý tộc. Mua chó Béc giê phải đặt từ bên Pháp. Khách mua gửi cho chủ bán một chiếc khăn mùi xoa đã dùng quen. Sau đó chủ chó xuống Hải Phòng đón chó. Chó đánh hơi chiếc khăn mùi xoa, rồi chạy xuống đám đông đánh hơi, tìm đúng chủ mua và ngồi ngay dưới chân. Thế là đã hoàn thành hợp đồng mua bán. Thời ấy chó Béc giê toàn nuôi bằng thịt bò sống tốn kém lắm. Chủ chó cũng oách lắm:
 
“Tường ông trồng toàn những chai
Vườn ông thả đầy những chó”
Hoà bình lập lại, đồng chí Trần Duy Hưng, chủ tịch uỷ ban quân quản Hà Nội, ra lệnh triệt để cấm chó. Ai nuôi chó coi như phạm pháp. Thường xuyên có đoàn kiểm tra vác gậy gộc theo công an đi vào từng gia đình đập chết chó hoặc bắt chủ nhân lên đồn. Đoàn kiểm tra bao giờ cũng có công an và mấy đồng chí dân phòng và tổ trưởng dân phố cùng đi. Tổ trưởng dân phố và dân phòng vừa phải miễn cưỡng chấp hành lệnh cấp trên, vừa phải lấy lòng dân, nên một mặt đi báo trước cho dân để chạy chó, vừa mặt mũi nghiêm trang theo công an đi đập chó hoặc bắt chủ. 
Cái cảnh mang chó đi chạy công an thật khóc dở, mếu dở. Nhiều khi phải mang chó đi sơ tán sang phường khác, hoặc ôm chó trốn lên gác thượng, hoặc giấu chó vào tủ. Song công an cũng dày dạn kinh nghiệm, họ mang cái phèng đi gõ, lập tức chó sủa ầm lên nên bị lộ. Chó bị lôi ra đập chết, người lớn đau thương, trẻ em khóc ầm lên như nhà có người chết. Nếu nhà nào có ao chuôm thì ôm chó xuống ao phủ bèo tây lên đầu như du kích trốn Tây đi càn.
Khoảng năm 1970, trên điếm tổng Sơn Tây có tay bán phở mắc hai tội một lúc: nuôi chó Béc giê và dùng chó Béc giê đi ăn trộm gà, đã bị Toà án Nhân dân tỉnh xử tại chỗ để cảnh cáo răn đe, tay bán phở bị xử án 2 năm tù. Tay bán phở lập kỷ lục Ghi-nét người đầu tiên bị tù vì nuôi chó ở Việt Nam.
Việt Nam thời đó chỉ có hai cơ sở được quyền nuôi chó nghiệp vụ là Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ. Một vài hộ được cấp giấy nuôi chó cho Bộ Nội vụ. Người làm giả giấy phép nuôi chó của Bộ Nội vụ đem bán cho dân nghiền nuôi chó là ông Vi, hỗn danh là Lã Bất Vi, nhà chỗ Hồ Ba Mẫu cạnh đường tầu hoả.
Trại nuôi chó của Sở Công an Hà Nội do Đại uý Bổng chỉ huy. Trại chó nghiệp vụ này nằm ở cuối đường Hoàng Hoa Thám, đối diện với chợ Bưởi. Song, vì không có kinh phí, và chó nghiệp vụ hoạt động không có hiệu quả lắm nên trại này cũng tiêu điều. Sau này, trại đó giải tán. Đại uý Bổng nghe đâu cũng đã chuyển sang 113.
Trại chó nghiệp vụ của Bộ Công an trước gọi là C500 đóng ở Hà Đông. Sau đó chuyển lên Kim Anh và đổi tên là C32. Đồng chí hiệu phó trường là Bùi Bá Đoan phụ trách chuyên môn có nhiều kỷ niệm với giới nuôi chó Hà Nội. Có lần đồng chí Bùi Bá Đoan mời một số anh em hội nuôi chó lên để tham gia trại. Đồng chí Đoan giảng cho học viên thế nào là biểu hiện của chó chửa. Sau đó, đồng chí Đoan hướng dẫn mổ thử một con chó cho là chửa cho anh em chứng kiến. Khi mổ ra, hơi bị choáng, vì con chó này lại không chửa.
Còn đồng chí Bộ, trưởng phòng chăn nuôi, người loắt choắt, tính tình cởi mở, chân tình, được anh em giới nuôi chó Hà Nội quý mến. Khi đồng chí Đoan nghỉ hưu, đồng chí Bộ lên đại tá thay đồng chí Đoan. Ngành nuôi chó thì lon đại tá là cao nhất.
Phụ trách ngành nuôi chó của Bộ Nội vụ là Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm. Đồng chí Chiếm rất mê chó, đã mang đôi chó Béc giê thuần chủng về Trần Quốc Toản nuôi, song nuôi mãi không đẻ được vì đồng chí bảo vệ theo sách của đồng chí Chiếm đưa cho bảo cứ sạch kinh năm ngày thì mang đi lấy giống. Vì không có thực tiễn nên đồng chí nuôi chó không phân biệt được đâu là kinh và đâu là huyết. Kinh sạch nhưng huyết còn chảy đến 15 ngày. Khi sạch huyết là trứng hết rụng.
“Đọc quá nhiều sách vào mình
Không tiêu hoá được cũng thành ung thư”
Trước năm 1975, người nuôi chó cảnh ở Hà Nội chủ yếu ở Ngọc Hà và làng Thanh Trì. Ngọc Hà là đất hoa, người dân thích cái đẹp nên yêu chó cảnh. Còn Thanh Trì thời Tự Đức là nhà tù cải tạo dân trộm cắp. Đất này có máu tù, nên dân nuôi chó thích loại chó Béc giê to lớn, hung dữ để doạ trộm.
Người nuôi chó cảnh trước năm 1975 ở Hà Nội chỉ đếm trên đầu ngón tay như: Nguyễn Bảo Sinh ở 167, Trương Định; Phạt Khoèo, Nghĩa, Hoàng ở Thanh Trì; ông Thoả ở Trương Định. Ông Thoả trước làm tiếp phẩm cho trường nuôi dạy chó của Bộ Nội vụ. Thời đó, kiến thức về chó ít lắm. Ông Thoả là người đầu tiên có công phổ biến cách cho chó Béc giê giao phối.
Những bậc lão thành chơi chó nay đã giải nghệ, ông Thoả nay đã hơn 70 tuổi, tóc trắng xóa, đi đứng chậm chạp, sức sống cạn kiệt. Còn Phạt Khoèo thời sốt đất phát tài to, song lại lao vào cờ bạc đỏ đen về chơi gà chọi nên tay trắng lại trở về trắng tay. Còn Nguyễn Bảo Sinh vẫn duy trì và phát triển nghề nuôi chó ở Việt Nam và trở thành bậc tổ của ngành nuôi chó cảnh kinh doanh.
Đặc biệt là ông Đỉnh ở Hàng Chiếu đã mất từ lâu, song thời 1990 thì mấy cô con gái ông Đỉnh làm nghề dậy học lại tiếp tục nuôi chó cảnh, nghề mà ông Đỉnh say mê từ năm 1947. Mấy cô gái con ông Đỉnh lại nuôi chó Nhật trên chính ngôi nhà mà ông Đỉnh ở năm 1947.
Sau năm 1975, khi ta giải phóng miền Nam, phong trào nuôi chó mở sang trang mới.
Sau giải phóng, nhu cầu dân Sài Gòn về chó Béc giê rất cao. Thời Nguỵ, chó Béc giê là binh chủng bí mật của quân đội, nên dân thường không được nuôi, trừ một số gia đình có thế lực mới được phép.
Từ năm 1975 – 1985, người miền Bắc có phong trào nuôi chó Béc giê bán cho Sài Gòn. Người Bắc kỳ độ ấy nghèo lắm, cơm còn chẳng đủ ăn, mấy ai dám nuôi chó Béc giê. Người Hà Nội nuôi chó Béc giê chủ yếu để chống đói. Lúc đó không ai dám bỏ tiền ra mua chó để chơi. Suốt từ năm 1975-1985, Hà Nội chỉ là bồi chó cho dân Sài Gòn.
Ông Khuyến, tay chơi gà chọi nổi tiếng ở Hải Phòng là người đầu tiên dùng Hon-đa đặt thêm cũi sắt để chở chó từ Hà Nội xuống Hải Phòng, rồi vận chuyển vào Sài Gòn bán.
Khoảng năm 1975, ông Nguyễn Bảo Sinh mua lại con chó Béc giê tên là Bạch Tuyết của Bộ Nội vụ. Thời ấy, đây là con chó to nhất và đẹp nhất. Đẹp nhất lúc sơ khai thời nuôi chó gần như đồng nghĩa với to nhất. Họ cân chó đẹp như cân lợn, mo tăng phú tất cả mọi chỉ tiêu chó đẹp quốc tế. Vì vậy, Hà Nội có phong trào nhồi chó. Chó Béc giê nào cũng bụng ỏng như lợn, không thích chạy, chỉ nằm. Chủ chó làm một cái tạp dề đeo cho chủ và chó, một tay cầm phễu to đút vào mồm chó, một tay múc cháo đổ vào miệng chó. Ngày xưa, nhồi cho chó ăn cũng vất vả như ngày nay các bà mẹ quá yêu con, nhồi cho cháu bé đến vã mồ hôi mới xong một bữa.
Nghĩ thật ngây thơ, một lần tôi và cậu Hiếu ở 117, phố Huế đang ngồi chơi lúc 15 giờ ở quán nước, có một ông bạn phất phơ đi qua bảo ở Lạch Tray, Hải Phòng có một con chó Béc giê to bằng con bê. Thế là máu tò mò của tôi và Hiếu nổi lên. Mặc dầu trời lạnh, mưa phùn, trời lại trở về chiều, hai thằng yêu chó như điên đèo nhau bằng xe máy phi thẳng xuống Hải Phòng. Đến Lạch Tray, tôi và Hiếu tìm đến nửa đêm mới mò ra địa chỉ con chó to như con bê. Ông chủ chỉ cho tôi một con chó nhỉnh gấp rưỡi con chó ta, ông ta trầm trồ cho là nó to nhất. Tôi và Hiếu nản hẳn. Hai người lại hối hả về Hà Nội. Mưa đậm hạt, chân tay tê cóng, nhiều lúc không điều khiển nổi tay lái.
Đến hôm nay, nhiều khi tôi và Hiếu ngồi kể lại chuyện xưa, cái thời ấu trĩ yêu chó đến điên khùng. Trên cả điên khùng là ông Khải mù ở ngõ Trần Quốc Toản. Khải tuy mù nhưng có hai vợ, hai vợ xinh đẹp và sợ Khải một phép. Đến người sáng mắt như tôi cũng không điều khiển được một vợ, thì Khải mù quả là “anh hùng dân tộc”. Hơn nữa, Khải mù còn là chủ nhiệm một hợp tác xã làm phụ tùng xe đạp. Năm 1975, xe đạp là phương tiện chủ yếu để giao thông, thì ông chủ nhiệm Khải là nhà doanh nghiệp vĩ đại của Hà Nội.
Ông Khải mù lại chơi chó. Ông bắt con cái chở đi khắp nơi đồn có chó đẹp. Ông xuống tận Hải Phòng, Hải Dương, Vĩnh Phúc để xem chó. Thời 1975, ô tô rất ít, đi như thế cũng khó như ta đi vòng quanh nước Tầu. Bất cứ một con chó Béc giê dù dữ đến đâu, Khải mù cũng ôm ngay được và sờ mó, vuốt ve, mặt rưng rưng cảm động như ta nắn bóp, vuốt ve người tình, mắt đờ ra toàn lòng trắng.
Một lần Khải mù lên phố Bát Điếu mua của ông D một con Béc giê mầu đen. Nuôi một thời gian, chó đổi lông sang mầu vàng. Theo luật thì Khải phải chấp nhận. Khải không chịu, Khải nấp ở cổng nhà D, D vừa mở cửa, Khải thộp ngay được ngực rút ngay dao ra và hô hoán ầm lên: “Mày thấy tao mù, mày lừa bán cho tao con chó lông vàng lại bảo là lông đen. Ông phải giết thằng lừa đảo”. Nhân dân đi qua ai cũng bảo: “Tệ quá, ai lại đi lừa người mù”. Quả đó, Khải thắng to, D thì nhớ đời. D phải trả lại, kể cả tiền bồi thường công nuôi dưỡng.
Nuôi chó Béc giê thập niên 1980 biết bao chuyện bi hài.
Con chó gây dấu ấn ở thập niên 1980 phải kể đến con Rô-man. Rô-man là chó của Bộ Nội vụ trang bị cho nhân viên bảo vệ kho hàng Yên Viên. Một hôm, kẻ cướp bẻ khoá cướp hàng. Nhân viên bảo vệ và Rô-man xông ra chiến đấu. Rô-man bị đánh què. Còn nhân viên bảo vệ bị đâm chết. Thương binh Rô-man bị thải ra bán cho dân. Trương Tử Nam đẹp trai như người mẫu Hà Nội, đã mua Rô-man về nuôi tại số 17, Nguyễn Huy Tự. Trương Tử Nam bị dính líu vào phi vụ vượt biên, bị công an bỏ kho. Trương Tử Nam bán cho Quyết thuốc lào ở Bà Triệu. Quyết thuốc lào yêu quý chó hơn cả vợ con, vì mua được chó khôn, giá rẻ. Đặc biệt Rô-man là chó huấn luyện bảo vệ chủ. Ai đánh chủ là Rô-man xông tới dùng mõm đấm cho quay đơ, rồi há mồm ngửi vào cổ họng đối phương. Dù khôn thế nào thì chó vẫn là chó. Nó không thể nào phân biệt được giữa bạn bè bắt tay nhau, ôm hôn nhau với đánh nhau. Cho nên, khi ban đêm, Quyết ôm hôn vợ, chó cũng xông đến đả cho vợ một trận. Ông tổ trưởng dân phố vào nhà, khi ra bắt tay Quyết, chó cũng cho một trận no đòn. Nhà Quyết ở trong ngõ, ai đi qua trông thấy ngài Rô-man ngồi lù lù trên giường cũng đều sợ hãi len lét như rắn mùng năm. Bạn bè cũng ít ai dám đến chơi, mặc cho Quyết luôn cam kết: “Mời bác cứ vào chơi, con Rô-man khôn lắm, tuyệt đối không cắn bác đâu”.
Đúng là dâu dữ mất họ, chó dữ mất láng giềng. Nguy hiểm nhất là mỗi khi Quyết mở cửa, Rô-man xông ra bể nước chung uống tòm tọp trên các chậu rửa mặt, khiến nhân dân rất sợ hãi và tức giận. Người giận nhất là đồng chí thượng tá quân đội khi bị Quyết mắng: “Mày đừng tinh tướng, Rô-man đi chơi phố, cả nước ra chiêm ngưỡng. Còn mày, cứ đi cả ngày có ai thèm nhìn”.
Sau đó đồng chí thượng tá và nhân dân yêu cầu công an giải quyết. Quyết cậy mình là thương binh hạng nặng, bỏ ngoài tai. Thời ấy, thương binh được ưu tiên lắm. 
Một buổi, Quyết mang Rô-man ra phối giống tại cửa trường tiểu học Lê Ngọc Hân. Sự việc này gây xôn xao, ầm ĩ. Các em học sinh nam, nữ bỏ học ùa ra xem đôi chó kéo co thở hồng hộc. Khách qua lại  dừng chân, ô tô đỗ hàng đoàn xuống xem chó phối giống. Đoạn đường từ phố Bà Triệu tới Đại Cồ Việt tắc nghẽn giao thông. Hà Nội thời 1980 rất vắng, bình thường không bao giờ có tắc đường cả.
Sau phi vụ này, Quyết bị phòng giáo dục lên án là tuyên truyền tệ nạn xã hội cho các em học sinh bằng hình thức: cho học sinh xem chó phối giống.
Quyết bị tống giam vào Hoả Lò. Thường ngày Quyết nói: “Chỉ có bước qua xác của Quyết mới bắt nổi chó”. Lần này thì vợ Quyết khóc mếu máo nhờ bán hộ chó càng nhanh càng tốt, giá bao nhiêu cũng được.
Quyết lập “kỷ lục Ghi-nét” Việt Nam là người đầu tiên nuôi chó ở Hà Nội bị tù.
Sau khi được tha khỏi tù, có lần Quyết đến tôi chơi. Đang ngồi uống nước bỗng có hai đại ca vào chơi. Quyết và hai đại ca này sững sờ. Đại ca hỏi Quyết:
- Có nhớ đàn anh không?
Quyết ngớ ngẩn giả vờ không biết. Đại ca nhắc:
- Cái hồi bị giam khai là nuôi chó bị bắt, các đàn anh mắng cho một trận bảo là ngông, là hỗn, bắt đổ bô một tháng còn giả vờ quên à?
Quyết bẽn lẽn nhìn xuống đất.
Rô-man lại sang tên cho cậu Nam lái xe ở cuối phố Lê Đại Hành. Cậu này nuôi được một thời gian thì bị tai nạn lái xe, tử vong.
Rô-man rơi vào tay bà Lan Mười, chủ xưởng nhựa lớn ở phố Hàng Bột, bà này bị bắt và bị tịch thu gia sản theo nghị quyết 228, dân gian gọi là nghị quyết “hai hai túm”, những người kinh doanh có máu mặt ở Thủ đô đều bị tóm gọn.
Đúng là con chó mang phúc hoạ cho con người không nhỏ. Vì thế, ở những đền thờ ta có tục lệ thờ chó đá.
Rô-man theo tướng số xếp loại chó phản chủ. Chủ nào nuôi Rô-man nhẹ thì tán gia bại sản, nặng thì tù tội, nặng nữa thì tử vong.
Khoảng năm 1985, đất nước rục rịch chuyển sang kinh tế thị trường. Lúc này thì vận mệnh con chó cũng thay đổi. Thay đổi vận mệnh con chó cũng tiên tri cho vận mệnh con người. Lúc này đã có nhiều cuộc họp của các cấp lãnh đạo về việc có nên bãi bỏ lệnh cấm chó không?
Theo tinh thần họp của thành uỷ thì đất nước ta còn nghèo, còn có nhiều cụ già chưa đủ cơm ăn, trẻ thơ còn thiếu sữa, ta lại cho phép nuôi chó Béc giê bằng sữa, bằng thịt thì có đúng với tính chất của Đảng cộng sản không?
Theo công văn đề nghị của Sở Công an Hà Nội thì:
1. Chó là con vật gắn bó với dân tộc từ mấy nghìn năm lịch sử, gắn bó với tâm linh dân tộc: “Khuyển mã chí tình”.
2. Các vị lãnh đạo nhà nước ta có nhiều người rất thích nuôi chó: Lê Nam Thắng, Tư lệnh trưởng quân khu Thủ đô; Vũ Xuân Chiêm, Thứ trưởng bộ quốc phòng; Nguyễn Chánh, Chủ nhiệm tổng cục hậu cần; Hoàng Minh Giám, Bộ trưởng; Nguyễn Đức Thuận…
3. Các nước xã hội chủ nghĩa như Ba Lan, Tiệp Khắc, Đức, Liên Xô… đều được phép nuôi chó.
Những buổi họp hội đồng nhân dân thành phố đều nổ ra cuộc tranh luận gay gắt về vấn đề chó.
Rồi người dân Hà Nội choáng váng khi nghe tin được phép nuôi chó. Được phép nuôi chó, từ nay vận mạng dân tộc đã chuyển sang xóa bỏ thời kỳ bao cấp.
Dân nuôi chó nổ sâm banh ăn mừng tin thắng lợi lớn. Mọi người nô nức dắt chó lên số 86 Nguyễn Du xếp hàng tiêm và lấy giấy phép nuôi chó. Trưởng phòng chó lúc đó là thiếu tá Tạ Văn Thi và phó phòng là đại uý Khương Văn Đồng, sau đó đại uý Khương Văn Đồng về làm quận phó hình sự quận Hai Bà Trưng. Bác sỹ tiêm chó là thiếu uý Dung, cấp giấy phép là thiếu uý Long.
Nội dung giấy phép nuôi chó nay đọc lại thấy rất kỳ cục như: “Tất cả mọi chó sinh sản phải giao lại cho sở công an chứ không thuộc chủ quyền sở hữu của người nuôi”. Nhân dân thấy rất vô lý vì chó của dân do dân nuôi mà khi chó sinh sản lại nộp cho nhà nước thì thật vô lý. Có người lại bảo, dân vốn gian, ta cứ dấu biệt chó con đi thì có mà trời tìm. Nhưng do mừng quá vì được nuôi chó nên chẳng mấy ai thắc mắc gì.
Lúc này xẩy ra điều khá kỳ quặc, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội thì đọc lệnh cấm nuôi chó, trong khi Sở công an Hà Nội lại cấp giấy phép nuôi chó.
Và cũng như muôn đời, chủ nào có tiền đút lót thì không phải mang chó đi kiểm tra cũng được đưa giấy đến tận nhà. Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết. Xuân Thuỷ ở đầu phố Bạch Mai, bán đồ mỹ phẩm là vật thí mạng trong việc trâu bò húc nhau này.
Xuân Thuỷ tên thật là Xuân, có thời làm mỳ sợi nên còn gọi là Xuân Mỳ, Xuân Mỳ là tay chơi, tay nghiện mầu trắng. Thời 1980, Xuân Thuỷ xây một căn nhà hai tầng rưỡi có mặt bằng 49m2. Thời ấy xây nhà mái bằng hai tầng là một sự kiện long trời lở đất của Hà Nội. Xuân Thuỷ nhờ Phạt Khoèo ở Thanh Trì mua cho một ổ chó đẻ 9 con về nuôi kiếm lời. Nuôi chó đẻ mệt lắm. Xuân Thuỷ rất cần cù chịu khó thức đêm sụt mấy cân. Anh thường đùa: “Nuôi được đàn chó nên người thì mình thành nó”. Có lần cả phố đồn ầm là Xuân Thuỷ mua cả phở cho chó ăn. Mua phở cho chó ăn tội chết là cái chắc. Báo Nhân Dân đăng bài  kết tội Xuân Thuỷ nuôi 10 con chó, mỗi con hàng ngày ăn hết 1kg thịt bò. Báo Nhân Dân đã phê bình thì coi như là bản án.
Sau đó, Xuân Mỳ bị tịch thu ngôi nhà đầu Bạch Mai, và bị đầy xuống khu lao động Tương Mai, nay đổi là Tân Mai. Tài sản Xuân Thuỷ mang theo là đàn chó.
Trong lúc cùng cực, Xuân Thuỷ nhờ có chó mà cứu sống gia đình bằng cách làm chủ chứa, môi giới mại dâm chó, vi phạm nghị quyết 87 CP của chính phủ, nhưng vẫn được coi là hợp pháp. Nhờ chó, Xuân Thuỷ kiếm được ít tiền nên chuyển lên ở khu lắp ghép Trương Định.
Sau đó, đất nước sang thời kỳ đổi mới, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã lãnh đạo dân tộc ta chuyển sang xoá bỏ bao cấp. Việc làm ngay là trao trả nhà cho những người bị tịch thu theo nghị quyết 228. 
Xuân Thuỷ được trả lại ngôi nhà đầu Bạch Mai mở cửa hàng mỹ phẩm đắt khách nhất phố Bạch Mai. Xuân Thuỷ mua thêm căn nhà đối diện cũng mở hàng mỹ phẩm, đồng thời Xuân Thuỷ còn phát triển cửa hàng mỹ phẩm Xuân Thuỷ ở nhiều nơi trong Hà Nội.
Còn cậu Xuân thời đó là hộ tịch đầu Bạch Mai, người canh gác dưới nhà Xuân Thuỷ, trước đêm Xuân Thuỷ bị tịch biên nhà cửa, để đề phòng tẩu tán tài sản. Khi Xuân Thuỷ bị trục xuất ra khỏi nhà, bị cưỡng chế lên ô tô về Tân Mai, Xuân Thuỷ rất lạc quan, tin nhà nước sẽ xét lại và mình sẽ trở về. Xuân Thuỷ nhờ Xuân hộ tịch: “Cậu nhớ giữ đừng làm hỏng đồ, thế nào nhà nước cũng trả lại nhà cho mình”.
Xuân làm hộ tịch khá lâu đầu Bạch Mai, nghe đâu sau này Xuân hộ tịch bị phá sản vì vỡ đề. Theo cách giải thích của người nuôi chó, sở dĩ Xuân Thuỷ bị tịch thu nhà vì mắc tội với tâm linh do đi mua chó chửa về nuôi. Nuôi chó thì mua chó chửa là độc lắm. Còn Xuân hộ tịch bị vỡ đề vì đi bắt người mua nuôi chó chửa cũng độc lắm, nhẹ thì tán gia bại sản, nặng có thể tử vong.
Con chó Béc giê nổi tiếng đầu thập niên 1970-1980 là con A-mi của ông Nguyễn Bảo Sinh tại 167, Trương Định, Hà Nội. Con A-mi thuộc giòng con Bạch Tuyết, chó màu trắng của Bộ Nội vụ, con chó to cao nhất của Việt Nam thời đó. Ông Sinh mua con A-mi giá một cây vàng. Một cây vàng thời đó có thể mua được 2.000m2 đất ở Hà Nội.
Có lần ông Sinh nói chuyện ở quán nước mua Bạch Tuyết giá một cây vàng gây ẩu đả to, vì mấy tay anh chị chửi: “Mẹ mày, trên đời này làm gì có chó giá đến một cây vàng, mày định chửi tụi ông là đầu đất hả”.
A-mi là tổ của ngành nuôi chó kinh doanh ở Việt Nam. Năm 2006, ông Sinh tổ chức ngày giỗ thứ 30 của A-mi, tất cả anh em nuôi chó thời 1975-1985 có mặt đông đủ, và những cựu chiến binh nuôi chó gặp nhau rưng rưng cảm động ôm chầm lấy nhau.
Thời 1975 chỉ chuộng chó xám, A-mi mầu xám vàng. Từ năm 1984 trở đi, thời trang chó chuyển sang mầu đen.
Tính làm mành ở đường Hoảng Hoa Thám nuôi con Nét đen tuyền dáng mảnh mai như ngựa được nhiều người ưa thích.
Thời 1985, Phong ở Hải Hưng, dạy trường Đảng, nuôi con chó Mi-sa mầu đen vàng nổi tiếng nhất miền Bắc. Mọi người đua nhau đem chó đến lấy giống. Nhiều con chó nhận bừa là lấy giống Mi-sa để dễ bán con. Thời ấy, giá bán chó con kỷ lục của Mi-sa, cũng của cả nước, là bốn chỉ, năm 2001 là 10 cây vàng một con.


“Siêu mệt, siêu chết, siêu lời
Lạc vào làng chó, ít người thoát ra”
CHÓ NHẬT – DẤU ẤN LỊCH SỬ
Ta tạm chia nuôi chó thành 5 giai đoạn:
* Giai đoạn 1954-1975: Nhà nước có pháp lệnh tiêu diệt chó. Ai nuôi chó bị coi như ngày nay tàng trữ thuốc phiện. Lệnh cấm nuôi chó ở Hà Nội do Chủ tịch Uỷ ban quân quản thành phố Trần Duy Hưng ký.
* Giai đoạn 1975-1986: Sau giải phóng miền Nam, đất nước chuyển sang buớc ngoặt, phong trào nuôi chó cũng sang trang mới. Lệnh tiêu diệt chó vẫn có hiệu lực, song tình hình như nửa có nửa không.
Người Hà Nội nuôi chó để bán cho Sài Gòn. Sài Gòn được nuôi chó tự do, vườn hoa Tao Đàn là nơi huấn luyện nuôi dậy chó công khai. Huấn luyện viên nổi tiếng như ông B. được nhiều người Hà Nội biết tiếng. Giai đoạn này, người Hà Nội không đủ tiền, đủ cơ duyên nuôi chó. Hà Nội chỉ là bồi chó cho người Sài Gòn. Con chó A-mi của ông Nguyễn Bảo Sinh ở 167, Trương Định là con chó đầu tiên nổi tiếng nhất ở Hà Nội và trên toàn quốc. Sau đó con Nét của ông Tính Mành ở Hoàng Hoa Thám cũng được nhiều người biết. Buôn chó giỏi có Thành dưới ngõ Mai Hương. Thành có ba tên: Thành Xích Lô (nhờ nuôi chó, Thành tiến lên bỏ nghề xích lô ở ga Hàng Cỏ). Sau đó, người ta gọi là Thành Kem Pét, vì Thành nuôi con chó Kem-pét là con của con chó A-mi của ông Nguyễn Bảo Sinh. Vì có quá nhiều mưu mẹo trong nghề buôn chó nên nhiều người gọi là Thành Quái Chiêu.
Đặc biệt cả gia đình Thành đều có năng khiếu buôn chó. Ông bố đẻ Thành năm 70 tuổi vẫn gánh chó, trèo đèo lội suối qua Hang Dơi sang tận bên Tầu bán chó.
* Giai đoạn 1986-1992: Đất nước thời mở cửa, khoán 10: ruộng đất chia lại cho nông dân để khoán sản phẩm; công ty tư nhân ra đời. Ông Bình lùn từ nuôi chó chuyển sang lập công ty sản xuất đồ gỗ trước cửa Viện Mắt, sau chuyển sang số 30 Bà Triệu cũng nổi tiếng một thời. Phong trào nuôi chó Nhật thành một cơn sốt ở Hà Nội.
* 1992-2000: Thời tàn lụi của cơn sốt chó Nhật ở Hà Nội. Nhiều gia đình phá sản, lao đao, lâm vào vòng công nợ.
* Năm 2000-2006: Phong trào nuôi chó, mèo phục hồi. Hà Nội mới có đủ điều kiện nuôi chó chỉ để chơi. Đặc biệt người Hà Nội bắt đầu nuôi mèo cảnh. Những trại chó cảnh lớn ra đời như: Trại chó nghiệp vụ ở Trâu Quỳ, trại chó cảnh của Hà Phú Hưng. Song các trại chó lớn hoạt động kém hiệu quả.
Đặc biệt, đời sống Hà Nội sau mở cửa nâng cao vượt bậc nên khách sạn nuôi chó đầu tiên  của Việt Nam ra đời, đó là Hotel Chó Mèo 5 sao của ông Nguyễn Bảo Sinh ở 167 Trương Định – Hà Nội làm xôn xao dư luận trong và ngoài nước.


CHÓ NHẬT THỜI KÌ 1986 – 1992
Thời kỳ này Hà Nội chìm đắm trong cơn sốt chó. Nhà nhà bàn chuyện chó, người người bàn chuyện chó. Từ các cán bộ cao cấp, cho đến gia đình bần hàn cùng đều ngày đêm râm ran bàn về chó. Nghĩ lại cũng thương, vì trong thời bao cấp, ta sống quá khó khăn, đến khi nuôi chó bán được một vài triệu thì mọi người coi như cực đỉnh giầu sang. Ngay cả đến các gia đình cán bộ cao cấp, đến thứ, bộ trưởng, thời đó họ cũng sống khá trong sạch, ít tham nhũng nên cũng mê mải nuôi chó kiếm tiền một cách chính đáng.
Bài thơ Tiền của nhà thơ Huyền Thi cũng ra đời trong giai đoạn lịch sử này. Nhà thơ Huyền Thi là người nuôi chó Nhật nổi tiếng. Có lần một khách hàng về hưu đến nhà để lấy giống chó, tác giả Huyền Thi cho giá 1 triệu đồng, ông khách về hưu trình bày mình đã công tác 40 năm mà lương hưu có 700.000 đồng/tháng.
 
“Chúng ta làm việc hết mình
Không bằng con chó xuất tinh một lần”
Nhà thơ Huyền Thi kiêm nuôi chó nói:
Bác cứ yên tâm, tôi rất thông cảm với bác. Tôi cầm của bác một triệu đồng, trong khi lương hưu 40 năm công tác của bác chỉ có 700.000 đồng/ tháng thì tôi phải có lương tâm làm cho bác có được 10 triệu chứ.
“Khi mê bùn chỉ là bùn
Ngộ rồi mới biết trong bùn có sen
Khi mê tiền chỉ là tiền
Ngộ rồi mới biết trong tiền có tâm”
Đây là bài thơ không được giải nhưng được nhiều người Việt Nam thuộc nhiều nhất những năm đầu thế kỷ 21.
Những ca sỹ như Tường Vi cũng đành bỏ hát mà quay sang nuôi chó Nhật. Không ai bàn về giọng ca của người nghệ sỹ nhân dân Tường Vi nữa, mà chỉ bàn về chó của Tường Vi thôi. Cả khu văn công quên cả đàn hát, mà thay vào bằng tiếng chó sủa ăng ẳng suốt ngày đêm. Các khách buôn chó biên giới ra vào khu văn công này chỉ để mua chó thôi.
Rồi hình tượng nghệ sỹ nhân dân Thanh Hoa, nghệ sỹ ưu tú Thanh Tú cũng được người dân Hà Nội cảm thụ qua hình ảnh chó Nhật:
“Mặt Thanh Hoa, da Thanh Tú
Đầu Trần Hiếu, chân Ba đèn”
Hoa hậu chó Nhật phải mặt gẫy như mặt Thanh Hoa, đầu to như đầu Trần Hiếu, lông trắng như da Thanh Tú, chân đi vòng kiềng như cầu thủ bóng đá nổi tiếng Ba Đẻn. Có cô gái mang chó đi lấy giống nổi hứng lên lại cùng anh chủ chó đực giống đưa nhau lên giường. Thế là chó thì phối giống ngoài sân, còn chủ thì ngủ với nhau trong phòng. Sau đó coi như sang ngang, không ai phải trả tiền ai cả, cũng có đôi sau đó lấy nhau nên vợ nên chồng. Cái duyên cũng nhờ đi lấy giống chó mà nên.
Nhạc sỹ, đại tá Nguyễn Đức Toàn khi tâm sự, tôi hỏi lương hưu của đại tá là bao? Nhạc sỹ bảo được một triệu, tôi bảo:
- Thế bác có muốn lương mười triệu không?
Nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn bảo:
- Tất nhiên 10 triệu lớn hơn 1 triệu rồi. Nhưng làm cách nào?
Tôi bảo:
- Nuôi chó Nhật!
Nguyễn Đức Toàn bảo để tôi về họp “quốc hội”. Họp “quốc hội” ở đây có nghĩa là họp với vợ. Sau đó, bác Toàn mặt rạng rỡ bảo tôi:
- “Quốc hội” đã thông qua rồi.
Thế là nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn bỏ cả nhạc, cả vẽ để nuôi chó. Phòng tranh, phòng nhạc thành phòng lấy giống chó, nuôi chó đẻ.
Hãng AFP đưa bản tin: “Ở Việt Nam, nhạc sỹ nổi tiếng Nguyễn Đức Toàn với bài hát “Chị Sáu đã hy sinh rồi, giọng hát vẫn còn vang dội vào trái tim những người đang sống” đã bỏ nhạc sang nuôi chó”. Chỉ một thời gian ngắn, nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn đã tậu được xe máy mới. Nhạc sỹ, kiêm họa sỹ, đại tá Nguyễn Đức Toàn trở thành nhà nuôi chó Nhật giống nổi tiếng. Còn bà vợ Nguyễn Đức Toàn thì nuôi chó đẻ có hạng. Hôm gặp tôi, nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn đùa bảo, bà xã đã được phong lên “quân hàm: chó đẻ”…
Cô Hương, con gái nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn cũng theo bố nuôi chó, rồi lấy tiền lãi mua đất, sau này cô vẫn bảo: nhờ có nuôi chó mà ngày nay cô đã có tài sản hàng dăm tỷ.
Ngay như nhà thơ nổi tiếng nhất Việt Nam như Tố Hữu, gia đình cũng quay sang nuôi chó. Dạo ấy, cán bộ cao cấp của ta sống thanh liêm lắm, vợ con muốn cải thiện cuộc sống gia đình cũng phải quay ra nuôi chó Nhật để kiếm đồng ra, đồng vào. Người ta đồn rằng, chó của gia đình Tố Hữu giống tốt lắm, đấy là do chính phủ Nhật tặng nhà thơ Việt Nam để làm kỷ niệm. Dạo ấy người Hà Nội không ai để ý đến thơ ca nhạc hoạ cả. Cái khó nó bó cái khôn. Đến bây giờ được sống đầy đủ hơn, lớp trẻ khó mà hiểu được sự cơ cực trong thời gian Hà Nội còn bao cấp. Trong truyện “Tướng về hưu” của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có chi tiết ông tướng về hưu không thể thông cảm nổi việc cô con dâu đã mang rau thai nhi về nấu cho chó ăn có lẫn cả móng tay, móng chân bào thai.
Về Đầu Trang Go down
duonghip




Tổng số bài gửi : 68
Join date : 12/03/2013

Thú Chơi người Hà Nội Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Thú Chơi người Hà Nội   Thú Chơi người Hà Nội Icon_minitimeTue Sep 03, 2013 8:17 am

Mỗi sáng sớm, các công viên không mấy người tập thể dục như bây giờ, mà thấy có nhiều người dắt chó để thư giãn, sợ chó nhốt lâu trong nhà bị cuồng chân.
Và tất nhiên, cảnh trộm chó xẩy ra như cơm bữa. Kẻ cắp có thể cướp giật chó đang giắt rồi nhẩy xe máy vù mất. Tay nghề cao thì phi  xe máy quăng thòng lọng vào cổ chó rồi tăng tốc vù mất. Chủ chó có hô cũng không ai kịp đuổi theo, chỉ đành khóc dở, mếu dở. Nếu có đi trình công an thì cũng chẳng ai lưu ý. Thậm chí có bắt được tên trộm cần trình đồn thì công an cũng đành  không biết cho vào khâu hình phạt gì. Ăn cắp cái xe đạp có thể bị ngồi tù, ăn cắp ổ chó bằng giá trị hàng trăm cái xe đạp chỉ bị phạt hành chính cho nên ai có thân thì lo. Đêm hôm cho chó vào nhà khoá lại, còn chủ thì nằm ở ngoài hiên để gác chó. Chó ăn cắp thường tập trung về khu Mai Hương. Ở đây có dịch vụ đi tìm chó mất cắp để lấy tiền chuộc. Kẻ đi tìm chó thường cũng có quan hệ với kẻ ăn cắp chó, cho nên chủ mất thường phải làm cam kết: khi thấy chó không được truy lùng kẻ trộm chó. 
Còn các lái chó mua tại Hà Nội rồi đem bán qua biên giới lấy lãi đậm. Cuộc cạnh tranh mua chó ở Hà Nội cũng diễn ra rất ác liệt. Các lái chó thường mua theo cách bỏ bom, khi chó mới đẻ, lái đến hỏi mua với giá thật cao, sau đỏ bỏ đấy. Chủ chó không bán được cho ai với giá chỉ bằng nửa nên đành phải ôm chó lại. Chờ cho đến khi chủ chó chán nản, lái buôn quay lại lừa gạt mua với giá thật rẻ.
Chó mầu trắng tuyền có giá cao gấp 5 lần các loại chó mầu. Nghệ thuật nhuộm lông chó ra đời. Các loại chó đen sì cũng có thể nhuộm trắng như tuyết rồi đem sang lừa bán cho Tầu. Nếu cần có thể lừa bán cho nhau ngay tại Hà Nội.
Chợ chó chính đặt ở biên giới Tầu, sát Lạng Sơn. Khách buôn chó lũ lượt, kẻ ôm, người giắt, người gồng gánh vượt biên. Biên giới giữa ta và Tầu trên Lạng Sơn đặt một Ba-ri-e bằng thanh tre ngáng giữa đường, đi qua lại tự do chỉ cần nộp 1000 VNĐ. Sau đó, ta trèo qua đồi núi, băng rừng luồn qua Hang Dơi, hang này trước kia toàn dơi ở. Khi ta mở của biên giới, khách vượt biên tấp nập qua Hang Dơi thì Hang Dơi chỉ có người. Lên đến Hang Dơi, lái chó thở phào vì đã qua đoạn đường hiểm trở, phía trước mặt là Tầu, sau lưng là Việt Nam. Đứng trên núi cao, mọi người nghỉ uống nước bàn đủ mọi chuyền tào lao, nào là thời chiến tranh biên giới, xác quân Tầu trôi đặc sông Kỳ Cùng, ta vớt lên nấu cao bành trướng, uống cao này khỏi bách bệnh. Đứng trên đỉnh cao biên giới, ta ngẫm cũng nhiều điều lý thú. Những ụ pháo của ta trên biên giới đứng trơ trọi lộ thiên trên đỉnh đồi, còn ụ pháo của Tầu đặt sau núi. Tầu có thể vừa pháo kích sang ta, vừa đánh bóng bàn, bơi lội, chơi cờ. Ta muốn diệt hoả lực Tầu thì phải bắn băng đi cả trái núi. Còn Tầu nã pháo sang ta thì thật dễ như chơi. Nhìn hình sông thế núi Lạng Sơn, ngay cả mấy cậu lái chó mù về lịch sử cũng phải tặc lưỡi: Tầu đã chiếm hết các cao điểm biên giới, Tầu tiến sang ta dễ như trẻ tre, còn ta tiến sang Tầu thì khó như phải vượt qua Vạn Lý Trường Thành. Trên Hang Dơi cũng đã diễn ra cuộc mua bán chó giữa các lái Việt. Sau khi ngã giá, thì có lái trở về Hà Nội, có lái đưa tiếp sang chợ biên giới cũng khá vất vả. Các lái chó đều nói trời mưa thì đành ở lại Tầu chứ không về Việt Nam được vì đường trơn như đổ mỡ, có bò cũng ngã quay đơ.
Chợ chó đặt ở triền núi. Lái chó ta và Tầu mua bán mặc cả với nhau ở giữa trời. Chợ biên giới hai chính phủ ta và Tầu coi như buôn bán ngoài vòng pháp luật. Sau khi lái chó Việt bán xong chó, thường dùng nhân dân tệ mua bia Vạn Lực của Tầu, thuê cửu vạn chở về Lạng Sơn. Chợ chó còn lẫn lộn cả chợ bán ba ba, rùa, ếch… Đặc biệt một số người mang cả đồng, chì từ Việt Nam sang bán cho Tầu. Những hàng kim loại như đồng, nhôm, vonfram là mặt hàng cấm, muốn vượt biên giới che mắt công an phải buộc đồng nhôm quanh ngực, bụng, đùi, bắp chân. Nhưng công an cũng tinh lắm. Họ cứ thấy ai qua biên giới mà dáng đi nặng nề, ì ạch gọi vào kiểm tra không hề oan. Có nhiều người cuốn đến 50 kg đồng quanh người mà trèo núi vượt đèo đi bộ sang chợ biên giới bán lậu thật quả là anh hùng, đến đi người không mà còn thở hồng hộc, chó giắt qua núi nhiều con còn run như cầy sấy. 
Tất cả là tiền. Hàng hoá của ta bán được cho Tầu đều lấy nhân dân tệ mua bia Vạn Lực chở về Lạng Sơn. Chẳng là nhà máy bia Vạn Lực của Tầu tồn kho quá hạn chỉ còn cách duy nhất là bán thốc bán tháo cho Việt Nam. Dạo đó, Việt Nam còn bế quan toả cảng, thèm bia lắm, được uống bia phế phẩm, quá đát cũng coi như được uống nước cam lồ chứ chẳng được chọn bia thượng hạng như ngày nay.
Lái chó sau khi đã nặng hầu bao có thể đi sâu vào nội địa Trung Quốc du hý. Các hàng hoá bầy bán đầy hai bên vệ đường. Thường là lái chó vào hiệu ăn, nhậu nhẹt một bữa tới số để ăn mừng bán hết chó, và nghỉ ngơi cho bõ lúc trèo đèo lội suối.
Một số lái chó mạnh dạn lên ô tô đến tận Bằng Tường, cảnh sát Trung Quốc biết nhưng vẫn làm ngơ. Đến Bằng Tuờng, khách Việt Nam hơi choáng vì thấy cảnh buôn bán tự do tấp nập hoành tráng khác hẳn ở Việt Nam. Khách Việt Nam đang ngồi ăn mì ở tầng trên, mọi người bỏ bát đũa tò mò tìm hiểu mấy người Tầu ở phòng bên chửi nhau ầm ĩ, có lẽ sắp đánh nhau to. Lái chó định tìm cách chuồn, sợ chẳng phải đầu cũng phải tai. Nhưng nhầm vì người Tầu họ thường nói to, to hơn cả ta hét. Đặc biệt nếu người nào ôm chó Nhật đưa đi bán thì coi như con chó là giấy thông hành, mình có thể đi đến Bắc Kinh hoặc bất cứ nơi nào trên đất nước Tầu cũng được. Các lái chó nếu quen bạn hàng Tầu, hoặc biết tiếng Tầu thì được đi lại tự do, trừ những ngày lễ lớn. Cũng như Việt Nam, ngày lễ lớn, Tầu khám kỹ, lôi thôi là cho bỏ kho ngay.
Chó Nhật trở thành niềm hy vọng, thành tiền đồ, thành khát vọng, thành lý tưởng của nhiều người Hà Nội. Cái gì quá cũng hỏng. Vì quá yêu chó, quý chó, tôn thờ chó thành ra hại chó. Chó bị nhồi nhét đủ các thứ thức ăn đến bội thực. Chó chưa ốm đã phải đi tiêm đủ các loại thuốc. Chó nặng độ 1kg mà tiếp cho đến nửa lít đạm thì không sặc thuốc cũng đến phải nổ bụng ra. Các loại bác sỹ thật có, giả có, cứ thoả sức kiếm tiền trên thân xác chó. Các bác sỹ đều trở thành “dũng sỹ diệt chó” cấp ưu tú. Cá biệt có bác sỹ còn được phong anh hùng diệt chó chứ chẳng chơi. Thật ra thì nguời nuôi chó tự giết chó mình bởi sự quá yêu chó cả thôi. Chó chưa ốm đã ôm đi chữa bệnh, yêu cầu tiêm càng nhiều thuốc đắt tiền càng tốt, càng cho bác sỹ là tận tâm, còn bác sỹ càng thu được nhiều tiền, tất nhiên đây là nguyên nhân chính để chó chết. Bình thường theo lẽ tự nhiên, chó sẽ tự đẻ. Đằng này, chó chưa đến ngày đẻ, chỉ mới cào ổ đã gọi cả nhà ngồi trực đẻ. Lo cho chó đẻ còn gấp mười lần người đẻ. Người đẻ chỉ có mất miếng, còn chó đẻ thì được miếng, lại cả miếng dầy nữa. Có nhiều người bỏ cả việc cơ quan để trực chó đẻ mấy đêm, rồi sinh nghĩ quẩn tiêm bừa oxytocin kích thích co bóp đến vỡ cả tử cung mà thai vẫn không ra được vì chưa đến ngày. Nghĩ quẩn khùng lên thành nghĩ quẫn mời bác sỹ đến mổ bừa. Bác sỹ thì phần vì dốt, phần vì phải làm theo khách cứ mổ bừa, đến đâu thì đến. Rồi khi mổ xong chết cả mẹ lẫn con thì cũng cù nhầy với nhau, chứ đã ai bị tù vì chữa chết chó bao giờ đâu. Nhưng cũng không phải lúc nào cũng cù nhầy rồi xí xoá. Con chó lúc đó là tài sản chính của nhiều gia đình nên nhiều bác sỹ cũng bị dọa nạt, nhẹ thì cãi nhau ầm ĩ, bắt phải đền tiền đúng mức, nặng thì kéo du côn đến nhà bác sỹ vào ngày cưới xin hoặc mùng một tết ăn vạ với giá cắt cổ, nếu không xong thì bêu xấu, phá bĩnh, đánh nhau…
Cũng có bác sỹ lĩnh đủ khi làm chết chó của gia đình có thế lực, bị bêu tên trên báo chí, bị bắt lên đồn, bị cảnh cáo ở cơ quan công tác, thậm chí bị mời ra hầu toà. Nhưng rồi tóm lại cũng chỉ chuyện con chó, như dân gian có câu: Chó chết là hết chuyện.
Thật ra cái thời bao cấp ấy dân ta đói quá đâm ra đói ăn vụng, túng làm càn. Vì thời đó Việt Nam chỉ có bác sỹ gà, lợn, trâu… chứ có đào tạo bác sỹ chó đâu.
Suốt cả thời gian từ 1954-1985, con chó ở Việt Nam coi như ngoài vòng pháp luật. Trường ĐH Nông nghiệp  không có khoa chữa bệnh chó. Các bác sỹ thú y chó thời Pháp thì già quá lú lẫn hoặc đã qua đời.
Bác sỹ nổi tiếng nhất thời đó gồm: Giáo sư, tiến sỹ thú y Lăng, bác sỹ Trung ở 32 phố Trần Xuân Soạn, bác sỹ Hoàng Triều ở đường Trường Chinh.
Bác sỹ Lăng có học hàm học vị lớn nhất, được nhiều người tin, song bác sỹ cũng không hề được đào tạo về chữa chó. Học hàm tiến sỹ của bác sỹ Lăng là về ký sinh trùng của trâu, bò, gà, lợn… mà bằng tiến sỹ dễ kiếm nhất là về đề tài ký sinh trùng.
Lúc đó, những bác sỹ thú y chân chính khuyên người nuôi chó muốn cho chó khỏi ốm chỉ cần cho ăn ít đi, không tiêm và uống thuốc không cần thiết hoặc quá liều. Loại bác sỹ này bị khách hàng cho là điên, và chẳng ai mời đến chữa. Đúng là khi tất cả đều mê, thì kẻ nào chữa bệnh mê là kẻ mê nặng. Thiên hạ say cả thì kẻ tỉnh là người say.
Sau này, khi chó Nhật bán không ai mua nữa, mọi người không cho chó ăn quá nhiều, không tiêm thuốc bừa bãi, chó thả rông ngoài đường như chó ta thì mọi người mới ngộ ra là chó chẳng thấy mấy khi ốm.
Cho nên các bác sỹ sở dĩ trở thành “dũng sỹ” diệt chó cấp ưu tú không phải chỉ vì dốt mà còn do người chủ chó chăm quá thành tự hại:
“Quỷ hại ta phất cành dương
Nhân hại diệu kế có đường thoát ngay
Tự hại trời cũng bó tay
Chờ rằm tháng bẩy là ngày tạm tha”
Cùng tắc biến, khi chó lên đến cực điểm tất sẽ dẫn đến thoái trào. Khổ nỗi các cán bộ, những người ít vốn lại cứ nghĩ là chó cứ đắt mãi nên các vị cán bộ nghỉ hưu rất cẩn thận theo dõi rất kỹ về chó mới dốc hết tài sản đi mua chó. Than ôi! Chín là lúc sắp rụng. Lúc này, vì nhanh nhậy về thông tin, đội nuôi chó nhà nghề bắt đầu bán chạy vì họ biết thị trường Tầu không ăn chó, trong khi cơn sốt chó ở Việt Nam lại lên đến đỉnh điểm. Thậm chí tất cả những chó xưa ta bán cho Tầu với giá cao thì nay Tầu lại xuất cho ta với giá cao hơn. Ta cứ tưởng lừa được Tầu, hoá ra chính ta bị Tầu lừa lại, thật đau! Nhiều người mua lại chó đã xuất sang Tầu cách hai ba năm. Cóc chết ba năm quay đầu về núi. Trên mọi công viên Hà Nội, sáng sớm cũng như chiều tà, các cán bộ hưu trí nam nữ lũ lượt giắt chó ra công viên để chó thể dục thể thao. Thời đó người đi thể dục rất ít, chứ không đông như bây giờ đâu. Trông mặt những cán bộ về hưu rất chân thật, hiền lành, cả đời tham gia cách mạng, cuối đời dốc hết vốn nuôi chó Nhật để rồi tán gia bại sản thật đáng thương. Chỉ vì các cán bộ già ít nhậy bén với thị trường, lại quá cẩn thận chờ thấy rõ ràng cao trào chín mùi mới vào cuộc, biết đâu chín là sắp rụng. Khôn cũng chết, dại cũng chết, chỉ kẻ biết là sống.
Rồi Hà Nội đắm chìm vào sự khủng hoảng chó Nhật. Ngoài phố, những con chó Nhật chỉ vừa năm ngoái còn được nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa, nay thì bị bỏ chạy rông ngoài đường, lông bết lại đen sì, đi rúc ăn ở các đống rác.
Ngay cả các vị giáo sư tiến sỹ thời chó Nhật, lái buôn đến mua, vị nào cũng ngồi vắt chân, kính đeo trễ mũi nói giọng rất cao đạo:
- Tôi nuôi chó chỉ vì lòng yêu chó vô hạn như người Tây, chứ đâu vì tiền.
Kẻ sỹ đói vì thiếu tiền, nhưng vẫn sỹ. Nhất lại là kẻ sỹ Bắc hà. Sau khi chó Nhật khủng hoảng, các vị tiến sỹ giáo sư ấy chẳng ai nuôi chó nữa và có nuôi thì cũng quẳng ra đường muốn sống kiểu gì cũng kệ.
Nghĩ đến người Hà Nội thời chó Nhật thật đáng thương vì kinh tế quá khó khăn, con đường thoát duy nhất chỉ có nuôi chó Nhật, chứ có ai nuôi chó Nhật để chơi đâu.
Còn gia đình một số cán bộ trên cả bộ trưởng cũng lao vào nuôi chó, vì thời đó cán bộ cao cấp, người con ưu tú của chủ nghĩa xã hội họ thanh liêm lắm.
Có gia đình cán bộ Trung ương nuôi chó Nhật, lái buôn vào nhà mua chó. Sau đó gia đình bị mất ti vi, cũng không dám khai báo. Vì sợ nếu Trung ương hỏi nhà kín cổng, có lính gác đầy đủ mà kẻ gian nào lọt được vào để ăn cắp, sợ trên biết có khi còn cách chức chứ chẳng chơi. Nên họ mất ti vi mà vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt.
Chó Nhật không chỉ sốt ở nội thành, lác đác cơn sốt chó Nhật còn lan cả đến ngoại thành nữa.
Có hai bố con ông lão ngoại thành, bán hết trâu, bò, thóc lúa, gà lợn đi mua một con chó cái Nhật 10 triệu về nuôi. Hai bố con mỗi người góp 5 triệu. Hai lứa đi lấy giống không đẻ. Ông bố chán nản, trách mắng con. Con giận bỏ ra 5 triệu mua lại suất của ông bố. Thế nào mà lần này chó lại đẻ mới chết chứ, lại đẻ đến 8 con. Anh con bán cả ổ được 40 triệu – thời ấy với người nông dân to bằng quả núi.
Ông bố tiếc của, bảo anh con đã thắng đậm, phải nhượng lại chó mẹ cho bố. Anh con đành đồng ý. Lần sau, ông bố đem chó đi lấy giống và cũng đẻ được 8 con, nhưng rồi vào thời kỳ khủng hoảng, chó con đem cho cũng không ai lấy. Từ đấy, bố con đâm từ nhau, mặc dầu ông bố nhận thấy là vô lý, nhưng ông cũng không muốn trông thấy mặt cậu con trai hãm tài nữa.
Thời chó Nhật thịnh, nếu ai đi qua phố Bà Triệu, đến trước cửa chùa Chân Tiên, sẽ được trực tiếp ngắm nghía từng đàn chó Nhật đang phối giống. Khách đến xem và đặt hàng đông lắm. Chủ nhà chứa chó đực là anh Tới nổi tiếng nhất thời đó, người môi giới mãi dâm chó đực trước cửa chùa, suốt ngày vi phạm nghị quyết 87 CP của chính phủ, được người Hà Nội suy tôn như một vị anh hùng.
Sau thời chó Nhật suy thoái, một số đại gia phải nuôi báo cô hàng trăm con. Họ tưởng chó Nhật cứ thịnh mãi nên đổ một dẫy cột bê tông để xây một biệt thự. Bất ngờ chó Nhật khủng hoảng, nhà cũ đã phá, nhà mới chỉ có một hàng cột nên đành dựng một cái lều như lều vịt lấy chỗ che mưa nắng, chui ra chui vào.
“Giấc Nam Kha khéo bất bình
Bừng con mắt dậy thấy mình tay không”
Còn một số người vẫn nuôi chó Nhật, vì họ bảo: con chó này bây giờ có cho cũng không ai nuôi, mà bán cho hàng thịt chó thì thương lắm. Chả gì nó cũng cưu mang gia đình qua giai đoạn khó khăn nên coi nó là con chó tình nghĩa, và làm cho nó một cái chuồng tình nghĩa ngoài sân, phụng dưỡng cho đến ngày chết.


NGẪM VỀ CHÓ NHẬT
Cơn sốt chó Nhật 1986-1992 do người Tầu gây ra.
Người Hà Nội đã bị người Bắc Kinh cho ăn quả lừa đậm. Thực ra người Tầu lúc đó không có nhu cầu mua chó Nhật, cũng như mua đồng, chì, thiếc với giá đắt gấp ba lần thị trường thế giới.
Chẳng qua người Tầu muốn mở cửa biên giới, buôn bán ngoài vòng pháp luật.. Người Việt mang chó Nhật, mang đồng, nhôm sang bán cho Tầu với giá cắt cổ. Song số tiền bán chó ấy, người Việt mua các mặt hàng chủ yếu là bia Vạn Lực hết chất lượng với giá cắt cổ mà người Tầu nếu không bán được cho Việt Nam thì chỉ có cách đổ đi.
Lái chó Việt tìm đủ mọi cách nhuộm lông chó, bán cho Tầu chó Nhật lai chó ta tưởng là cao mưu. Nhưng thâm sao bằng Tầu. Sau khi thực hiện xong mưu đồ, khi chó Nhật ở Việt Nam sốt cao nhất, Tầu chở hết chó Nhật ta bán cho Tầu với cái giá gấp ba Tầu mua của ta. Cóc chết ba năm quay đầu về núi. Các tay nhà nghề nào quá mê muội cứ ôm mãi chó vào thì chết cũng là đáng tội tham, sân, si… Chỉ thương cho các ông bà già cán bộ về hưu dốc hết gia sản mua đàn chó Nhật, không biết còn lấy tiền đâu sống qua những ngày già hiu hắt.
Dĩ nhiên đội nuôi chó nhà nghề nắm được thông tin đã tháo hết hàng. Trận đấu cuối cùng là người Việt hại người Việt. Đau thật!
“Lò cừ nung nấu sự đời
Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương”
Từ năm 2000 trở đi, người Hà Nội mới thoát kiếp bồi chó cho Sài Gòn và Bắc Kinh.
Người Hà Nội sau thời mở cửa, đời sống lên cao đã đủ tư cách chơi chó.
Cách chơi chó của người Hà Nội so với thế giới có khác. Người Hà Nội thích khoe chó bắt từ Mỹ, Đức, có lý lịch rõ ràng với giá hàng chục cây vàng. Còn người Tây thì chỉ tỏ tình cảm rất gắn bó với chó. Có lúc hỏi chàng Tây có vợ con chưa? Anh Tây chỉ vào đàn chó và ôm hôn rồi bảo: “Mấy con chó này là vợ, con của anh”
Ngày nay, lớp nuôi chó 8X, 9X đã tiếp cận cách nuôi chó của người Châu Âu, họ không khoe giá tiền.


QUYỀN ANH Ở HÀ NỘI
Quyền anh bắt đầu du nhập vào Việt Nam từ những năm 30 thế kỷ trước.
Khoảng 1930-1945, quyền anh phát triển nhịp nhàng theo trào lưu xã hội. Quyền anh là môn võ thuộc tầng lớp trên của Hà Nội, còn các loại võ khác là của các tay anh chị, sở mật thám và giới lục lâm thảo khấu.
Quyền anh thời đó tổ chức thi đấu ở rạp Chuông Vàng Hàng Bạc, hoặc những trận đấu then chốt thì ở Nhà Hát Lớn thành phố. Các võ sỹ ngày xưa không phân ra nghiệp dư hay chuyên nghiệp. Võ sỹ nào cũng cởi trần và đều không đội mũ bảo hiểm, thường đấu sáu hiệp, thách đấu bao nhiêu tuỳ thích, chứ không có kiểu thi đấu nghiệp dư như ngày nay quy định: đấu ba hiệp, mỗi hiệp ba phút.
Chính vì thi đấu theo kiểu võ Tầu thách đấu tự do nên đã xẩy ra cái chết thượng võ cao thượng của võ sỹ Ngọc Long, làm chấn động người Hà Nội lúc đó. 
Ngày nay, sau trận đấu tuyên bố thắng thua, khán giả giải tán. Ngày xưa khác hẳn, mọi cuộc đấu quyền anh cũng pha thi vị của mọi cuộc đấu võ Tầu. Các võ sỹ được quyền lên đài thách đấu với nhau, thậm chí nhiếc móc, mắng mỏ nhau như kiểu Trương Phi chửi Lã Bố là kẻ đi ở ba đời.
Vì vậy, quá tin cậy vào mình nên võ sỹ Ngọc Long đã thách đấu với võ sỹ Ri-pha người Pháp vượt hạng cân mình. Vì quá nhỏ bé, nên võ sỹ Ngọc Long Việt Nam đã bị võ sỹ Ri-pha người Pháp đấm chết trên võ đài gây xôn xao dư luận Hà Nội.
Từ năm 1950-1954, ở Hà Nội, võ sỹ người Việt Nam và người Pháp thi đấu với nhau thường dễ kích thích khán giả đến xem. Những cuộc thi đấu này đều phảng phất tinh thần dân tộc.
Võ sỹ Vĩnh Tiên để lại dấu ấn nhiều nhất cho người Hà Nội. Võ sỹ này có lối đánh công thủ toàn năng. Đặc biệt, cách đánh giáp lá cà đã vô hiệu hóa tầm vóc to cao của võ sỹ Châu Âu. Người Hà Nội xưa thường không quên hình ảnh võ sỹ nhỏ con Vĩnh Tiên, xông vào võ sỹ tây to cao và ra đòn liên tiếp khi đánh giáp lá cà, khiến võ sỹ tây lảo đảo, chòng chành đổ gục xuống. Trong thời gian bị Pháp đô hộ, người Pháp ngông nghênh miệt thị chủng tộc da vàng, thì hình ảnh võ sỹ Vĩnh Tiên oai phong lẫm liệt, với những cú ra đòn sấm sét làm người tây gục ngã dưới chân, đã khích lệ lòng tự hào của dân tộc Việt Nam.
Đặc biệt, võ sỹ người Pháp Đờ-la-nay thỉnh thoảng lại từ Pháp sang thăm Hà Nội sau nửa thế kỷ xa cách. Về già, Đờ-la-nay có tâm nguyện được đến Hà Nội tìm hiểu về gà chọi Việt Nam.
Võ sỹ Đờ-la-nay xưa kiêu hùng trên võ đài, nay thành ông tây già lọm khọm như cảnh Phạm Lãi sau mấy chục năm phiêu bạt trên Ngũ Hồ, trở về Cô Tô Đài nơi chiến tích xưa của mình. Đờ-la-nay thường đi lững thững bên Hồ Gươm, không ai hiểu người võ sỹ già nghĩ ngợi gì?
Hà Nội sau giải phóng 1954, phong trào quyền anh vẫn trên đà phát triển. Võ đài thường đặt ở nhà đấu xảo, nay là cung văn hoá hữu nghị Việt Xô, trận đấu diễn ra giữa trời, ghế ngồi chỉ là bậc xi măng. Có những năm trong ngày lễ còn tổ chức tại vườn Bách Thú.
Võ sỹ Bùi Trần Tý, công nhân nhà máy điện Yên Phụ, võ sỹ loại nhẹ cân nhất trên võ đài – loại 45 kg – loại giấy, được giới hâm mộ quyền anh Hà Nội quý mến vì kỹ thuật cao, tốc độ nhanh, thái độ thi đấu sôi nổi nhiệt tình, khiêm tốn. Dưới loại 45 kg có võ sỹ Dậu, kỹ thuật cao song nhỏ bé quá nên chỉ để biểu diễn cho vui mắt.
Những trận thi đấu giữa Viết Sinh và Hồng Phương, loại 60 kg bao giờ cũng gây sự chú ý cho người Hà Nội. Võ sỹ Viết Sinh người thấp trũn như cục gân; ngược với võ sỹ Hồng Phương, kỹ thuật cao, ra đòn dài, nhưng rất nhát, nên hết sức tránh va đập mạnh. Trận đấu giữa Viết Sinh và Hồng Phương thể hiện hai lối đánh trái ngược nhau, hai hình thể cũng trái ngược nhau nên thường diến ra rất sôi nổi. Cuối đời, Viết Sinh lái xe trên đường Tây Bắc, nghe đâu có lần đánh nhau với người thiểu số bị quẳng xuống chiếc giếng cạn và chết đói dưới giếng.
Phạm Xuân Nhàn, học trò của võ sỹ Vĩnh Tiên cũng nổi tiếng một thời về trình độ kỹ thuật và thể lực dẻo dai.
Lò võ nổi tiếng của Hà Nội có tinh hoa thuật của võ sư Quỳnh. Ngoài quyền anh, võ sư Quỳnh còn dạy thêm cả võ Tầu… Võ sư Quỳnh mặt dài, người cao cân đối, rất nhanh nhẹn. Con võ sư Quỳnh trong khi tập võ bị chấn thương thần kinh thành lẩn thẩn, hay đi lang thang trên đường Hoà Mã, Phố Huế. Nhìn chàng trai trẻ bị lẩn thẩn vì võ thuật, nhiều người Hà Nội ngậm ngùi thương xót, và cảnh tỉnh chớ quá mê võ rồi gặp tai nạn nghề nghiệp.
Võ sư Đinh Thọ, võ sỹ to con, ra đòn nặng, song hơi chậm chạp. Võ sỹ Đinh Thọ có nghề chữa bệnh sai khớp gẫy xương. Hiện nay con võ sỹ Đinh Thọ vẫn nối nghề chữa xương của cha nhà ở gần nhà máy rượu phố Nguyễn Công Trứ.
Võ sư Phan Sang, người nhỏ thó, nhanh như sóc, có rất nhiều thủ thuật trong thi đấu. Võ sư Phan Sang tuyệt đối ghét loại võ sinh nhát, sợ đòn. Võ sư Phan Sang thường xỉ vả hết lời loại võ sỹ nhát là: đồ năm con cáy dắt lỗ đít.
Về già, võ sỹ Phan Sang người quắt lại, dáng đi lòng khòng, suốt ngày la cà ở quán bia, say xỉn, nói năng lung tung, nhưng người Hà Nội ít ai cà khịa với người võ sỹ già khả kính suốt đời cống hiến cho quyền anh.
Miền Bắc chỉ có ba trung tâm võ thuật. Trung tâm võ thuật Nam Định do võ sư Khuê làm giáo chủ. Võ sư Khuê có cú đấm mạnh như búa tầm sét hạ gục địch thủ dễ như thò tay vào túi. Vì vậy, võ sư Khuê rất ít đào tạo cho võ sinh kỹ thuật thi đấu. Học trò của ông thường không có cú đấm trời giáng bẩm sinh mà lại hớ hênh trong kỹ thuật nên thi đấu kém hiệu quả. Võ sư Khuê thiên tài bẩm sinh trên võ đài thi đấu, nhưng là người thầy tồi. Võ sỹ Trần Xuân Lai ở Nam Định để lại dấu ấn điển hình trong lòng người  dân Hà Nội. Ai yêu quý môn quyền anh, đều nhớ bóng dáng võ sỹ Trần Xuân Lai với thế gác hớ hênh, kỹ thuật chưa hoàn chỉnh, nhưng tinh thần thi đấu ngoan cường và thường hoà và thua.
Trung tâm võ thuật nổi tiếng thứ hai ở miền Bắc là Hải Phòng.
Võ sỹ Hải Phòng chiến đấu ngoan cường, sức khoẻ tốt, có kỹ thuật nhưng thiếu sự bay bướm, hào hoa và mang tính hiếu thắng địa phương cao. Những trận đấu quyền anh, bóng đá giữa Hải Phòng, Hà Nội luôn gây chấn động trong khán giả.
Võ sỹ quyền anh nổi tiếng nhất của Hải Phòng là Đinh Bảng. Đinh Bảng có đầy tố chất của Hải Phòng: ăn sóng, nuốt bão. Khi võ sỹ Hà Nội Phạm Xuân Nhàn dành chức vụ địch thì Đinh Bảng chưa thi đấu, khi võ sỹ Đinh Bảng dành ngôi vô địch thì Phạm Xuân Nhàn từ biệt võ đài. Đinh Bảng nhiều lần thách đấu với Phạm Xuân Nhàn. Nhàn cú, định nhận lời thách đấu của Đinh Bảng, ông thân sinh ra Nhàn  là cụ Phạm Xuân Thông khuyên Nhàn nên treo miễn chiến bài. Bảng mạt sát Nhàn thậm tệ và gửi cho bộ đồ lót phụ nữ để tỏ ý khinh bỉ.
Cho đến nay, ảnh hưởng của Đinh Bảng vẫn chi phối làng quyền anh Hải Phòng. Đinh Môn, dòng dõi Đinh Bảng, là huấn luyện viên trụ cột của quyền anh Hải Phòng.
Chính vì tinh thần thượng võ, có phần hiếu thắng địa phương của Hải Phòng, nên đã xẩy ra cuộc thượng đài hy hữu giữa Hải Phòng và Hà Nội năm 1993 tại sân vận động Lạch Tray. Trận đấu cuối cùng hạng 67 kg giữa hai võ sỹ cùng tên là Tuấn Ngan và Tuấn Cụ thật hoàn toàn phi thể thao. Khi võ sỹ Hải Phòng sa thế. Khán giả Hải Phòng đã hò hét ném ghế và chai bia vỡ lên võ đài đuổi đánh trọng tài, buộc trưởng đoàn quyền anh Hà Nội Hoàng Kiềm phải tung cờ trắng mới tạm yên. Đoàn võ sỹ Hà Nội phải nhờ lực lượng công an bảo vệ mới rút khỏi sân vận động Lạch Tray.
Đặc biệt, con gái Hải Phòng mê quyền anh hơn cả nam giới. Những trận thi đấu quyền anh được giới nữ gào thét, cổ vũ rất sôi nổi. Cho nên ta rất dễ hiểu, khi Năm Cam chọn nữ sát thủ Dung Hà ở Hải Phòng. Tám Bính, tướng cướp nổi tiếng trong tiểu thuyết Bỉ Vỏ của nhà văn Nguyên Hồng cũng là dân “anh chị” của Hải Phòng.
Trung tâm quyền anh ở Hà Nội cũng có nhiều lò võ tên tuổi như: Phan Sang, Đình Quỳnh, Đinh Thọ, Vĩnh Tiên…Đến năm 1960, các lò võ tập trung về sở thể dục thể thao Hà Nội tập tại bể bơi Ba Đình, do võ sư Phạm Xuân Thông hướng dẫn, Phạm Xuân Nhàn chỉ đạo kỹ thuật. Tiếp theo là Phan Sang lãnh đạo phong trào quyền anh Hà Nội. Sân tập quyền anh trở về Long Biên.
Đệ tử của võ sư Phan Sang là Hoàng Kiềm nối được chí thầy: say rượu và yêu quyền anh đến ngày chết.
Thời thế cuộc đời lúc thịnh lúc suy, nhưng lòng say mê quyền anh của Hoàng Kiềm thì lúc nào cũng vậy. Thập niên quyền anh Hà Nội cuối thế kỷ 20 không ai quên hình ảnh Hoàng Kiềm, đầu to húi cua, đi lại lừ đừ như xe tăng, lúc nào cũng say rượu và say môn võ thuật quyền anh đến chết.
Võ sỹ Hà Nội (cũng như người Hà Nội) thường có nét chơi hào hoa phong nhã, đầy tính kỹ thuật, nhưng so về thể lực kém hơn các tỉnh khác. Danh thủ bóng đá Hồng Sơn sau này cũng mang kiểu cách chơi như vậy nên mơi có biệt danh “Sơn công chúa”..
Trận đấu quyền anh có thể coi như lạ nhất thế giới đã xảy ra tại nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức thập niên 80 thế kỷ trước: hai võ sỹ đang thi đấu trên võ đài thì bỗng dưng trọng tài chính lăn ra chết, khiến tất cả khán giả và tổ trọng tài đều thót tim, cả nhà thi đấu bàng hoàng.
Sự kiện thể thao đáng ghi nhớ trong thập kỷ 90 thế kỷ trước ở Hà Nội là võ sỹ huyền thoại Mô-ha-mét A-li sang thăm đội tuyển quyền anh Hà Nội. A-li sang thăm Việt Nam chỉ với danh nghĩa khách du lịch nên không đưa lên các thông tin đại chúng.
Phỏng vấn A-li sao trận thua Pho-mân đơn giản vậy? A-li trả lời: “Thời gian đã trôi qua gần nửa thế kỷ, nay A-li mới dám tuyên bố sự thật, trước đêm đó bị đối thủ dùng mỹ nhân kế làm cho kiệt quệ. A-li khuỳnh hai ngón tay trái lại, rồi lấy ngón tay phải chọc vào – tín hiệu của loài người thông tin về sự giao phối giữa đàn ông và đàn bà.
Phong trào quyền anh Hà Nội đang được chấn hưng lại chìm vào cuộc đấu đá nội bộ ác liệt giữa phe Hoàng Kiềm – Chủ tịch hội quyền anh Hà Nội và Cảnh Dương, huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia. Cuộc thanh trừng nội bộ này đã chọc ngoáy cả đến giới chóp bu thể thao. Những cuộc bê bối của quan chức cao cấp về tham nhũng, chơi gái được phanh phui giữa thanh thiên bạch nhật mà càng giải quyết càng rắc rối. Cuối cùng, Thủ tướng Võ Văn Kiệt phải ra nghị quyết: xóa bỏ môn quyền anh khỏi ngành thể thao, đẩy môn thể thao số một thế giới ra khỏi Việt Nam.
Thực ra, quyền anh bị xóa bỏ không hẳn chỉ vì đấu đá nội bộ. Môn thể thao nào của Việt Nam mà không đầy bê bối. Thể thao của ta mang nặng bệnh thành tích. Muốn dành được thành tích cao trong thể thao đòi hỏi phải dầy công phu tập luyện, với bệnh thành tích, với phương châm đi tắt đón đầu, tất nhiên quyền anh không đáp ứng được nhu cầu ấy.
Vậy, quyền anh bị xóa bỏ không chỉ do cuộc thanh trừng nội bộ giữa phe Hoàng Kiềm và phe Cảnh Dương dẫn đến quyết định của Thủ tướng Võ Văn Kiệt xoá sổ quyền anh, mà do bệnh mê thành tích của thể chế. Nên muốn đạt ngay được huy chương, cách tốt nhất chơi những môn mà chẳng nước nào đầu tư như: đá cầu chinh, võ Si lát (môn võ của người thiểu số In-đô-nê-xi-a), mà ngay cả nước này cũng không hề quan tâm.
Bệnh thành tích này đẻ ra tư duy sai lầm của nhà chiến lược Hoàng Vĩnh Giang: đi tắt đón đầu. Đi tắt đón đầu là phương châm hoạt động của lục lâm, thảo khấu. Dân tộc Việt Nam với gần trăm triệu dân, đất nước giầu tài nguyên, nhân tài như lá cây rừng, việc gì phải đi tắt đón đầu, ta phải tiến từng bước cơ bản đàng hoàng giữa thanh thiên bạch nhật sát cánh cùng toàn nhân loại đẩy phong trào thể thao tiến lên.
 Thời Pháp, thời Ngô Đình Diệm chỉ cần tổ chức cá nhân ta đã đạt được thành tích cao hơn ngày nay nhiều.
Thời xưa, ta coi các võ sỹ quyền anh Thái Lan là đàn em, võ sỹ Thái Lan gặp võ sỹ Việt Nam đều run như cầy sấy. Thời nay thì ngược lại. Ti vi quay cảnh võ sỹ Tuấn bị võ sỹ Thái Lan đấm nốc ao ngay từ giây phút đầu trận đấu mà đau lòng. Vì đâu võ sỹ ta đến nông nỗi này?
Thái Lan đã có võ sỹ nhà nghề vô địch thế giới, còn võ sỹ Việt Nam chỉ ở loại nghiệp dư mà còn là hạng bét của nghiệp dư, may ra bắt nạt được võ sỹ Lào và Campuchia.
Thi đấu thì võ sỹ ta loại bét, nhưng các quan chức thể thao ta đấu đá và tham nhũng thì lại vô địch thế giới, và lập vô số các loại kỷ lục kỳ lạ.
Môn hoàng đế thể thao là bóng đá, ta cũng thảm bại như quyền anh. Chưa lần nào ta đạt được chức vô địch Seagame. Ngày xưa thời Ngô Đình Diệm, đất nước chia cắt, chiến tranh liên miên, chỉ cần tư nhân tổ chức cũng đủ để ta vô địch Seagame một cách dễ dàng.
Còn ngày nay, đất nước ta mở cửa, dân tộc ta thống nhất, ta giầu gấp trăm lần xưa, nhà nước đầu tư gấp vạn lần thời Ngô Đình Diệm mà mấy chục năm ta chưa hề được mó vào chiếc cúp vàng bóng đá của khu vực thể thao Đông Nam Á, xếp loại thứ bét thế giới, vậy vì sao?
“Xanh kia thăm thẳm từng không
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này”
Về Đầu Trang Go down
Sponsored content





Thú Chơi người Hà Nội Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Thú Chơi người Hà Nội   Thú Chơi người Hà Nội Icon_minitime

Về Đầu Trang Go down
 
Thú Chơi người Hà Nội
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
HỒN THƠ VIỆT :: TRANG VĂN HÓA XÃ HÔI :: THỂ LOẠI VĂN HỌC KHÁC :: VĂN XUÔI - TRUYỆN NGẮN - TRUYỆN DÀI-
Chuyển đến