HỒN THƠ VIỆT
Đăng nhập để khỏi phải bị quảng cáo quấy rầy!
HỒN THƠ VIỆT
Đăng nhập để khỏi phải bị quảng cáo quấy rầy!
HỒN THƠ VIỆT
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

HỒN THƠ VIỆT

DIỄN ĐÀN NHỮNG NGƯỜI YÊU THƠ VIỆT NAM, YÊU TÂM HỒN THƠ ĐẬM ĐÀ BẢN SẮC VIỆT
 
Trang ChínhTrang Chính  PortalPortal  GalleryGallery  Tìm kiếmTìm kiếm  Latest imagesLatest images  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  
Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 
Rechercher Advanced Search
Latest topics
» Thơ Nguyên Hữu
Cửa Ô Icon_minitimeYesterday at 8:15 pm by Nguyên Hữu

» HƠN 3.000 BÀI THƠ TÌNH PHẠM BÁ CHIỂU
Cửa Ô Icon_minitimeWed Mar 27, 2024 10:50 pm by phambachieu

» THƠ HÀ MINH GIANG
Cửa Ô Icon_minitimeWed Mar 27, 2024 8:51 pm by haminhgiang

» THƠ THANH HUONG
Cửa Ô Icon_minitimeFri Mar 22, 2024 12:23 am by thanhhuong

» Dòng Thơ Nhạc Trích Đoạn
Cửa Ô Icon_minitimeMon Mar 18, 2024 1:05 pm by Nguyễn Thành Sáng

» thotranbichhat
Cửa Ô Icon_minitimeTue Mar 12, 2024 4:08 pm by tranbichhat

» BA BÀI THƠ MÙA THU CỦA NGUYỄN KHUYẾN
Cửa Ô Icon_minitimeWed Mar 06, 2024 10:16 am by duynd779

» Không đề
Cửa Ô Icon_minitimeSun Feb 25, 2024 7:15 pm by KhoaTa

» Không đề
Cửa Ô Icon_minitimeThu Feb 22, 2024 9:53 am by KhoaTa

Navigation
 Portal
 Diễn Đàn
 Thành viên
 Lý lịch
 Trợ giúp
 Tìm kiếm
Diễn Đàn
Top posters
Nguyễn Thành Sáng
Cửa Ô Poll_leftCửa Ô Poll_centerCửa Ô Poll_right 
buixuanphuong09
Cửa Ô Poll_leftCửa Ô Poll_centerCửa Ô Poll_right 
haminhgiang
Cửa Ô Poll_leftCửa Ô Poll_centerCửa Ô Poll_right 
Nguyên Hữu
Cửa Ô Poll_leftCửa Ô Poll_centerCửa Ô Poll_right 
Lê Hải Châu
Cửa Ô Poll_leftCửa Ô Poll_centerCửa Ô Poll_right 
phambachieu
Cửa Ô Poll_leftCửa Ô Poll_centerCửa Ô Poll_right 
thanhhuong
Cửa Ô Poll_leftCửa Ô Poll_centerCửa Ô Poll_right 
thanhtracnguyenvan
Cửa Ô Poll_leftCửa Ô Poll_centerCửa Ô Poll_right 
thamthyphuong
Cửa Ô Poll_leftCửa Ô Poll_centerCửa Ô Poll_right 
lehong
Cửa Ô Poll_leftCửa Ô Poll_centerCửa Ô Poll_right 
March 2024
MonTueWedThuFriSatSun
    123
45678910
11121314151617
18192021222324
25262728293031
CalendarCalendar
Thống Kê
Hiện có 2 người đang truy cập Diễn Đàn, gồm: 0 Thành viên, 0 Thành viên ẩn danh và 2 Khách viếng thăm

Không

Số người truy cập cùng lúc nhiều nhất là 190 người, vào ngày Tue May 10, 2016 8:24 pm
Social bookmarking
Social bookmarking reddit      

Bookmark and share the address of HỒN THƠ VIỆT NAM on your social bookmarking website

Bookmark and share the address of HỒN THƠ VIỆT on your social bookmarking website
Most Viewed Topics
BA BÀI THƠ MÙA THU CỦA NGUYỄN KHUYẾN
Tập Thơ Chọn Lọc - Nhất Lang (Nguyễn Thành Sáng)
MÙA THU CÂU CÁ
THƠ ĐÙA Ả BÁN CHIẾU: GIAI THOẠI NGUYỄN TRÃI - NGUYỄN THỊ LỘ
ĐIỂN TÍCH - HOA ĐÀO NĂM NGOÁI CÒN CƯỜI GIÓ ĐÔNG
Thơ Nguyên Hữu
THƠ HÀ MINH GIANG
TRANG THƠ LÊ HẢI CHÂU
Cứ mỗi độ thu sang - nhớ lại bài thơ chủ điểm mùa thu sách tập đọc lớp 1
HOA GIEO TỨ TUYỆT
Statistics
Diễn Đàn hiện có 610 thành viên
Chúng ta cùng chào mừng thành viên mới đăng ký: laolaoconuong

Tổng số bài viết đã gửi vào diễn đàn là 22162 in 6007 subjects
trang thơ hay
http://lucbat.com/
Diễn Đàn

 

 Cửa Ô

Go down 
Tác giảThông điệp
duonghip




Tổng số bài gửi : 68
Join date : 12/03/2013

Cửa Ô Empty
Bài gửiTiêu đề: Cửa Ô   Cửa Ô Icon_minitimeTue Jun 25, 2013 7:58 am

Ô QUAN CHƯỞNG
Người Hà Nội từ phía bắc xuôi đến chân cầu Long Biên coi như tới cửa ngõ về nhà, qua cổng Ô Quan Chưởng đã cảm thấy ở trong lòng Hà Nội.
Cái lần tôi đi du lịch 6 tỉnh ở Trung Quốc về, lòng đầy ắp kỷ niệm: “Thứ nhất thiên đàng, thứ nhì Tô Hàng”, “Bất đáo Trường Thành, bất thành hảo hán”, rồi cuộc du thuyền trên sông Hoàng Phố… Khi xe đỗ ở chân cầu Long Biên, tôi đùa hỏi các du khách:
- Nếu biếu thêm 10 triệu bắt du lịch lại có ai đi không?
Mọi người đều cười bảo:
- Đến cho thêm 20 triệu cũng xin về nhà thôi.
Người Hà Nội nào, khi qua cầu Long Biên cũng thấy cảm giác xao xuyến trong lòng như dòng sông Hồng cuồn cuộn dưới chân cầu.
Trước chiến tranh phá hoại, cầu Long Biên đẹp như con rồng uốn khúc qua sông Hồng. Ở đây ta thấy sự đồng cảm của vua Lý Thái Tổ khi rời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, với kiến trúc sư người Pháp khi thiết kế cầu Long Biên, người kiến trúc sư sắt thép của tháp Eiffel lại nhập hồn với nét rồng bay phượng múa của tâm linh người phương Đông. Cuộc giao duyên kỳ ảo giữa đông Tây, kim cổ đã sinh ra chiếc cầu Long Biên.
Đứng trên cầu Long Biên nhìn xuống bãi cát giữa sông, người Hà Nội thấy tâm hồn mình có gì trống vắng như thiên nhiên nơi này. Rồi đột nhiên ta tìm được tên để gọi cái trống vắng, hẫng hụt trên mom cát giữa sông: Đó là ngôi làng quê mà vì bảo đảm cho dòng chẩy sông Hồng, ta đã rỡ bỏ hết đi, nay chỉ còn bãi ngô xanh rì. Ngày xưa, khi mùa nước cạn, người Hà Nội chỉ xắn quần lội qua khe nước là được thưởng thức hương vị một làng quê ngay giữa Hà Nội. Cái làng quê này cũng đủ cả cây đa, giếng nước, chùa làng cùng hương đồng, gió nội. Mỗi chiều, các cô thôn nữ gánh nước giếng, mấy cậu mục đồng giắt trâu về trong tiếng sáo diều vi vu. Những con bò ngơ ngác ngắm chiếc máy bay bà già – máy bay cánh quạt hai thân – cất cánh từ sân bay Gia Lâm trong buổi hoàng hôn êm đềm.
Cái làng xưa ấy, nay chỉ còn nương ngô, vạt khoai, giữa là một cái lều vịt liêu xiêu trong gió cát.
Đặc biệt mom cát này có một bãi tắm truồng của nam giới mà ít người biết đến. Một số người Hà Nội hàng ngày đến đây tắm nude giữa thiên nhiên nude. Sau khi tắm xong, nước sông lạnh, gió sông mạnh, ai cũng thấy đói cồn cào. Họ tồng ngồng ngồi quanh một ngôi mộ, họ bầy đồ nhắm nhậu nhẹt thâu đêm. Ngôi mộ này là mả của một cô gái chết trôi. Đến khúc sông này thì xác cô cứ quay vòng. Dân làng nghĩ là thiêng, vớt xác cô vùi nông xuống doi cát. Rồi không biết từ bao giờ, có người nào đó, nặng duyên nợ đã xây lại ngôi mộ, chứ không còn “sè sè nắm đất bên đường” như mả Đạm Tiên nữa.
Nhậu nhẹt bên nấm mồ của cô gái chết trôi, các nude nhân cảm thấy được sự hoà hợp giữa âm dương, giữa thật và ảo, giữa ánh trăng lạnh lẽo ban đêm và chất men rượu rừng rực trong lòng.
Những cụ thất thập cổ lai hy ở Hà Nội khi ngắm cầu Long Biên, những kỷ niệm gần 100 năm lại ẩn hiện, chập chờn như khói như sương, chỉ khi nghe tiếng còi tầu hoả mới giật mình tan mộng.
Thời toàn quốc kháng chiến, các cụ đã âm thầm chui qua gầm cầu Long Biên để sang đò tản cư khỏi Hà Nội. Chiếc cầu phao mà Tôn Sỹ Nghị bắc qua sông Hồng chỉ sống trong tâm trí của các nhà sử học. Còn chiếc cầu phao trên sông Hồng thời chiến tranh phá hoại thì các cụ đều nhớ như in. Nhớ cả cái cảm giác chòng chành, nao nao trong dạ khi đi qua chiếc cầu bập bềnh, lòng rờn rợn cảm giác nhỡ ra nó mà đứt sợi dây néo thì chẳng biết cái cầu này trôi về đâu?
Cái sợ càng cộng hưởng khi có còi báo động, với tiếng bom nổ, pháo phòng không vang dội, mọi người không biết ẩn nấp vào đâu giữa bãi cát phẳng lì. Cái cảm giác ấy cũng đồng cảm như người Tàu nói: “Làm con khuyển thời bình còn sướng hơn con người trong thời chiến”.
Ngày ấy, cầu Long Biên đã bị đánh sập một số khoang, trông thật tang thương. Có lẽ không ai có được cái cảm giác chiến tranh như khi nghe còi báo động mà ta lại một mình tìm chỗ ẩn nấp trên cầu Long Biên – cái túi của bom đạn. Nghe thấy tiếng rèn rẹt bên tai, sau đó tiếng nổ “đoành” là đạn Rốc Két trên máy bay bắn xuống, còn nghe tiếng “uỳnh uỳnh” là tiếng nổ của bom, tiếng đanh và vang là tiếng pháo cao xạ bắn lên…
Thời ấy quanh chân cầu Long Biên là các trận địa pháo cao xạ. Trên đỉnh cầu, nơi nhô cao 32m là một khẩu đội pháo 12 ly 7 – khẩu đội pháo quyết tử.
Những người muôn năm cũ của cái thời 1947 đứng trên cầu Long Biên ngắm bãi Nghĩa Dũng, bãi Phúc Tân, người còn người mất, hồn ở đâu bây giờ.
Thực ra, cái thuở 1947, ai đi qua cầu Long Biên cũng rợn. Đầu cầu là một bốt gác của lính Lê Dương. Ai trông thấy lính da đen rạch mặt trông như cột nhà cháy vác súng đi lại mà chả run. Cái bốt ngày xưa dây thép gai rào chằng chịt hơn tơ nhện, một con chuột chạy vào không lọt, lổng chổng chỉ có những ống bơ vứt bừa bãi và những bao thuốc lá Cô-táp. Ai trông thấy lính Lê Dương, lính Pháp chả run như cầy sấy. Ngay cả đến loại anh chị bợm trạo cũng phải lảng thật xa. Dạo ấy dân sợ lính lắm. Các tay anh chị thanh toán nhau, nếu phe nào kéo bè đảng được với lính tay cầm súng, thắt lưng giắt lựu đạn thì thắng là cái chắc.
Cầm đầu băng đảng ở đầu cầu Long Biên và chợ Đồng Xuân – lúc đó chợ Bắc Qua chỉ là bãi đá bóng nghiệp dư – là ba tên: Chào Mào, Mả Lươn, Tâm Ba Tai. Tên thật của Mả Lươn là gì thì không ai biết, chỉ biết ở bắp đùi tay này có chỗ bì rò, máu mủ chảy ra hôi thối không thuốc nào chữa được. Còn tay Chào Mào thì hay đội mũ của lính Chào Mào và cũng có quen một vài tay lính Chào Mào. Trong một cuộc tranh địa bàn hoạt động, hai tên đã thi nhau, ai dám chặt một ngón tay thì được làm đại ca. Trận đấu đó, Mả Lươn đã thắng. Nhưng Chào Mào không phục, gọi Tâm Ba Tai đến thi tài. Tâm Ba Tai đã rút dao cắt một miếng tai nướng tại chỗ để uống rượu nên gọi là Tâm Ba Tai. Tuy vậy, thế lực của ba tên xã hội đen vẫn chỉ là tam quốc diễn nghĩa.
Ta mới nói về chuyện quanh cái bốt gác dưới chân cầu Long Biên. Còn các mố cầu cũng rào dây thép gai chằng chịt sâu tận xuống dưới đáy sông. Đến tối đèn dưới chân cầu sáng rực để đề phòng Việt Minh phá cầu. Có lần bọn trẻ chúng tôi bơi ở bãi Phúc Tân, vì mải chơi lội đến tận chân cầu, đã bị lính Tây trên cầu bắn loạn xạ xuống, may mà không ai chết. Đặc biệt, tất cả bọn lính gác cầu toàn là Tây chứ không có lính Ngụy
Không hiểu sao suốt chín năm kháng chiến, chiếc cầu Long Biên, cái cổ họng này của Hà Nội được Pháp bảo vệ tuyệt đối an toàn.
An toàn cho đến 10/10/1954, tên lính Lê Dương cuối cùng rút khỏi, vứt xuống dưới đường cho lũ trẻ con bao thuốc lá Cô-táp.
Còn bãi Phúc Tân thì không có một cái nhà nào, chỉ toàn là lau sậy và mía de – loại mía nhỏ hơn cây sậy, nhai vào rát lưỡi như bị đứt, nhưng nhai kỹ cũng hơi ngọt. Dưới bãi có một số sân phơi vải nhuộm. Xưởng nhuộm nằm gần đồn Chợ Gạo. Đồn cảnh sát Chợ Gạo cũng chùm kín từ nóc nhà xuống là dây thép gai, trông như một con nhím khổng lồ. Dạo ấy trẻ con đều đói, chúng tôi thường xuống bãi lùng sục loại dưa lộn kiếp (loại dưa mọc lên từ hạt dưa lẫn trong phân người, phân chim muông, súc vật) chỉ ăn được vỏ, còn ruột thì đắng ngắt. Tụi tôi kiếm mía de ăn đến tướp cả lưỡi, tối về đau không nuốt nổi cơm. Đặc biệt đi sục dưới bãi Phúc Tân, thỉnh thoảng lại gặp chim sơn ca bất thình lình từ bụi sậy bay thẳng lên trời. Chim sơn ca hốt hoảng vừa bay lên vừa hót một thôi một hồi giữa trời xanh, nó bay cao đến khi mất hẳn giữa đám mây. Con đê Phúc Tân thời đó đẹp lắm. Cái hàng cây cơm nguội với những quả li ti tròn như viên bi may-ơ xe đạp, quả chín thì tím sẫm ăn hơi ngọt pha vị chát. Đặc biệt, hàng cây cơm nguội dưới chân đê cứ mỗi độ xuân về phủ một mầu xanh non mát rượi, có lẽ không một mầu xanh của loại cây nào mát mắt bằng xanh cơm nguội đổ lá non khi xuân đến. Bây giờ con đê đã san thấp để đổ bê tông, hàng cây cơm nguội thay bằng dãy lan can sắt rỉ.
Ngày xưa, từng đàn bò thong thả gặm cỏ trên đê. Trẻ con tung tăng thả diều. Ác nhất là hàng dây điện cao thế dưới vệ đê, đã bắt sống các loại diều treo lơ lửng để rồi mưa gió làm nát bươm, trông mà đau lòng. Sau đó, có một ông lão bán bánh mỳ, mặt phúc hậu, râu tóc bạc trắng dựng căn nhà đầu tiên dưới bãi Phúc Tân, đối diện với bóp cảnh sát Chợ Gạo, nay đã bán cho Ngân hàng nước ngoài xây cao ngất ngưởng cạnh trường Trần Nhật Duật.
Từ đầu cầu Long Biên xuôi xuống nhà Bác Cổ độ 100m, có xưởng nước mắm Vạn Vân, khai thác nước mắm ở đảo Cát Bà của gia đình nhạc sỹ Đoàn Chuẩn. Đoàn Chuẩn là thái gia, tay chơi có cựa ở Hải Phòng: đàn hay, hát giỏi, đẹp trai, con nhà giầu… mua hẳn một chiếc ô tô đẹp hơn cả của Bảo Đại. Xe chạy không tiếng động, phảng phất mùi thơm hoa bưởi. Sau đó Đoàn Chuẩn cặp bồ với danh ca, mỹ nữ Thanh Hằng nhà ở phố Chợ Gạo. Cảnh làm tình giữa Thanh Hằng và Đoàn Chuẩn, đứng ở nóc nhà phía sau Ô Quan Chưởng trông rất rõ, còn nếu đứng ở Chợ Gạo nhìn lên thì hoàn toàn kín như bưng. Cái kim trong bị lâu ngày cũng phải thò ra. Sau khi vợ Đoàn Chuẩn dò được, đã tìm đến đánh ghen một trận tơi bời, báo chí đăng ầm ỹ Hà Nội.
Sau này, công tư hợp doanh, gia đình Đoàn Chuẩn gần như bị án treo, bị đầy ra ở phố Cao Bá Quát. Thái gia Đoàn Chuẩn xuống mã trông thấy, răng rụng, má tóp, đôi mắt đeo kính không biết nhìn đi đâu, độ nhật hàng ngày bằng dậy ghi ta Ha-viên. Sau đó, cậu con Đoàn Chính dinh tê sang Mỹ thì cuộc đời Đoàn Chuẩn gần như sụp đổ hẳn.
Ngày nay, nhiều người được thưởng thức thứ nhạc mầu tím của sáng tác Đoàn Chuẩn. Khi Đoàn Chuẩn được tôn vinh thì mồ đã xanh cỏ từ lâu:
“Trẻ tạo hoá đành hanh quá đỗi
Chết đuối người trên cạn mà chơi
Lò cừ nung nấu sự đời
Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương”
Chỗ phố Trần Nhật Duật của xưởng nước mắm Vạn Vân, mặt sau thông với ngõ Thanh Hà, Thanh Hà thông với chợ Bắc Qua, nơi này tập trung xã hội đen mạnh nhất của Hà Nội ngày đó.
Cánh ăn cắp vặt chuyên đi xích lô không trả tiền bằng cách bảo xích lô chờ ở cửa vào nhà lấy đồ, rồi thông qua ngõ Thanh Hà mất tích. Xích lô có chờ ở cửa đến mùa quýt cũng không gặp.
Từ cầu Long Biên, qua Trần Nhật Duật rẽ vào là thấy ngay cổng Ô Quan Chưởng sừng sững, uy nghi. Đứng ở phía đê Trần Nhật Duật, lòng người cứ thấy trống trải lo lo thế nào ấy, chỉ khi đi qua cổng Ô Quan Chưởng, tự nhiên lòng ta mới thấy tĩnh, ta có cảm giác cổng Ô Quan Chưởng như một sự đảm bảo vững chắc che chở thân tâm mình. Đặc biệt, khi nổ ra cuộc kháng chiến toàn quốc, 48 ngày đêm Hà Nội chìm trong khói lửa mà cổng Ô Quan Chưởng gần như không bị phá hoại. Bên thành cổng chỉ lỗ chỗ những vết đạn súng trường, mà sau đó là chỗ cư trú cho nhái bén và thằn lằn, hoặc cây dương sỉ mọc lên.
Thời ấy, cổng Ô Quan Chưởng không có ai bảo vệ, cũng đã bị chung quanh lấn chiếm. To gan nhất là ông Kiểm, thợ giặt là sát cổng, đã đục tường sang cổng Ô, lấy Ô Quan Chưởng làm chỗ phơi quần áo.
Trước mặt cổng Ô Quan Chưởng là phố Hàng Nâu, phố này ngày xưa bán củ nâu để nhuộm quần áo. Ngày xưa toàn quần nâu áo vải, nên bán nâu chạy lắm. Cái bà bán nâu bên số chẵn cạnh cổng Ô mấy năm gần đây vẫn giữ nghề bán củ nâu để nhuộm vó, lưới. Giữa phố có cửa hàng bán nâu của bà San. Sau đó chẳng hiểu sao phố Hàng Nâu đổi thành phố Ô Quan Chưởng. Thời đó, hỏi phố Ô Quan Chưởng người Hà Nội không biết, phải nhận là phố Hàng Chiếu thì mọi người mới biết.
Còn cách đánh số nhà thì theo quy luật của sông. Nghĩa là nếu phố dọc sông thì cứ xuôi theo dòng nước sông chẩy để tính số nhà. Như phố ngang sông Ô Quan Chưởng thì sát sông là số 1. Nhà số 1, phố Ô Quan Chưởng kề với trường Trần Nhật Duật. Thời 1946 ngôi trường này gọi là trường Ke vì nó ở sát với ke đê sông Hồng. Trong ngày toàn quốc kháng chiến, trường này đã diễn ra cuộc chiến đấu ác liệt giữa Việt Minh và Pháp, cho nên gần như sập đổ hoàn toàn. Thời đó từ trường Ke, Việt Minh đục tường thông qua phố Chợ Gạo sang phố Đào Duy Từ.
Khoảng 1950, Mỹ viện trợ cho Pháp xây dựng lại trường Ke. Cổng trường Trần Nhật Duật đề cái biển to có vẽ quốc kỳ Mỹ, với hàng chữ: “Mỹ quốc viện trợ”.
Thời Hà Nội tạm chiến, toàn dân đều hướng về kháng chiến và hàng ngày nhìn lính Pháp đi lại trên đường phố bằng con mắt căm thù. Trong trường Trần Nhật Duật có một thầy giáo tên là Chân mà học trò rất ghét vì thầy chửi Việt Minh là tụi trộm cắp vặt, hèn hạ, dã man. Đặc biệt, cổ thầy cao, mặt thầy nhỏ, học trò thường đặt hỗn danh là thầy ngỗng cổ cò. Thầy đánh học trò rất ác. Thầy dùng thước kẻ lim vụt vào mu bàn tay học trò đến toé máu, dầm xương.
Còn ngôi trường tiểu học nổi tiếng thời đó là trường Nguyễn Du, hiệu trưởng là thầy Mai Đình Niên, thầy mặt vuông rất phúc hậu. Thầy luôn tỏ lòng hướng về kháng chiến, căm ghét Tây, học trò quý thầy lắm. Thời ấy, quý thầy từ tâm chứ không bao giờ có chuyện quà cáp biếu xén thầy như ngày nay. Có lần, ngày 2/9, Việt Minh buộc cờ đỏ sao vàng vào chân chim bồ câu bay khắp Hà Nội, thầy hiệu trưởng cho học sinh ra xem thoải mái. Cảnh sát Pháp phải nhờ hiến binh mang súng bắn đạn ghém mới hạ sát được đàn chim này.
Học sinh Nguyễn Du không quên cảnh bị hành hạ khi nhà trường phát cho một cái cờ ba que, và một chiếc bánh mỳ không nhân, chờ đón thủ tướng Nguyễn Văn Tâm từ sáng tới trưa, mệt và chán khủng khiếp.
Bên cạnh trường Nguyễn Du có một ông Tàu mặc áo đen bán món nộm thịt bò khô. Hàng nộm thịt bò khô rất đơn giản, chỉ một cắp tay là coi như đủ cả cửa hàng. Cái món nộm thịt bò khô của ông làm chẩy nước rãi các học sinh háu ăn. Món dấm ông Tàu Đen pha thật độc đáo, ăn một lần ngon cay đến chẩy nước mắt. Chỉ cần trông thấy ông Tàu Đen giơ chiếc kéo bật tanh tách, học sinh đều tứa nước miếng.
Sau Hà Nội giải phóng, ông Tàu Đen về bán tại ngõ Gia Ngư, cạnh cái nhà vệ sinh công cộng mùi sú uế nồng nặc. Cái thời bao cấp coi chuyện bán hàng là gian thương thì ông Tàu Đen chỉ còn cách bán hàng cạnh nhà xí, mà là nhà xí gần như lộ thiên, mọi nhà xí công cộng đều là chỗ tự do ngôn luận, tự do báo chí, thích vẽ bất cứ cái gì bậy bạ thì tuỳ ý, bậy bạ đây chỉ có dương vật và âm hộ.
Nghĩ cũng kinh, ông Tàu Đen bán nộm thịt bò khô bên cạnh hố xí lộ thiên mà khách vẫn đông như kiến vì thời đó dân quá đói, cứ được ăn thì chẳng còn nghĩ đến văn hoá ẩm thực là gì.
Một số học sinh trường Nguyễn Du ngày nay tìm bằng được ông Tàu Đen ăn nộm thịt bò khô còn để kỷ niệm thời học trò.
Thuở ấy, khoảng năm 1948, chúng tôi không bao giờ nghĩ tới có thế nào mà thời gian lại là 1960, xa quá, không thể đến được. Học sinh Nguyễn Du nhìn người 30 tuổi cho là già lắm rồi, họ không nghĩ được ngày nào đó mình lại 30 tuổi.
Thế mà ngày nay, lớp học sinh Nguyễn Du ấy đã ngoài 70 tuổi cả rồi. Còn ông Tàu Đen bán nộm bò khô cũng đã mồ yên mả đẹp. Hiện nay, con cháu ông Tàu Đen lại về mở cửa hiệu bán nộm bò khô tại phố Hoàn Kiếm, cạnh rạp múa rối. Chữ “Tàu Đen” trở thành thương hiệu: “Nộm bò khô Tàu Đen”, hoặc “Mã Vĩ Ổn”. Nghe đâu lại có cả “Nộm bò khô Tàu Đen” giả nữa cơ. Nhưng Tàu Đen cũng là Tàu giả, ông người Lạng Sơn, nên khi người Hoa bị xua đuổi thì ông mới khai là người Việt. Con cháu Tàu Đen ngồi bán hàng bây giờ cũng đã tóc hoa râm:
“Vừa ngoảnh mặt đã thành ra mộng
Chưa quay nhìn đã hoá cố nhân”
Đối diện với phố Trần Nhật Duật là nhà thổ cao cấp: Nhà số 2, phố Ô Quan Chưởng. Nhà thổ này lưng quay ra phố Trần Nhật Duật, cửa mở về Ô Quan Chưởng. Đây là nhà thổ cao cấp nên toàn khách sang trọng cả Tây lẫn ta. Các cô gái điếm buồn sang chơi nhà hàng xóm, nhưng mọi người đều lảng tránh. Hoa hậu ca ve lúc đó có lẽ là cô Xuân. Cô Xuân đẹp lắm, mặt hiền lành phúc hậu, không hiểu kiếp trước thế nào mà kiếp này cô lại ra nông nỗi này. Cô đi đâu là cánh đàn ông lấm lét thèm thuồng nhìn theo. Dạo ấy ca ve ăn mặc kín đáo lắm, chỉ có chiếc quần sa tanh trắng trong đó lờ mờ chiếc xi líp đỏ là khiêu dâm thôi. Mặt mũi ca ve cũng không tô mắt xanh mỏ đỏ như bây giờ. Nhà thổ ngày xưa cũng có biển hiệu, biển hiệu của nhà thổ là cửa sơn mầu đen hắc ín. Các cô ca ve hàng tháng đều được đi khám bệnh lục xì. Nhà hàng có kinh doanh môn bài hợp pháp đàng hoàng.
Mụ chủ chứa người cũng đẫy đà như mụ Tú bà, nhưng da dầy và đen chứ không “lờn lợt mầu da”. Còn con mụ Tú bà là một thanh niên tuấn tú nhưng hom hem vì mắc bệnh giang mai, do đau ở hạ bộ nên đi đứng khệnh khạng. Thời đó không có bao cao su nên khách làng chơi cũng như ca ve thường mắc bệnh lậu, giang mai, gọi là cù đinh thiên pháo.
Bọn trẻ trong phố Ô Quan Chưởng thường đục lỗ vào buồng ngủ của nhà chứa phần cửa sổ quay ra phố Trần Nhật Duật để xem ca ve làm tình, mặt đứa nào cũng lấm lét vì nếu bố mẹ bắt được thì có mà nhừ đòn.
Ca ve Ô Quan Chưởng là ca ve cao cấp, các cô chỉ ngồi trong nhà. Còn ca ve thấp cấp như ở ngõ Hàng Giầy thì từng tốp ra giữa đường níu kéo khách.
Thời tạm chiếm, loại ca ve phục vụ người Việt được đánh giá yêu nước hơn ca ve ngủ với Tây. Ca ve phục vụ Tây gọi là me Tây, me Tây bị khinh bỉ nhục nhã cả về nhân phẩm, còn chính trị thì coi như phản bội Tổ quốc.
Những trận Pháp càn vào khu kháng chiến, theo nhà văn Tô Hoài viết thì một số thanh niên Hà Nội đi chơi ca ve đầm, đè nó xuống chiếu dập thật mạnh để trả thù cho dân tộc. Đó là kiểu yêu nước của lãng tử con nhà giầu trác táng.
Ngày xưa me Tây là cặn bã của các loại ca ve. Còn ngày nay đang có xu hướng ngược lại. Gái lấy chồng Tây lại có ý hãnh diện:
“Ngày xưa một cối một chầy
Bây giờ nhiều cối nhiều chầy giã chung
Tiến lên thế giới đại đồng
Chầy ngoại cối nội đều dùng như nhau”
Năm 1947, phố Ô Quan Chưởng chỉ có một vài ngôi nhà. Còn thì đều bị đổ nát và bọn thổ phỉ đi hôi của khắp nơi. Căn nhà nguyên vẹn là nhà số 7, số 5. Đây là hai căn hộ người Hoa. Người Hoa được lãnh sự quán Tàu phát cho cái biển cỡ 60x80cm làm bùa hộ mệnh. Biển này trên vẽ cờ Tưởng Giới Thạch ghi bằng ba thứ chữ Tàu, Việt và Pháp: “Đây là nhà Hoa kiều”. Hoa kiều là ngoại kiều nên được cả Việt minh lẫn Pháp để yên.
Thuở ấy, thành phố đi ngủ sớm lắm. Khoảng 18 giờ là thiết quân luật, múi giờ ngày ấy theo múi giờ Bắc Kinh, bây giờ ta chỉnh lại chỉ là 17 giờ. Xe quân sự Pháp chạy như xe gió, giờ đó Hà Nội chìm trong im lặng. Lính Pháp chĩa súng ra thành xe cứ thấy bóng người là nã súng như điên. Bọn thổ phỉ đêm khối đứa đi hôi của bị trúng đạn sáng hôm sau mới được dọn xác đem đi chôn.
Đến 20 giờ là tất cả Hà Nội chìm vào giấc ngủ, thỉnh thoảng một loạt súng ngắn nổi lên, mọi người trong nhà lại giật mình sợ hãi trùm chăn kín đầu.
Nếu gia đình nào có người bị cấp cứu, như đi đẻ thì phải bố trí ba đèn bão, người đi trước nạn nhân cầm một cái, người khênh nạn nhân cầm một cái, người đi sau cách 3m cầm một cái, mỗi người đều phải cầm đủ giấy tờ thông hành để hiến binh kiểm tra.
Bọn trẻ con thường vào các ngôi nhà đổ nát bới tìm đồ vật ra làm trò chơi. Có lần, các cậu bé tìm được một cái chai đem ra vỉa hè đập chơi, ai ngờ đấy lại là chai chứa thuốc nổ của tự vệ, chai nổ tung nhiều đứa bị thương. Nhà số 7 có hai bé bị thương, tuổi khoảng lên 8, một bé bị thương vào bụng, một bé bị thương vào mông. Cả hai bé này hiện tuổi ngoài 70. Bé bị thương vào bụng đã di tản sang Mỹ. Bé bị thương vào mông đi dậy học, đã về hưu sống bình yên, an lạc.
Còn phố Trần Nhật Duật, bọn trẻ ăn cắp táo tợn hơn, vào bới móc ở trường Ke ra một quả đạn Ba-dô-ka rồi gạ bán cho ông đồng nát ngồi tựa gốc cây cơm nguội, ông ta thấy viên đạn to sợ vãi linh hồn đuổi ngay chúng đi. Chúng tức, ra sau lưng ông đập quả đạn xuống vỉa hè, quả đạn nổ, ba đứa trẻ tan xác. Còn cái đùi của ông đồng nát thò ra khỏi gốc cây cơm nguội thì bay ra giữa đường. Khi tỉnh, ông đồng nát chỉ lầu bầu: “Tôi đã bảo không mua cơ mà!”. Sau đó, người ta mang cẳng chân ông đi chôn, giá như là bây giờ thì y học có khả năng nối lại được.
Cuối phố Trần Nhật Duật, ở giữa ngã năm có một cái cột đồng hồ. Đối diện phía cột đồng hồ là trường mẫu giáo Long Hưng trong ngõ Phát Lộc. Trường mẫu giáo đặt trong chùa, thời ấy gần như không có trường mẫu giáo. Trẻ con đẻ ra muốn khai sinh lúc nào cũng được, khai dôi ra 10 tuổi hoặc bớt đi 10 tuổi cũng chẳng sao. Thường thì lớp con em công chức khai ăn gian bớt hai tuổi sẽ có lợi cho việc hưởng lương. Cho nên, những cụ già khai thọ 100 tuổi hay hơn cũng thường do tự nghĩ ra, chỉ gọi là tương đối đúng. Còn về mục vợ thì được quyền khai bao nhiêu cũng hợp pháp. Đàn ông có quyền năm thê bẩy thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng.
Ta theo Nho giáo, đạo lý nam nữ thụ thụ bất thân thời đó nghiêm lắm. Dù trẻ con thì học sinh nam cũng học riêng. Tiểu học, trung học thì học ở trường Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Chu Văn An. Còn nữ thì học ở trường Thanh Quan, Trưng Vương. Chỉ có từ sau ngày giải phóng 1954, trai gái mới học lẫn lộn như ngày nay.
Các nam học sinh nếu có ân oán giang hồ thì gọi nhau ra cột đồng hồ phố Trần Nhật Duật chân cầu Chương Dương đánh nhau tay không một trận phân huynh đệ là xong. Đặc biệt nếu kẻ nào dùng vũ khí coi như phạm luật sẽ bị coi như xã hội đen, bạn bè xa lánh. Thời đó, có câu thành ngữ về luật phân huynh đệ: “Một chọi một ra cột đồng hồ”. Cách giải quyết này cũng na ná kiểu đọ súng của giới quý tộc Châu Âu xưa.
Thời 1950, dọc đê sông Hồng, từ cầu Long Biên đến nhà Bác Cổ, tối đến đèn bật sáng là các loại dế mèn, dế cụ, cánh cam, cánh quýt, cà cuống, các loại muỗi, dơi bay quanh các ngọn đèn điện. Trẻ con ngước mắt nhìn lên đèn đường chuẩn bị đón bắt những con vật quý ấy. Quý nhất là loại cà cuống. Cà cuống khi bị rơi tiếp đất thì bay sà xuống như máy bay hạ cánh. Khi tiếp đất, cà cuống nằm ngửa. Ta không nên vồ ngay sẽ bị cà cuống đốt như ong. Ta cần chờ cho cà cuống lật ngược lại, ta ấn lưng cà cuống xuống đất rồi nhấc lên sẽ an toàn tuyệt đối. Cà cuống có hai loại: cà cuống thịt và cà cuống cay. Cà cuống thịt không có bọng cay, không có giá trị lấy hương cà cuống. Dế cụ thì bay quanh ngọn đèn bỗng bổ nhào xuống để hạ cánh. Bắt dế cụ ta phải nhanh chóng chộp vào lưng, rồi hai tay cặp vào nách cánh, nếu để tay phía trước sẽ bị cắn, để tay phía sau sẽ bị càng có gai đá rách tay. Còn cánh cam, cánh quýt, bọ dừa khi hạ cánh thì nằm quay đơ. Muốn bắt kiểu gì cũng được. Vấn đề chính là ai đón đúng hướng rơi để bắt được con vật yêu thích, vì trẻ con tranh nhau ác liệt lắm. Đội bắt cà cuống nhà nghề thì sáng sớm hôm sau, độ năm giờ, đi một quệt từ cầu Long Biên, tới nhà Bác Cổ mò ở hai bên cống sẽ bắt được hàng trăm con. Sao độ ấy nhiều cà cuống đến thế, còn ngày nay có lẽ thuốc trừ sâu đã tiệt chủng giống này. Nằm dưới cống, cà cuống thường nấp sau chỗ có nhiều lá. Mò cà cuống phải khéo léo bắt ngang lưng, kẻo bị đốt thì khốn.
Sau đó mang cà cuống ra chợ Đồng Xuân bán. Dạo ấy cà cuống rẻ như bèo. Bán trăm con cà cuống chỉ mua được bát phở. Ngày nay một con cà cuống đủ để mua ba bát phở.
Kể đến cầu Long Biên chắc không thể quên những trận địa pháo cao xạ theo chiến tuyến từ cầu Đuống – Long Biên – nhà máy Điện.
Nghĩ đến thời chiến tranh phá hoại ấy, người Hà Nội không ai quên được. Hà Nội cũng như toàn quốc: tất cả cho chiến tranh. Bộ đội Hà Nội có ưu tiên tuyệt đối: mua hàng không phải chờ đợi. Ngày nay, hàng hoá ứ thừa thì khách hàng là thượng đế. Các cửa hàng ăn mời mọc khách từ giữa đường. Các điểm du lịch chia nhân viên đi maketing ngay từ sân bay trong và ngoài nước. Còn dạo ấy mua một mớ rau phải xếp hàng chờ đợi cả buổi sáng, rồi cảnh chen ngang đánh cãi chửi nhau như mổ bò. Thế mà bộ đội lại được ưu tiên không phải xếp hàng thì quả như được phong thần. Khẩu hiệu lúc đó là “tất cả cho tiền tuyến”.
Tinh thần chiến đấu của quân dân thủ đô thật anh hùng. Thực ra mình cũng không hiểu sao lại có sức chịu đựng hy sinh kinh khủng như vậy. Anh em bộ đội sống với nhau thiêng liêng lắm. Cho đến ngày nay, anh em cựu chiến binh hễ cứ gặp mặt là ôm chầm lấy nhau, ứa nước mắt. Nhưng nếu cũng đồng chí bộ đội ấy, nay về làm cán bộ địa chính thì dễ lại trở thành mấy vị địa chính tham ô đất như ở thị trấn Đồ Sơn.
Bộ đội pháo cao xạ bảo vệ thủ đô C33, E234, F361 – Sư đoàn phòng không không quân bảo vệ Trung ương Đảng Bác Hồkhông quên kỷ niệm ngày Bác đến thăm trận địa. Buổi sáng, ban chính trị trung đoàn xôn xao việc chuẩn bị đi làm nhiệm vụ đặc biệt, có cả đồng chí Dương Duy Ngữ, nhân viên câu lạc bộ đi theo.
Nhiệm vụ đặc biệt là Bác Hồ đến thăm C33 đóng ở bãi sông Hồng bảo vệ cầu Long Biên. Đến C33, Bác Hồ đội chiếc mũ sắt của pháo cao xạ, rút thuốc ra hút và tặng đơn vị một bao. Khí thế chiến đấu của đơn vị dâng lên hừng hực, như trong bài hát:
“Năm qua thắng trận vẻ vang
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to
Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào
Tiến lên chiến sỹ đồng bào
Bắc, Nam sum họp, xuân nào vui hơn”
Sau này Dương Duy Ngữ viết bài phóng sự về “Điếu thuốc lá của Bác Hồ” bước đầu đưa Dương Duy Ngữ vào nghề văn. Có lần Dương Duy Ngữ chở tượng Bác Hồ từ quân chủng phòng không về trung đoàn, tay xích lô đòi giá cao, Dương Duy Ngữ bảo: “Chở Bác Hồ mà sao lấy giá cao thế?”. Song, tay xích lô không chịu, bỏ đi. Năm 2006, sau hơn 40 năm, Dương Duy Ngữ đã thành đại tá, bí thư Đảng uỷ nhà xuất bản quân đội, ban chấp hành hội nhà văn, được lĩnh nhiều giải thưởng quốc gia. Còn chiếc mũ sắt Bác đội, bao thuốc lá Bác tặng chiến sỹ được đặt ở Viện Bảo tàng quân đội. Cả nước khí thế Cách mạng hừng hực. Thế giới khen ta và cả tâng bốc lên mây xanh. Họ bảo chỉ một ngày được làm người Việt Nam thì dù có chết ngay cũng mãn nguyện. Nhà thơ Tố Hữu viết:
“Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa
Vui gì hơn là người lính đi đầu
Trong đêm tối tim ta làm ngọn lửa”
Khi Liên Xô theo chủ nghĩa xét lại, Trung Quốc tấn công biên giới, sách trắng của ta lại tuyên bố: thời chiến tranh, ta bị chi phối bởi Mô-lô-tốp và Chu Ân Lai.
Tuyến phòng không trực tiếp kéo dài từ Đông Anh, cầu Đuống đến cầu Long Biên.
Dạo ấy, đơn vị cao xạ đóng ở chân cầu Đuống là D22, tiểu đoàn này được cấp trên nhận định là “D22 vừa sai vừa đúng”. Cầu Đuống là cái túi bom của Hà Nội. Xưa chân cầu Đuống có xây một loạt lô cốt boong ke cực kỳ kiên cố, thế mà bom tấn của Mỹ cũng hất tung cả xuống sông. Nhìn thấy các lô cốt boong ke lăn kềnh ra, nửa chìm, nửa nổi bên sông mới thấy được tính ác liệt của chiến tranh.
Đại Đức Thích Đức Thiện trước là chiến sỹ của D22 đóng ở cầu Đuống. Sau khi phục viên về xin đi làm ở viện Hán nôm, nhưng không được nhận vì văn hoá mới hết phổ thông. Khi viện trưởng Nguyễn Khắc Viện đọc lý lịch, biết Thích Đức Thiện là con cụ Hoa Bằng – một học giả lỗi lạc của Việt Nam, hiện cạnh phố Yên Hoà, quận Cầu Giấy là phố Hoa Bằng – nên đã nhận Thích Đức Thiện vào làm. Khi Nguyễn Khắc Viện mất, Thích Đức Thiện bị đuổi việc, rồi cơ duyên đưa Thích Đức Thiện cắt tóc đi tu vào chùa Quán Sứ. Hội thiền sư thế giới tuyển lớp thiền tại Pháp đã trực tiếp chọn Thích Đức Thiện đi học tại Pháp và Mỹ. Sang Pháp học thiền, bài tốt nghiệp công án thiền, Thích Đức Thiện làm một bài thơ kể về lý lịch lính của mình:
“Xưa tôi là anh lính chân đồng vai sắt
Rồi một ngày cắt tóc đi tu
Tuy tôi không có trăm tay nghìn mắt
Tôi đi vào thiền bằng đôi dép cao su”
Sau khi được hội Phật giáo thế giới tuyển thẳng đi tu nghiệp thiền tại Pháp và Mỹ trở về, chùa Quán Sứ không nhận, Thích Đức Thiện đành về chùa Thanh Trì. Nhưng vì theo phép hành thiền, tu tâm là chính, không thích lễ bái cầu cúng, bói toán nên không được vừa lòng một số người có thế lực. Đại đức Thích Đức Thiện đành về tu ở nền chùa Phúc Thọ, Hà Tây. Đây chỉ là cái nền chùa đang tu bổ, nên Đại Đức Thích Đức Thiện vẫn ở nhà là chính. Thích Đức Thiện bảo tu ở nhà chung với vợ con sợ nặng nghiệp sắc giới, khó nhiếp phục được tâm. Đại Đức bảo phải nhờ vợ con chu cấp tiền nong mới có khả năng xây dựng ngôi chùa trên Phúc Thọ. Sau này, chắc chắn ngôi chùa này sẽ đồ sộ và linh thiêng lắm. Đại Đức Thích Đức Thiện, người chiến sỹ pháo cao xạ bảo vệ cầu Đuống chưa kịp xây xong chùa Phúc Thọ đã đổ bệnh nan y: viêm gan cổ chướng. Gặp các cựu chiến binh cao xạ đến thăm, Đại đức cầm tay mọi người bảo: “Tôi sắp về Tây Trúc rồi”.
Sau đó, ta đến đầu cầu Long Biên. Ngày trước, từ Hà Nội lên phía bắc chỉ có con đường duy nhất là qua cầu Long Biên. Cái chốt công an đóng ở cầu Long Biên có nhiều kỷ niệm buồn vui với các đơn vị pháo. Dạo đó, một số bộ đội dân tộc Hà Giang hay đảo ngũ. Thường thì đêm là họ trốn đơn vị qua cầu Long Biên về nhà. Chính trị viên liên hệ với chốt công an đầu cầu Long Biên, ban đêm thấy bóng bộ đội thì báo ngay cho đơn vị biết để thu dung chiến sỹ của mình về.
Kỷ niệm khó quên nhất với tôi là: tôi thường hay sang Văn Giang, Từ Hồ, Đông Cảo mua chó về cho anh em chiến sỹ đơn vị nuôi chơi cho đỡ nhớ gia đình. Thời đó, lệnh cấm nuôi chó cực kỳ khắc nghiệt. Tôi phải dựng con chó ngồi như người, rọ mõm cho khỏi kêu, cho đội nón, mặc áo như con gái, buộc chặt hai chân vào bụng như đang ôm eo, chờ cho chạng vạng tối mới dám vượt cầu Long Biên. Giờ này, các đồng chí công an nóng lòng muốn về nhà ăn cơm, người đi lại đông, ánh sáng lại nhập nhoạng, tôi mới mong chở được chó qua cầu một cách dễ dàng.
Chung quanh cầu Long Biên, ta đặt trận địa pháo dầy đặc. Có thời C30 đóng ở Phúc Tân, bãi giữa sông Hồng có C36, phía Nghĩa Dũng là trận địa pháo C33 anh hùng.
Được ngắm cầu Long Biên, ngắm Hà Nội trên ụ pháo trong những buổi hoàng hôn mầu tím pha bởi nước sông Hồng và ánh đèn mờ sương trên cầu, với ánh xanh của nương dâu, bãi sắn, ta mới thưởng thức được vẻ đẹp của thủ đô.
Khi nước sông Hồng lên to, bãi giữa ngập đến mép ụ pháo. Một số bè gỗ của công ty lâm sản trôi. Bộ đội ta kéo vào đơn vị rồi chôn xuống dưới cát. Công ty lâm sản không được phép vào đơn vị tìm gỗ mất, có vào cũng không thấy vì gỗ đã bị chôn. Sau một thời gian thấy êm êm, bộ đội mới mang ra đóng đồ cho đơn vị. Mà thật ra, có biết chăng nữa, thì cũng được bỏ qua cho những người sẵn sàng hy sinh xương máu thì một vài khối gỗ chẳng ăn nhằm gì.
Chết nỗi, có lần chính uỷ xuống thăm đơn vị sau cơn bão, nước chẩy cuồn cuộn như thác, cái nhà văn hoá bằng gỗ của C36 bị cuốn trôi. Anh em chiến sỹ gọi chính uỷ đang đi xe lội nước đến cứu. Xe lội nước đến lại đâm vào bè gỗ của đơn vị neo dưới sông nên đã bị lộn nhào, may không ai việc gì. Chiếc xe lội nước chìm dưới chân cầu Long Biên cho đến 40 năm sau cũng chưa ai biết nó nằm ở đâu trong lớp cát dưới dòng sông.
Đại đội trưởng chỉ huy đại đội C36 đóng ở bãi giữa sông Hồng là Đỗ Quang Định. Đỗ Quang Định trước là khẩu đội trưởng pháo, sau khi chiến đấu ở Noong két, Pa khe bên Lào, khi đi qua phà ghép đã bị địch oanh kích. Trận chiến đấu ác liệt, Định lăn xuống nấp ở dưới rãnh, cạnh Đ.; Đ. bị thương, Định hỏi tình hình, Đ. bảo anh em khẩu đội bị thương cả. Sau trận chiến đấu, Định lên khẩu đội bắn một tràng đạn lên không, lúc đó có cấp trên đi xuống, phong cho Định thành tích một mình chiến đấu đến cùng. Sau đó, đơn vị kéo pháo về cầu Hàm Rồng. Những trận chiến đấu ác liệt xẩy ra ngày 5/8. Độ ấy ta nhầm, cứ thấy máy bay tăng tốc cho là bị cháy đâm xuống biển, nên tính là số máy bay rơi. Hai dân quân xuất sắc vác đạn là Ngô Thị Tuyển và Nguyễn Thị Hằng. Hiện nay, vẫn có cuộc tranh luận cho rằng Nguyễn Thị Hằng tranh công của Ngô Thị Tuyển. Nhẽ ra thì Tuyển báo cáo thành tích, Tuyển nhờ Hằng xinh đẹp, lại khéo nói đi báo cáo thành tích hộ. Vì nhờ khéo nói và xinh đẹp, tất cả thành tích cao Hằng đều được nhận. Sau đó Hằng và Định được mời đi thăm quan Cu Ba:
“Lịch sử toàn chuyện ồn ào
Sự thật im lặng đi vào lãng quên
Lịch sử bầy chữ đặt tên
Khe chữ chân lý lặng yên ra vào”
Năm vừa rồi, tỉnh đội có mời Hội cựu chiến binh 234 vào để ôn lại kỷ niệm cũ và cũng muốn E234 xác định lại thành tích của Tuyển và Hằng. Song, chưa kịp đi, thì một vài cá nhân của E234 không tham gia chiến đấu ở Hàm Rồng đến dự trước, nên sự việc càng rơi vào khó hiểu.
Năm 1966, nếu ai nhìn lên đỉnh cầu Long Biên sẽ thấy một trung đội 12 ly 7 quyết tử, như chiến sỹ cảm tử bảo vệ thủ đô ôm bom ba càng xông vào xe tăng địch. Một đoạn trích trong bài thơ của Bảo Sinh tả trung đội tiểu cao này:
“Năm 1966
Trên nóc cầu Long Biên cao vời vợi
Phấp phới ngọn cờ của trung đội tiểu cao
Pháo thép chếch nòng sáng đầu nhọn mũi lao
In trên mây trời 1966
Như dáng hình thủ đô 46
Tự vệ bom ba càng thiêu cháy xe tăng

Con cháu chúng ta những ai vào vũ trụ
Hãy đừng quên!
Một ụ pháo trên đỉnh cầu lộng gió
Chúng sẽ không lạc đường
Giữa thiên thể bao la”
Sau ngày tháng đóng trên đỉnh cầu, những chiến sỹ, đặc biệt là các cán bộ, tay đều chai sần vì phải leo từ đỉnh cầu này đến đỉnh cầu khác. Sự nguy hiểm không hẳn chỉ bởi bom đạn địch dội xuống, mà còn bởi pháo của ta, súng trường của dân quân bắn lên, có lần bắn sạt cả mảng sắt trận địa.
Hàng ngày, anh nuôi phải gánh cơm từ đầu cầu đến cuối cầu đi phân phát cho các khẩu đội. Pháo thủ phải thả dây xuống mới kéo nổi cơm từ mặt đường tầu hoả lên đỉnh cầu. Nhiều lần gió mạnh, dây kéo chao đảo, đã hất cả cơm canh xuống hành khách đi trên tầu, nhưng không ai nói năng gì, họ đều thông cảm, tỏ lòng thương. Cuối cùng, xét nhiều mặt không có lợi, ta đã rút pháo trên đỉnh cầu xuống.
Cho đến năm 1985, một lần tôi đi với cậu bạn lãng tử vào một nhà hàng karaoke, cậu này vẫn khinh tôi là “bôn”, là “đụt”. Lần này cậu ta cố kéo tôi vào, tôi thì dẫy nẩy đòi về. Cuối cùng, tôi nể bạn đành ngồi vào phòng hát với một tiếp viên. Vừa vào phòng, tôi đã gọi ngay được tên họ và hỏi thăm gia đình cô tiếp viên, khiến cậu bạn tròn xoe mắt.
Sau cuộc hát lạ lẫm ấy, cậu ta bảo: “Em bái phục đại ca, đại ca là tay chơi lõi đời, biết rõ lí lịch từng em tiếp viên một”. Tôi mỉm cười bảo: “Đấy là tình cờ thôi. Cô tiếp viên này tôi biết từ hồi 1970, khi đơn vị tôi đóng ở Phà Đen. Đặc biệt cô ta là gái lai Tây, lúc đó mới 8 tuổi trông xinh lắm. Các chú bộ đội thường hay trêu đùa cháu này.
Ngày đó, tôi bị mất một con chó con mua tận Văn Giang. Tôi đi báo công an, đồng chí hộ tịch hỏi có nghi cho ai không. Tôi bảo: người ngoài vào trận địa chỉ có cháu gái 8 tuổi lai Tây thôi. Sau đó, công an đã theo dõi, rình rập mới truy tìm được: cô gái này rất yêu chó, đã bắt chó về nuôi, giấu ở xó bếp, đêm mới ôm lên nhà để ngủ cùng giường.
Hai mươi năm sau, tình cờ tôi gặp lại người hàng xóm nhà cô bé ăn cắp chó của tôi. Người này cho biết hai cô đó tên là Tân và Đệ, vì mẹ cô ta khi qua bến phà Tân Đệ – Nam Định – bị Tây hiếp đẻ ra cặp song sinh, đặt tên là Tân và Đệ.
Về Đầu Trang Go down
duonghip




Tổng số bài gửi : 68
Join date : 12/03/2013

Cửa Ô Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Cửa Ô   Cửa Ô Icon_minitimeTue Jun 25, 2013 8:07 am

Ô CẦU DỀN
Tương Mai xưa là Mơ Cơm. Lính tráng, quan lại từ Huế ra thường dừng lại nghỉ ngơi, ăn uống lấy lại sức khoẻ, tinh thần rồi mới tiếp tục vào Hà Nội. Tương Mai thuộc quận Hoàng Mai.
Thần hoàng làng Tương Mai là tướng Lê Chân. Dân Tương Mai sợ phạm huý nên đổi chữ chân thành chữ chơn. Đi bất cứ đâu, thấy cụ già gọi bàn chân là bàn chơn thì biết ngay người làng Tương Mai gốc.
Tương Mai cũng là điểm xuất phát của người Hà Nội tản cư ngày toàn quốc kháng chiến về phía Đồng Quan, Cống Thần, chợ Cháy…
Trong những người tản cư có nhà thơ Nguyễn Hữu Mão. Người ta thường bảo cụ là người mê thơ nhất nước Việt Nam. Cụ làm thơ từ năm lên 10 tuổi, tận năm 95 tuổi (năm 2006). Khi chạy loạn, cụ đã gánh một gánh thơ đi đến tận Đồng Quan, tản cư thơ thật gian khổ. Cụ chưa hề gánh nên vai tím bầm, chân tướp máu. Bom đạn thì mù mịt phía sau, người chạy loạn thì nhớn nhác mặt xanh lợt như đít nhái. Chỉ có nhà thơ vẫn hành thiền như Sa Tăng gánh hành lý về Tây Trúc.
Thời Pháp tạm chiếm Hà Nội, cụ Mão đã bị phòng nhì Pháp sờ gáy vì cụ chép bài thơ vào tiền, địch nghi là mật hiệu của Việt minh. Sau đó thì cũng hoà cả làng.
Năm 2006, cụ Mão ốm nặng, cụ cầm tay anh con trai cũng mê thơ như cụ và hỏi:
- Người thì bảo thơ tôi hay hơn thơ anh, người thì bảo thơ anh hay hơn thơ tôi, anh thấy thế nào?
Anh con trai xúc động đáp:
- Thơ của bố hơn con là cái chắc.
Cụ ngồi phắt dậy, mắt rạng rỡ:
- Thế là anh đã báo hiếu quá đủ cho tôi rồi. Bao nhiêu sự sai lầm của anh với bố, bố cho qua tất.
Người tản cư thời đó lập một góc Hà Nội tại chợ Đồng Quan. Sáng sáng mọi người tập trung ở quán chợ uống cà phê, uống nước chè, ngước về phía Hà Nội nhớ nhung, xao xuyến.
Tương Mai như trạm trung chuyển mở cửa để người Hà Nội đi tản cư, rồi Tương Mai cũng mở cửa để đón người Hà Nội hồi cư.
Khu đất ngõ 176 Trương Định xưa là phố Hoàng Mai, sau này thành khu sản xuất đồng nhôm. Ngày xưa khu này là nghĩa trang. Ngồi trên gò đống ở đây nhìn về phía khu lắp ghép Trương Định là cánh đồng lúa xanh rì, tầm mắt phóng nhìn tới tận cánh đồng làng Phương Liệt. Trẻ con hàng ngày đến đây câu nhái, câu ếch. Ếch thì ít, nhái thì nhiều vô kể, châu chấu, cào cào bay rào rào. Trẻ con bắt nhái làm chả, bắt châu chấu về xào ăn thú vị lắm.
Năm đói 1945, đây là mả chôn chung của nạn nhân chết đói. Hàng ngày xe bò chở đầy xác chết trên phủ mảnh chiếu, chân tay thò ra ngoài, lọc cọc, rập rình, xe đu đưa những cánh tay, cẳng chân cũng đu đưa theo. Xác chết được đổ đầy vào một cái hố chôn chung, sau đó lấp đất phẳng, không có dấu hiệu mồ mả gì cả. Trước khu mả ăn mày xưa là khu gò, xung quanh chơ vơ một vài lò gạch bỏ hoang. Chiều hoàng hôn mưa phùn lất phất, khách đa tình ngắm bãi tha thấy hun hút một nỗi buồn sâu thẳm.
Cõi dương thế chan hòa ánh nắng
Dưới đất sâu lạnh trắng xương khô
Não nùng thay những đêm mưa
Ai lau giọt lệ ma xưa dưới mồ
Trước cửa ngõ 176, là một cây bàng, năm 1945 có bà bán cơm nắm ngồi ở đó. Một cửa hàng cơm phải có ba vệ sỹ để phòng người đói xông vào cướp. Có lần, một người đói xông vào vồ nắm cơm định nuốt chửng, chạy vào nghĩa địa ngõ 176 thì ngã xuống ao lò gạch chết đuối.
Chiều chiều, từng đàn cò trắng bay rợp trời, đậu trắng cả bụi tre. Trẻ con ra gò chơi sợ nhất cò ỉa vào đầu, vì các cụ bảo cò ỉa vào đầu độc lắm. Khoảng năm 1957, dân làng Tương Mai bắt sống một con trăn dài 5m, treo lên cây đa giếng làng. Cái giếng này sau đó bị quận san lấp làm nơi cho gia đình thương binh lấy chỗ làm ăn, sau đó bán cho công ty may Hồ Gươm. Các cụ bô lão trong làng kiện đòi lại giếng làng. Công ty “bo” cho làng đâu có 40 triệu là xong.
Cánh đồng làng Tương Mai xưa có trường bắn. Anh Hoàng Văn Thụ bị xử bắn và chôn ở đây, nên sau này đổi tên làng Tương Mai thành xã Hoàng Văn Thụ.
Mộ anh Hoàng Văn Thụ nằm cạnh khu lao động Tân Mai, được xây dựng khá bề thế, nên các đôi nam nữ đưa nhau đến ngồi trên mộ Hoàng Văn Thụ hôn nhau thắm thiết. Để như thế sợ bất tiện nên nhà nước di chuyển mộ anh Hoàng Văn Thụ lên nghĩa trang Mai Dịch.
Còn khu đồng Tương Mai giáp với Hoàng Mai xưa là bãi chiến trường của trẻ con, đôi khi của cả người lớn hai làng. Thời cải cách ruộng đất, nơi đây là bãi đấu và xử bắn địa chủ. Nếu ghi âm được cuộc đấu tố chắc cũng có nhiều điều ngộ nghĩnh, và cuộc đời này, cái trang nghiêm cũng chỉ vớ vẩn thôi.
Chị cố nông chỉ vào mặt cụ địa chủ bị trói giật cánh khuỷu và nói:
- Thằng địa chủ, mày có nhớ lần mày vào nhà cưỡng hiếp tao xong rồi ăn hết cả nồi cá kho không?
Cụ địa chủ:
- Thưa bà con nông dân, con không nhớ ạ.
Bà con nông dân sát khí đằng đằng hô to:
- Đả đảo địa chủ cường hào gian ác, ngoan cố.
Sau đó địa chủ bị xử bắn tại chỗ. Cố nông cầm súng run run bắn đoành vào địa chủ mấy loạt súng mà không trúng trọng tâm, chỉ sượt qua trán, qua tai mà địa chủ chưa chết. Cuối cùng, cán bộ cải cách ruộng đất phải dí sung vào tai nổ đoành. đầu địa chủ mới gục xuống. Cuối cánh đồng làng Tương Mai là nơi xử bắn Hoàng Văn Thụ. Mộ anh Hoàng Văn Thụ được xây rất hoành tráng. Nhưng có dư luận cho rằng: xác anh Hoàng Văn Thụ bị Tây mang đi thủ tiêu mất tích. Còn mộ anh Hoàng Văn Thụ chỉ là chôn xác tên trộm bị Pháp xử tử cùng với anh Hoàng Văn Thụ.
Đầu cánh đồng Tương Mai là nơi đấu tố, xử bắn địa chủ, xác chết cũng không biết ở đâu. Dù là kẻ thắng trận hay bại trận thì Nguyễn Du cũng thương xót như nhau trong văn tế thập loại chúng sinh:
“Kìa những kẻ tiểu nhi tấm bé
Lỗi giờ sinh lìa mẹ, lìa cha
Lấy ai bồng bế xót xa
U ơ tiếng khóc thiết tha trong lòng
Nghe gà gáy tìm đường tránh ẩn
Tắt mặt trời lẩn thẩn bò ra
Lôi thôi bồng trẻ dắt già
Có khôn thiêng hỡi lại mà nghe kinh”
Làng Tương Mai có hai người đặc biệt: một là ông Đại Hưng, chủ hàng cho thuê xe xích lô nổi tiếng đầu tiên ở Hà Nội, có một trăm nóc nhà cho thuê, 1000 mẫu ruộng; một người nữa là cụ Tỵ – một nữ anh hùng . Cụ Ty là thân gia với tiến sỹ thượng thư Từ Đạm, Từ Diễn Đông, được vua Tự Đức ban danh hiệu: “Nữ nhân anh hùng”. Đặc biệt nhất, cụ Đại Hưng và cụ Ty đều mù chữ.
Cuối cánh đồng Tương Mai, cạnh thôn Giáp Nhị là chùa Sét. Chùa Sét thời cải cách thật thê lương. Chùa thành hoang phế, còn độc một vị sư ghẻ coi chùa, còn sư cụ phiêu bạt nơi nào không ai biết. Sư ông ghẻ gặp ai cũng than thở:
Sư cụ để sư ông giữ chùa nên không về quê tham gia cải cách ruộng đất để được chia đến mẫu ruộng. Nay thì sư ông không còn chùa, chùa thì không ai đến lễ, về quê thì đã chia hết ruộng, phận sư ông bèo bọt rồi không biết ra sao trong đợt sóng cách mạng này.
Khoảng năm 1960, chùa bị lấn chiếm gần hết. Mái tam quan sụt lở tan hoang. Dân mộ đạo chỉ còn cầu lễ ở cái đền con. Nhưng sợ lễ nhiều thành mê tín dị đoan, nên đồn công an đóng ngay tại mặt tiền cửa đền. Muốn vào hậu cung lễ phải qua đồn công an. Đồn rằng, chùa từ đấy mất thiêng. Trường cấp III Trương Định chiếm sân chùa làm lớp học. Nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò. Phá chùa mạnh nhất mà vô tội là học trò ngây thơ, không có tội, Phật nào phạt được trẻ vô tư.
Phía đông bắc Tương Mai là chùa Hưng Ký. Chùa này do cụ Hưng Ký bỏ tiền ra xây. Cụ Hưng Ký làm gạch ngói nổi tiếng nhất Hà Nội. Hiện nay, rất nhiều ngôi nhà cổ ở Hà Nội còn dùng ngói Hưng Ký. Ngói Hưng Ký đều có ghi chữ nổi ở sau mặt ngói.
Chùa Hưng Ký cũng như rất nhiều chùa miền Bắc đều bị phá huỷ hoang phế thời cải cách. Thời kỳ xoá bỏ bao cấp, kinh tế thị trường, tự do tín ngưỡng được đảm bảo, chùa trùng tu lại khang trang. Tuy nhiên cũng không mấy chùa đòi lại được hết phần đất bị lấn chiếm. Báo Hà Nội đăng tin chùa đã dựng lại tượng Phật Bà Quan Âm cao hơn 1m mà tốn những 60 triệu. Trong khi giá thành lúc đó chỉ độ 5 triệu.

“Của Bụt mất một đền mười
Bụt vẫn còn cười, Bụt chẳng nhận cho”
Để nhớ công ơn người có công xây chùa, hoằng dương đạo Phật, chính phủ bảo hộ Pháp đã đặt tên mặt phố chùa Hưng Ký thành phố Hưng Ký.
Sau giải phóng Thủ đô, chính phủ Việt Nam xoá bỏ tên phố Hưng Ký thành tên mang tính cách mạng: đường Nguyễn Thị Minh Khai, tên phố từ hai chữ thành hẳn bốn chữ.
Con cụ Hưng Ký hình như hay qua lại phố Hàng Đào, đời sống kinh tế cũng gặp khó khăn, vì thời bao cấp, ai dính líu tới chùa, nhà thờ đều dễ bị coi nhầm là tà đạo, mê tín dị đoan. Thỉnh thoảng con cháu cụ Hưng Ký có đến thăm chùa Hưng Ký, được một số tín chủ giúp đỡ kinh tế. Biết đâu một ngày nào đó, đường Nguyễn Thị Minh Khai lại thành phố Hưng Ký. Một người có công với cách mạng, một người có công xây chùa, cả hai đều đáng kính phục cả, nếu có sự vô thường thì cũng vô thường thôi!
Phía bắc phố Tương Mai có cổng làng Hoàng Mai. Cổng này trước có đền thờ, ngoài cổng có đặt bốn con chó đá, nên khu này gọi là khu bốn chó đá. Có mấy bà ngồi bán bún ở cạnh bốn con chó đá, nên những người ngụ cư không hiểu lịch sử, họ gọi nhầm thành khu vực “bún cháo đá”.
Đền bốn chó đá sau thời kỳ mở cửa được trùng tu lại. Mấy vị nam thu tiền dân, trông nom xây dựng. Sau đó, họ thường vào chùa nhậu nhẹt. Chính quyền mời họ ra khỏi đền với lý do hợp lòng dân: “Đây là đền thờ bà chúa – nữ, nam vào chơi đêm sợ thụ thụ bất thân, ô uế miếu đường”.
Đi đến đầu đường Hoàng Mai là chợ Mơ – chợ Mai. Chợ Mơ nằm giữa Bạch Mai, Tương Mai, Hoàng Mai, Mai Động, Thanh Mai… Có lẽ xưa đây là chợ bán mai ở giữa rừng mai. Rừng mai sau này chỉ còn sót lại ở Đông Mỹ – quê hương Tổng Bí thư Đỗ Mười.
Chợ Mơ phiên họp ngày 2 và ngày 7. Trước cửa chợ là ga xe điện đường ray nổi như đường tầu hoả. Phía chợ Mơ trông ra đường Hưng Ký là bãi đất rộng dành cho ngày phiên, bà con nông dân xung quanh mang hàng ra bán. Các lái buôn thường đón hàng ở tận Đuôi Cá, Vĩnh Tuy, Ngã tư Vọng. Tất cả những hàng hoá tốt đều bị các lái hớt trước. Ngày phiên, bà con nông dân mang mèo, gà, lợn, chó, ngô, khoai, sắn… ra chợ bán. Chợ phiên họp ở giữa trời, chợ phiên có hai cái mùi rất đặc biệt: phân lợn, phân chó, phân gà… và mùi mồ hôi người được nung dưới ánh nắng mặt trời thành mùi khăm khẳm không thể tả được. Dân quanh vùng rất cần đi chợ Mơ để sắm sửa hàng hoá. Đặc biệt, đi chợ phiên còn là thú đi chơi của một số người. Họ đi như du lịch, họ nghiện được chen chúc, được dẫm đạp vào nhau, được ngửi cái mùi khăm khẳm cùa mồ hôi người và các loại phân súc vật… Họ đi chơi mệt nhoài như khách du lịch đi chùa Hương trèo đèo, lội suối.
Mỗi lái buôn đều có thủ thuật câu khách, lừa khách riêng. Ông lái lợn thì dựng độc chiêu bán cho khách phiên này, phiên sau mới lấy tiền. Khách tuyệt đối tin cậy vì nếu lợn ốm đau thì trả lại. Nhưng khách đã nhầm. Lợn thời đó nếu có mắc bệnh thì phải đến 10 ngày mới phát bệnh. Sau năm ngày khách vui vẻ trả tiền. Nhưng có biết đâu, phải đến 7 ngày sau lợn phát bệnh.
Ông lái gà có độc chiêu riêng, tay luôn cầm nắm gạo, thấy ai định mua, ông lái tung nắm gạo, gà tranh nhau mổ trông rất vui mắt và khỏe khoắn, khách dễ cắn câu. Biết đâu, giống gà có đặc biệt dù là ốm sắp chết, nhưng khi thấy gạo là vẫn cứ ăn, ăn cho tới thẳng cổ ra mà chết. Khác hẳn với vịt, ngan và ngỗng, cứ ốm là quyết không ăn.
Mấy ông lái gà chọi lại có độc chiêu riêng: thỉnh thoảng ông ta lại thả hai con gà mồi ra chọi nhau để câu khách. Còn các lái bao giờ cũng luyện được một con gà mái tuyệt đẹp, chấp nhận bất cứ một con gà con của bất cứ gà mẹ nào và nuôi như con mình. Khách xem gà mẹ thấy mê, biết đâu bị lừa.
Cụ bán gà chọi nổi tiếng thời 1955 ở chợ Mơ là cụ Lạc. Cụ có dáng tay chơi tiên phong đạo cốt, râu ba chỏm, mặt như khô mộc tiên sinh.
Trong chợ gà có một góc riêng dành cho những lái buôn mang gà Từ Hồ, Đông Cảo sang bán. So với các loại gà ta thì gà Từ Hồ, Đông Cảo đẹp như tranh vẽ, ai đi qua ngắm nhìn đều say mê: người nung núc những thịt, da đỏ gay. Thời đó, dân ta đói cứ nhìn gà ngồn ngộn thịt là mê. Còn loài gà Ri trên dưới một cân giá rẻ lắm, ngày nay thì ngược lại, ta lại mê ăn thứ gà Ri - gà đi bộ, gà Mạnh Hoạch. Còn gà Đông Cảo to như gà công nghiệp, trông đã ngấy đến tận mang tai.
Khách đi chợ Mơ sành thì họ đầy kinh nghiệm. Họ cũng không kém lái buôn, đón luồng hàng trực tiếp của nông dân từ Đuôi Cá, Vĩnh Tuy, Vọng… Khi đến chợ, họ đều nhẵn mặt các lái buôn, nên họ chỉ mua của người sản xuất. Lái buôn chó, mèo, lợn, gà… khác nông dân sản xuất ở chỗ họ đều dùng lồng nan sắt, còn nông dân dựng lồng nan tre.
Mãi sau này ta mới có khu bán cây cảnh, ngày xưa chợ chỉ bán cây và hạt giống: rau cải, su hào, bắp cải, rau cần… May lắm mới có một vài người bán hoa hồng, hoa sói… toàn những thứ hoa để cúng lễ chứ không ai bán cây cảnh cả.
Từ chợ Mơ ta đi lên hết đường Bạch Mai gặp con đê Đại Cồ Việt. Đê Đại Cồ Việt để ngăn khi lụt vỡ đê sông Hồng thì nước không tràn vào nội thành. Từ phố Huế ngược lên Bờ Hồ mới gọi là nội thành. Đã có lần đê Vĩnh Tuy, nước vỡ tràn về ngập lụt cả một vùng từ phố Bạch Mai đến huyện Thanh Trì nhờ có đê Đại Cồ Việt nên Thủ đô không bị lụt.
Từ dưới chùa Sét lên đến đê Đại Cồ Việt thời Pháp chỉ có một cảnh sát Pháp giữ trật tự trị an, người dân quen gọi là Tây Lùn. Tây Lùn một ngày chỉ lướt qua chợ Mơ và các khu một lần là trật tự đâu vào đấy. Sau khi hoà bình lập lại, ta chia Hà Nội thành bốn khu: khu Hai Bà Trưng, khu Hoàn Kiếm, khu Ba Đình, khu Đống Đa. Mỗi khu lại chia thành các tiểu khu, mỗi tiểu khu có một phái viên của quân lãnh đạo ban đại diện tiểu khu. Ban đại diện tiểu khu do dân tự bầu hầu như không có lương. Còn khu công an cũng thành lập mỗi tiểu khu một ban bảo vệ, ban bảo vệ cũng do dân bầu và không lương. Nhưng đặc biệt trật tự trị an rất tốt. Ngày nay, số cán bộ hành chính, cảnh sát tăng đến hàng nghìn lần, ngốn một khối lượng ngân sách khổng lồ mà vẫn không giữ được trật tự trị an bằng trước, chẳng biết vì đâu? Ngày xưa, cán bộ chuyên nghiệp cũng như dân bầu thanh liêm lắm.
Đầu Bạch Mai, cuối phố Huế là khu chợ giời. Chợ giời là điểm nóng của thời bao cấp. Chợ giời thành lập từ khi ký hiệp định Giơ-ne-vơ. Đồng bào vùng tạm chiếm theo lời kêu gọi của chính quyền Ngô Đình Diệm di tản vào Nam. Lúc đó, Hà Nội đầy những dũng chữ dụ dỗ đồng bào Thủ đô di cư vào Nam:

“Cụ Ngô thống nhất sơn hà
Già Hồ chia sẻ nước nhà làm đôi”
Sau này, khi nhà thơ Bút Tre nửa nạc nửa mỡ đề thêm vào câu thơ này bằng cái kiểu rất Bút Tre:
“Trên rừng con khỉ đánh đu
Thằng Ngô Đình Diệm mút cu cụ Hồ”
Trước khi di tản, người Hà Nội mang tất cả gia sản ra bầy bán tại hè phố Hà Nội như thời ta xua đuổi người Hoa, họ cũng bầy bán gia sản tại các vỉa hè Hàng Buồm, Hàng Chiếu…
Nơi đồng bào di cư bầy hàng bán nhiều nhất là quanh hồ Ha-le. Vì chợ họp giữa trời nên gọi là chợ giời. Phóng viên báo Tia Sáng thời đó bảo là chợ “Rời”, nghĩa là vật rời khỏi chủ. Sau khi bán hết gia sản như chó, thậm chí bán cả nhà cửa, người Hà Nội xuống tầu há mồm ở Hải Phòng di cư vào Nam. Chợ giời ra đời từ đó.
Sau cái thời hỗn loạn linh tinh, quân ta chưa tiếp quản xong xuôi, quân địch chưa đi hẳn, Hà Nội hỗn độn lắm. Các băng cướp nổi lên. Nhân dân mỗi gia đình treo cái mâm ở ban công, và tích luỹ gạch ngói, chai lọ, khi có cướp báo động mọi người thi nhau gõ mâm đồng, thấy cướp chạy dưới thì ném vỏ chai và gạch đá xuống. Dân Hà Nội tự vệ kiểu này nên cũng dẹp được nhiều toán cướp thời tranh tối, tranh sáng.
Khi ta đã ổn định chính quyền, chợ giời chuyển về khu Thịnh Yên, trông ra cuối phố Huế.
Khu chợ giời trở thành một tụ điểm buôn bán nổi tiếng nhất Hà Nội. Những mặt hàng chiếm vị trí mạnh nhất thời đó: xe đạp, đồng hồ, loa đài…
Nhà nước rất nhiều lần dẹp chợ giời, chợ giời bung ra rồi tụ lại như hòn đá ném xuống ao bèo. Vì chắc chắn có người muốn bán hàng mình thừa, có người muốn mua thứ mình thiếu. Không thể xóa bỏ điều hiện thực này, không thể chống lại quy luật tạo hoá, nên chợ giời dẹp chỗ này lại phình ra chỗ kia. Sở công an Hà Nội vật lộn với chợ giời cũng giống như Đông-ky-sốt đánh cối say gió, như Lý Bạch:
Uống rượu tiêu sầu lòng thêm sầu
Rút gươm chém nước, nước chảy mạnh thêm
Các lực lượng cảnh sát, mật có, công khai có, đồn có cảnh sát mật của đồn, quận có cảnh sát mật của quận, tỉnh có cảnh sát mật của tỉnh, các lực lượng cảnh sát nhiều khi bắt lẫn nhau, quân ta lại bắt quân mình. Nhiều lúc thành quẩn. Ra lệnh cấm họp chợ, nhưng chợ giời là chợ mà không phải chợ, các con phe cứ lững thững chỉ đi tay không, ai cần gì, hỏi họ sẽ dẫn đến chỗ có hàng. Vô lý lại đi bắt người đi tay không, mà có bắt thì cũng như bắt cóc bỏ đĩa. Có lần ta chụp ảnh tất cả những người buôn bán ở chợ giời đem bêu ra giữa phố. Chính dân phe đứng dưới ảnh mình, ai đến xem, phe bảo:
- Xem làm gì mấy tên phe đấy mà.
Trông ảnh bọn phe, nhìn xa cứ tưởng là ảnh giới thiệu ứng cử hội đồng nhân dân phố.
Đúng là bán hàng cũng phải có duyên. Cùng phe tem phiếu tay không, cùng đứng một chỗ mà có người lãi gấp mười lần nhau.
Nghĩ cũng buồn cười, nhiều nơi phe thuốc Tây lại là người mù, người mù lại bán thuốc Tây. Đến người sáng không có bằng dược sỹ cũng không được phép bán, ví rằng người mù bán thuốc Tây, công an có bắt lên đồn đành phải tha, bắt người mù cũng khó giải quyết, nên những người bán thuốc Tây vỉa hè toàn mù tịt, trình độ thường mù chữ, đứng cạnh là cố vấn mặt trông như kẻ cướp.
Bất cứ ai đi qua khu chợ giời cũng bị hỏi:
- Có gì mua, có gì bán không?
Nhiều ông bạn đùa với cô phe:
- Chỉ có thẻ đàn ông thôi, em có mua không?
Còn trong nhà vệ sinh công cộng gần chợ giời thì đầy những giấy tờ. Kẻ gian sau khi móc túi khách, vào nhà vệ sinh móc hết sạch tiền bạc và vứt chứng minh thư và các loại giấy tờ. Chợ giời người đi đông như kiến, nhiều khi kẻ cắp trở thành kẻ cướp. Ai giắt xe đạp vào chợ bán là tất cả vây chặt rồi thả cửa móc túi hoặc vặt đồ phụ tùng xe. Khi chủ xe tháo chạy khỏi đám đông mới biết đã bị lột sạch.
Công an hoạt động ở chợ giời cũng có nhiều kinh nghiệm. Để truy lùng kẻ cắp chợ giời, công an thường có kinh nghiệm nhìn xuống đất, người lương thiện thì hay đi dép lê không quai hậu, còn kẻ cắp thường đi dép nhựa tiền phong cài quai hậu chặt chẽ. Theo báo cáo của công an, cứ mười người bắt ở chợ giời đi dép nhựa có quai thì có đến tám là kẻ cắp.
Có lần vì bí quá, công an đành dùng hạ sách: bất cứ ai đi qua khu chợ giời dù là công an, hay cán bộ nhà nước đều bị bắt chở cả xe cộ lên tỉnh để thanh lọc rồi sẽ thả ra sau. Mặc dầu đã dùng cả đến biện pháp cuối cùng mà chợ giời vẫn tồn tại.
Thế rồi, cái gì đến sẽ đến, cái gì đi sẽ đi. Sau thời gian mở cửa nền kinh tế xã hội đi đúng với quy luật, chợ giời tự tan rã. Cái phố chợ giời xưa đông như tổ kiến, nhà nước không làm sao giải tán nổi thì nay tự tan.
Một lần, tôi ngồi trên tầng 4 ngôi nhà giữa chợ giời với ông Doanh, người buôn bán loa đài lâu nhất ở chợ giời. Ông Doanh chỉ xuống phía dưới bảo:
- Tôi thấy chợ giời xưa ta dẹp không nổi mà nay lại tự tan, không thể ai chống nổi đạo trời. Còn bọn lưu manh quanh chợ giời, tôi theo dõi 30 năm nay chẳng đứa nào thành người cả:
“Đạo cao một thước
Ma cao một trượng
Cửa Phật bao dung
Đừng quên báo ứng”

Ô CẦU GIẤY
Từ Ô Cầu Giấy vào thăm Thủ đô, phải chờ tầu điện ở gần Voi Phục. Tầu điện từ Bờ Hồ tới đây là hết đường. Cuối đường tầu có barierre chắn lại. Barierre làm bằng Tà vẹt tầu. Kỷ niệm khó quên của sinh viên trường Đại học Sư phạm là đoạn đường từ trường tới bến tầu dài đến gần 2km, sinh viên phải cuốc bộ. Voi Phục thời 1950 đối với người Hà Nội coi như xa lắc. Học sinh Hà Nội đi cắm trại ở Voi Phục có cảm tưởng như ngày nay ta lên tận Sa pa.
Ô Cầu Giấy có nhánh bên phải về Ô Chợ Dừa. Mọi người cũng khó hiểu tại sao hai lần Fran-xi-gác-nhiê và Hăng-ri-vi-e kéo hơn trăm lính ra Bắc Hà chiếm Hà Nội như bỡn. Mặc dầu, lúc đó trấn thủ trong thành Hà Nội có đến hàng vạn quân mà Nguyễn Tri Phương thì tử thương, còn Hoàng Diệu thì tự tử. Thế mà cái đội quân Pháp bách chiến bách thắng lại bị quân cờ đen chặt đầu dễ như củ chuối, vào năm 1874-1884. Có lẽ người Pháp thấy nhục cho nên cũng không nhắc nhở tới hai tên bại tướng này. Còn ta cũng thấy nhục vì trong tay thiên binh vạn mã mà thua nhục nhã. Ta nhục, Pháp nhục, nên sau đó ngôi mộ này ta đào đi mà dân cũng chẳng biết ở xó xỉnh nào, Pháp cũng chẳng nhắc tới. Chứ không như gò Đống Đa, người Tầu thì thờ Tôn Sỹ Nghị coi như kẻ anh hùng nghĩa khí. Ta lại tự hào vì chiến thắng và bức tử được kẻ anh hùng Tôn Sỹ Nghị. Một trận đánh mà hai bên cùng thắng, ngược lại với Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương và Pháp thì hai bên cùng thua.
Giữa khách sạn Daewoo và Trúc Sơn Dạ Quán xưa là cái gò dài, có con đường mòn đi bộ hoặc xe đạp ở giữa. Cái gò này cách đường xe điện Cầu Giấy gần 200m, gò có hàng muỗm cổ thụ cao chót vót. Chân hàng muỗm kéo đến đường nhựa là ruộng rau muống. Hàng ngày bà con vẫn ra hái đem vào Hà Nội bán. Hàng cây muỗm cổ thụ bên ruộng rau muống thu hút khá nhiều loại chim đến đậu, song trẻ con không thể dùng súng cao su bắn. Súng cao su bắn rất có hiệu quả khi buổi tối chim sẻ bay về ngủ ở các loại cây thấp như cây cơm nguội, cây bàng… Đặc biệt, nếu đêm soi đèn pin dùng ống sì đồng bắn thì có mà được hàng sâu chim. Ống sì đồng bắn không tiếng động, ta có thể hạ gục từng con một, còn súng cao su dễ gây tiếng động, chỉ bắn được một phát là tất cả chim bay đi hết.
Rồi cảnh dâu chìm bể nổi, khu cây cổ thụ bị đốn đổ để trở thành trung đoàn bộ của pháo cao xạ 234 bảo vệ Thủ đô, khu hậu cần gần sát khách sạn Daewoo, rồi đến ban tham mưu, ban chính trị, khu anh nuôi, khu chiêu đãi sở kề sát với Trúc Sơn Dạ Quán, Trường Sơn Dạ Quán bây giờ.
Đặc biệt khu chiêu đãi sở để dành cho vợ lính lên thăm chồng. Các chàng bộ đội khệ nệ bưng cơm lên bồi dưỡng vợ trước sự chọc ghẹo và thèm khát của đồng đội. Tất cả phòng chiêu đãi sở nếu ta quan sát kỹ thế nào cũng thấy bị đục một số lỗ để có thể lính tráng từ ngoài nhìn trộm cảnh làm tình của cảnh lính xa nhà gặp vợ.
Cũng có trường hợp hai cậu lính ngứa nghề hợp đồng đổi vợ. Một cậu đêm vào phòng vợ bạn hoàn thành tốt hợp đồng. Một cậu kia theo hợp đồng đêm mò vào phòng vợ bạn bị phát hiện, hô hoán ầm lên. Kết quả là hai anh lính này đều phải ra toà án binh.
Nhiều người còn được chứng kiến cảnh tượng hy hữu. Trước khi máy bay A3J rơi xuống phố Lê Trực, có một chị nông dân nghe báo động, bom đạn choáng tai hốt hoảng ngồi thụp bên hè phố, lấy nón che người, mặt xanh lét. Đồng chí dân phòng đeo băng đỏ vội dắt chị nông dân xuống hầm công cộng. Máy bay A3J rơi ngay xuống cạnh cửa hầm, phá nát ô tô chở xăng, ngọn lửa bùng cao tới nóc nhà và chùm vào chiếc hầm công cộng. Chị nông dân như ngọn đuốc Lê Văn Tám chạy sang đường túm lấy ông bảo vệ chỉ kịp nói:
- Nếu ông không bắt sang hầm có phải tôi vẫn sống không!
Nói xong, chị nông dân gục xuống. Một lúc sau chỉ còn là một đống than. Không ai biết nạn nhân ở đâu để báo cho gia đình biết.
Dân quân ở nhà máy in Tiến Bộ tiếp đạn cho trận địa pháo C35 đóng ở cạnh sân vận động Hàng Đẫy reo mừng vỡ trời khi thấy máy bay Mỹ rơi gần trận địa tưởng là đơn vị mình bắn trúng. Thật ra thì trận chiến đấu đó, đơn vị C35 chỉ bắn tan dãy đèn cao áp cao ngất ngưởng trên sân vận động Hàng Đẫy thôi!
Về Đầu Trang Go down
duonghip




Tổng số bài gửi : 68
Join date : 12/03/2013

Cửa Ô Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Cửa Ô   Cửa Ô Icon_minitimeTue Jun 25, 2013 8:07 am

Ô YÊN PHỤ
Từ phía Bắc vào nội thành Hà Nội, ta được ngắm các bốt Boong-ke có từ thời Pháp. Boong-ke này đặt ở ngã ba, một phía lên Phú Thượng, một phía vòng Hồ Tây về Bưởi, một hướng xuôi phía Nam về Yên Phụ. Hương vị Hà thành từ Hồ Gươm toả đến bốt này là hết vị. Qua cái bốt ngược lên Phú Thượng, người Hà Nội thường dừng lại trước cái bốt này, và khách bát phố coi đây là một điểm đặc biệt bên đường, nhất là khi trông thấy cái bốt boong-ke giăng kín dây thép gai, con chuột chạy không lọt, treo lơ lửng mấy vỏ bao thuốc lá và đồ hộp quăng đầy dưới chân. Thật ra, khi lãng tử Hà thành vượt qua cái bốt sẽ được thưởng thức cảnh sông nước kỳ thú. Thời xưa, cảnh đê Phú Thượng đẹp lắm. Đặc biệt, có cây gạo cao chót vót, hoa gạo nở đỏ rực, dưới bãi cỏ đầy hoa rơi. Trên cao, chim sáo, quạ, diều hâu đậu đầy, kêu ríu rít. Tụi trẻ con giương súng cao su bắn không tới, đạn rơi xuống đất thành đường cầu vồng.
Còn đoạn đê từ Boong-ke vòng sang Bưởi, hoặc về đến Quảng Bá là nơi chăn thả từng đoàn bò. Sáo sậu và sáo đen đậu trên lưng bò hàng đàn để tìm bắt ve, bọ cho bò. Có chú sáo ngoáy mỏ vào tận lỗ tai bò để bắt ve, khiến bò chạy vùng lên. Ác nỗi tụi sáo sậu và sáo đen tinh lắm, tụi trẻ chỉ giơ súng cao su lên là bay mất, chứ không như sáo đen và quạ ở Malaisya dạo chơi quanh đám người đông. Cuối cùng thì bọn trẻ vẫn thông minh hơn chim, một đứa đạp xe, một đứa ngồi đằng sau giương súng cao su lên bắn. Lúc đầu hạ được một số chim sáo. Sau đó, chim cũng khôn theo người, cứ thấy bóng xe đạp là bay vù mất.
Từ Boong-ke về đến Quảng Bá, một bên đê là cánh đồng, một bên đê là làng xóm quanh hồ. Quảng Bá, Nghi Tàm có bể bơi ngoài trời duy nhất của Hà Nội. Nếu đi từ Hà Nội lên rẽ đường chính vào thì phải mua vé, còn nếu từ trên đê đi tắt qua cánh đồng thì không mất tiền.
Bể bơi xưa rất đơn giản, trên bờ có gian nhà lá để thay quần áo, tuyệt đối không có máy nước để tráng người. Trên sân có một xà đôi và một quả tạ giành cho người yêu thể thao. Bể bơi có cái cầu phao dài khoảng 30m dẫn đến cầu nhẩy. Có lần, một người lặn bị mắc kẹt trong cầu phao, khi xác chết bốc mùi nồng nặc mọi người mới phát hiện ra, bể bơi phải đóng cửa một tuần lễ.
Trông nom bể bơi là Tỷ Điếc, người đẹp như một vận động viên thể hình. Tỷ Điếc cũng là một vận động viên bơi lội thường thường bậc trung. Thời ấy, phong trào bơi lội của ta kém lắm. Nguyễn Văn Cử giữ kỷ lục bơi tự do rất nhiều năm. Nguyễn Văn Cử bơi theo kiểu lai căng giữa bơi ếch và bơi sải. Về mặt kỹ thuật bơi lội, Cử còn kém cả những người bơi lội nghiệp dư của các bể bơi Hà Nội hiện nay. Sau đó, những con “cá kình” Hồ Tây dòng họ Quách Cương bá chiếm nhiều năm. Trước kia, họ thường tổ chức thi bơi vòng quanh Hồ Tây, Hồ Hoàn Kiếm, sau thì bỏ hẳn.
Người Hà Nội hẳn nhớ cảnh buổi sáng mùa hè, đạp xe từ Hồ Gươm lên bể bơi Quảng Bá lúc sáng tinh mơ. Thường xuất phát ở nhà lúc 5 giờ sáng thì 6 giờ tới nơi. Sở dĩ đi chậm vì đoạn đê giữa Yên Phụ đến Quảng Bá trồng đầy ổi. Ổi chín vàng ươm, chúng tôi thường mắt trước mắt sau không thấy ai canh là a la xô xuống vặt ổi trộm. Của ăn vụng dù có hái được quả xanh, ăn chát xin xít đến bứ cổ vẫn thích. Nếu chẳng may bị người canh bắt được thì cũng đến hoà, người canh ổi bắt được kẻ trộm ổi, họ cũng không đánh đập gì mà chỉ xua đuổi đi thôi. Buổi sáng mùa hè mà được đi tắm Quảng Bá thật thú vị, ra đi từ lúc mờ sáng, đường còn đèn, đến hồ sương còn phủ, xuống nước lúc đầu ngại vì hơi lạnh, nhẩy ùm xuống một lúc thấy mát rượi tới tận tâm can. Sau khi vùng vẫy, nô rỡn thoải mái, độ 1 giờ là về, lúc này ánh mặt trời đã bắt đầu gay gắt, bụng đói cồn cào, ai lo xa thì mang khoai luộc đi ăn. Bụng đói được ăn khoai luộc thấy thật chắc dạ. Còn những người quá đói thì nhẩy bừa xuống hái trộm ổi, nếu có bị người canh bắt được thì đến cười trừ là hết chuyện.
Sau thời kinh tế mở cửa, cơn sốt xây nhà biệt thự quanh Hồ Tây nổi lên, rừng ổi bị chặt trụi. Lúc đầu, Hồ Tây lơ thơ tô điểm một vài ngôi nhà biệt thự đẹp như trong mơ.
Nay thì nhà xây lên vô tổ chức trông như một đống kiến trúc lổn nhổn. Nhìn từng ngôi nhà ta thấy đẹp như nhà Tây, nhìn tổng thể lại thấy ngược lại.
Đường Thanh Niên xưa nhỏ, nhưng đẹp và thơ mộng hơn bây giờ. Đẹp vì con đường Cổ Ngư trông xa như một dải lụa vắt ngang giữa hai hồ: Hồ Tây và Hồ Trúc Bạch, hàng hoa phượng vĩ đỏ rực như gấm thêu trên lụa. Nay thì đường mở rộng, các cây cối che khuất mất hàng phượng vĩ.
Hồ Tây có hai vụ chết gây xúc động: một vận động viên bơi lội vô địch đã chết vì chuột rút; đoàn văn công Trung Quốc đi chơi hồ đã bị một cơn lốc cuồng phong cuốn chìm trong một ngày trời đẹp. Tất cả mọi phương tiện cứu hộ đều bất lực. Thời Pháp, chỗ dốc Hồ Tây có khu vui chơi “Tiểu Đồ Sơn”, nhà thuyền Hùng Nhân. Sau này, Nhà nước ta làm thành chỗ cho thuê du thuyền. Ngày trước phải là tay chơi mới dám bỏ tiền ra thuê thuyền. Có hai cậu thanh niên cố dành dụm ít tiền, thuê chơi thuyền một bữa xả láng. Ác nỗi hôm đó nắng gắt. Một cậu bảo:
- Nắng quá, anh cho em vào bờ nghỉ một chút không thì mệt chết.
Cậu kia quát:
- Chết thì chết, đã mất tiền thuê thì phải đi.
Đường Thanh Niên trước gọi là đường Cổ Ngư. Ngày xưa vua Lê, Chúa Trịnh du thuyền trên Hồ Tây thường bắt cung nữ giả làm người bán hàng trên đường Cổ Ngư để các vua, chúa vào giả vờ mặc cả mua bán, bỡn cợt cho vui.
Sau ngày đầu giải phóng, học sinh Chu Văn An, Nguyễn Trãi ra sức kéo đất từ sông Hồng lên để đổ đường rộng ra như ngày nay.
Ngày ấy, học sinh đói lắm, phải kéo xe bò đất qua dốc Yên Phụ thở hồng học, vã mồ hôi. Nhưng khí thế lao động thì hừng hực. Bây giờ nghĩ lại cũng chẳng sao giải thích nổi. Nếu học sinh nào dù có giỏi nhất lớp mà lao động kéo xe bò đất thiếu nhiệt tình thì mọi thành tích đều sổ toẹt. Ngày xưa Hồ Tây kéo sát đến cây đa trước cửa đền Quán Thánh. Vườn hoa Lý Tự Trọng trước là hồ sen. Sau khi được thanh niên học sinh san lấp đi, Bác Hồ đã đổi cái tên đầy lịch sử Cổ Ngư thành Thanh Niên, rồi đặt tượng Lý Tự Trọng để thờ.
Ngày quân Pháp rút khỏi Hà Nội đã cho giật mìn phá chùa Một Cột, xác chùa Một Cột đem đổ xuống Hồ Trúc Bạch gần quán bánh tôm. Chùa Một Cột ngày nay là tân thời, xây lại bằng bê tông cốt sắt.
Có dạo du khách các nước Hồi giáo tham quan Hồ Tây, thấy nhiều đôi trai gái làm tình từ tượng Lý Tự Trọng tới chùa Trấn Quốc. Dáng các đôi làm tình đều đứng, ngồi ở các tư thế khó, họ ôm nhau bất động như La Hán, người Hồi giáo gọi là “khám bệnh”, họ không hiểu được người Việt sao lại “khám bệnh” giữa ban ngày.
Người Hà Nội xưa đi qua đường Thanh Niên cũng có những cảm giác hụt hẫng. Thứ nhất, phía Hồ Trúc Bạch xưa có đền Cẩu Nhi, Cẩu Mẫu như ốc đảo ven hồ, trông rất ấm cúng. Sau đó, chẳng hiểu vì sao lại bị phá đi rồi biến thành restaurant, sau bị nhiều nguời phê phán, lại bỏ hoang. Rồi tranh cãi xây lại như xưa. Chủ yếu chắc cũng như thường lệ: kết quả bằng con ruồi, mà chi phí bằng con voi. Cuộc bàn luận đền Cẩu Nhi, Cẩu Mẫu rồi cũng như cuộc bàn luận về bảo vệ rùa ở Hồ Gươm, có nhà học giả bảo: “Cần bảo vệ con rùa”, nhà Hà Nội học mắng: “Cụ rùa đến nghìn tuổi có vô văn hóa mới gọi cụ là con”. Cuộc họp bất phân thắng bại. Con rùa hay cụ rùa?
Còn cái quán bánh tôm đặc sản Hồ Tây thời bao cấp phải xếp hàng có khi từ sáng tới chiều mới được ăn đĩa bánh tôm. Đi trên đường Thanh Niên nhìn người ăn bánh tôm trong nhà hàng mà cứ tưởng họ đang hưởng lạc ở Niết bàn.
Xưa, Hồ Trúc Bạch có một khu nhà 8 mái gọi là nhà Kèn, nay biến thành nhà khách Bộ quốc phòng. Cây đa trước cửa đền Quán Thánh trước có một đôi, nay còn một cây thôi. Nguyên do là trong giai đoạn chiến tranh phá hoại, mục tiêu chính của không quân Mỹ là đánh sập nhà máy điện Yên Phụ. Bom thời Ních-xơn gọi là bom thông minh. Sau khi máy bay do thám chụp được hình mục tiêu, thì bức hình gắn vào bộ nhớ của bom. Bom sẽ tự động đi tìm mục tiêu. Muốn bảo vệ được nhà máy điện, trước tiên phải bịt mắt được bom thông minh Ních-xơn, bằng cách khi có báo động, ta tổ chức một đơn vị bộ đội phun khói đen, nên gọi họ là đặc công lính khói. Mỗi khi có báo động cả khu vực quanh nhà máy điện, quanh Hồ Trúc Bạch lan đến một phần trời Hồ Tây, khói đen mờ mịt.
Bịt mắt bom thông minh còn cần cả hoả lực pháo cao xạ. Trực tiếp bảo vệ nhà máy điện gồm bốn đại đội: C33 pháo 57 C anh hùng đóng ở bãi Nghĩa Dũng; đại đội pháo cao xạ 37 ly đóng ở giữa Hồ Tây; đại đội 57 ly C30 đóng trên đường Thanh Niên; trung đội 14 ly 5 đóng trên nóc nhà Quốc hội.
Riêng tầm ngắm bắn của C30 trên đường Thanh Niên bị hàng cây phượng vĩ, cây đa trước cửa đền Quán Thánh cản trở. Lệnh đơn vị là chặt phá mọi vật cản tầm ngắm để tiêu diệt kẻ thù bảo vệ Phủ Chủ tịch, nhà máy điện, trái tim của Thủ đô. Đơn vị chặt một cây đa trước cửa đền Quán Thánh, đang phá hàng phượng vĩ thì tin này đến Phủ Chủ tịch. Lệnh của Bác Hồ là tìm mọi cách bảo vệ mục tiêu, nhưng không được phá cây. Không phá cây mà vẫn bảo vệ mục tiêu, thì đơn giản nhất là phá khu nhà Kèn giữa Hồ Trúc Bạch để đặt trận địa pháo. Thế là khu di tích lịch sử nhà Kèn đã bị xe xích ủi đổ, xác của nhà Kèn bị quẳng xuống hồ gần xác của chùa Một Cột do Tây phá được “an táng” gần nhau trong lòng hồ Trúc Bạch. Tiếc rằng mộ chí của chùa Một Cột và khu nhà Kèn không có bia tưởng niệm, chỉ còn bia tưởng niệm nơi bắt sống phi công Mỹ rơi xuống hồ Trúc Bạch, có lẽ bia này nay không phù hợp nữa.
Thế là khu nhà Kèn, di tích lịch sử biến thành trận địa pháo 57 ly, C30.
Có câu chuyện cũng hay, anh em bộ đội pháo trong giờ rỗi thường dùng dây điện đánh cá để cải thiện bữa ăn. Có lần thả dây điện xuống nước chỗ gần bờ để bắt cá, ai ngờ ụ pháo hình tròn che lấp phần phía có hai đồng chí công an, đóng ở 192 Quán Thánh, phía sau sát trận địa pháo, đang tắm đã bị giật, may không ai bị chết. Chuyện đụng độ vặt giữa công an và bộ đội giải quyết rất êm thấm với khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.
Bộ đội hồ Trúc Bạch được ưu tiên đặc biệt, sang cửa hàng bánh tôm ăn không phải xếp hàng. Mà đã có cô bán bánh tôm, có anh bộ đội hẳn phải có chuyện giăng mắc tơ tình. Cậu bộ đội lái xe, đẹp trai loại nhất đơn vị tên là Thìn được các cô bán bánh tôm cho lọt vào cặp mắt xanh. Cậu Thìn, lúc đó là thượng sỹ, lái xe, cánh lái xe tán gái có hạng, lại đẹp trai như Thìn mới có đủ khả năng cưa đổ cô hàng bánh tôm. Thời bao cấp ấy, cô nào bán hàng lương thực coi như cô tiên. Bán lương thực, bán cái ăn là bán sự sống, như chúa Jesus ban phúc lành cho nhân loại.
Còn đơn vị pháo 37 ly, C64 đóng ở giữa Hồ Tây lại có một niềm vui khó tả đó là khi mang ống nhòm, hoặc máy đo xa nhìn vào phía đường Thanh Niên thấy từng đôi nam nữ ngồi sau bụi cây, hướng ra ngoài mặt hồ, tưởng là kín đáo, nên cùng nhau mân mó, làm tình. Nhiều khi được xem người khác làm tình lại được hưởng khoái cảm dai dẳng hơn là được làm tình. Chuyện này rồi cũng lộ, sau đó chính trị viên cấm, anh em chỉ đành xem trộm, ống nhòm, máy đo xa chỉ nhìn lên trời xanh, thỉnh thoảng ngó không thấy cán bộ mới dám lia vội vào phía đường Thanh Niên để… cải thiện.
Ở giữa hồ còn có thú vui, lia máy đo xa về phía Quảng Bá sẽ được ngắm những bãi lau, sậy lan xa đến mặt hồ:
“Vi lau san sát hơi may
Một trời thu để rừng say một người”
Có lần, một phái đoàn Pháp đến thăm đơn vị. Vì đây là đơn vị pháo 37, nên được phép tiết lộ bí mật cho phái đoàn nước ngoài, riêng pháo 57 thì cấm. Phái đoàn Pháp phát biểu rất cảm động về ba vấn đề:
*Thứ nhất, khi ngắm vết đạn thành cửa Bắc, họ bảo: ngay như chiến hạm mà khẩu pháo của Pháp do Hăng-ri-vi-e, Frăng-xi-gac-nhi-ê bắn vào thành cửa Bắc ta hiện chưa chế tạo được, mà ta lại bắn rơi được máy bay siêu hiện đại của Mỹ.
*Thứ hai, họ vẫn thấy những toa xe điện méo mó, tã tời chạy leng keng trên đường Quán Thánh, họ khen ta là giữ lâu dùng bền, thứ xe điện này thế giới đã thải cách đây cả nửa thế kỷ.
*Thứ ba, họ khen ta, trong chiến đấu ác liệt vẫn lạc quan, vừa bắn máy bay xong lại ra thanh thản ngồi câu cá, mang ống nhòm ngắm phía đường Thanh Niên (vì họ không hiểu anh em đang sung sướng ngắm các đôi nam nữ làm tình).
Cách bắt cá ở đại đội pháo giữa hồ rất đặc biệt. Trận địa pháo giữa hồ làm bằng những thùng tên lửa neo lại với nhau. Nếu ta dùng một chòng sắt hoặc gỗ thọc mạnh vào bụng thùng tên lửa sẽ có tiếng vang tần số mạnh dưới nước. Cá sợ nhẩy lên trên trận địa hàng đàn.
Còn cách kiếm cá thứ hai, khi công ty Hồ Tây kéo lưới cá, anh em bộ đội mời họ thuốc lá. Sau đó, họ sẽ thể hiện tình cảm quân dân như cá với nước, đem trao đổi với anh em bộ đội cá lấy thuốc lá hút, thì chỉ có quyền khen trở lên, chứ thời ấy đố ai dám mang ra phê bình, phê bình thì chỉ có là phản động. Chỉ tiếc sau này mới biết Phùng Quán cũng ngồi câu trộm cá ở Hồ Tây mà mình không biết, mà có biết thì bố bảo cũng không dám quan hệ với tên Nhân văn Giai phẩm khét tiếng này.
Trận địa pháo giữa Hồ Tây buộc một cái dây cáp từ trận địa vào tới trường Chu Văn An. Lớp học của trường Chu Văn An biến thành bếp của anh nuôi. Anh nuôi bíu vào dây cáp kéo thuyền chở cơm ra trận địa.
Tất nhiên, họa – phúc thường liền kề nhau. Đồng chí quản lý tưởng là trận địa ở mãi giữa hồ, không phải bỏ tiền mua cá, đã lấy hết tiền quỹ sắm sửa, ăn chơi. Khi đánh đùng một cái, nghe tin đơn vị cơ động rời lên bờ thì ngã ngửa người ra, và phải về quê xin tiền vợ, vay mượn tiền anh em đơn vị để đắp điếm vào chỗ quỹ hở.
Có một chiến sỹ C64 đóng giữa hồ, khi nhìn vào ngôi trường Chu Văn An lòng không khỏi bồi hồi, vì lớp lớp kỷ niệm dập dờn trên sóng nước đầy ắp tâm hồn. Chiến sỹ này là học sinh trường Chu Văn An cũ, lớp học cũ nay đã thành bếp anh nuôi.
Những kỷ niệm xưa như khói, như mây bay về. Anh bộ đội lại thấy những người muôn năm cũ: đây là hình ảnh vợ chồng thầy giáo dậy pháp văn người Pháp tên là Tông-gác. Thầy cô Tông-gác dáng người mảnh mai, mang đầy đủ phong cách của người thầy mẫu mực. Giữa thầy cô và học sinh người Việt, ông bà Tông-gác cao hơn một cái đầu.
Học sinh thời đó đầy sục sôi tinh thần Cách mạng. Họ sẵn sàng ra đi bất cứ đâu khi Cách mạng yêu cầu. Sau khi ra trường, học sinh Chu Văn An sẵn sàng đi xây dựng đất nước ở bất cứ nơi nào khó khăn nhất. Lúc đó, câu thơ của Bùi Minh Quốc nguyên học sinh của trường làm rạo rực tâm linh tuổi học trò:
“Đây miền Tây núi rừng giang tay đón
Những con người sung sướng nhất trần gian
Là được lên đây đem sức lực căng tròn
Với sứ mệnh vinh quang: vỡ đất”
Buổi nghe nói chuyện của nhà hùng biện Việt Phương khiến hồn trẻ như bốc lên tận mây xanh. Thầy dậy vẽ Nguyễn Dung đã mất lâu rồi, còn thầy dậy nhạc Nguyễn Quỳ nay vẫn sống, nhưng giọng nói đã khác xưa. Mọi người bảo giọng thầy xướng âm như tiếng chim hót trong bụi mận gai.
Đặc biệt, trường Chu Văn An được nhiều lần Bác Hồ đến thăm. Trong một buổi nói chuyện với tổng thống Pra-xát của Ấn Độ, Bác Hồ nói về thành tích ta đánh thắng đế quốc lớn. Còn Pra-xát lại trình bầy dân Ấn Độ tránh đụng độ với các đế quốc lớn. Sợ có sự dịch nhầm, Bác Hồ đã tự dịch lời của tổng thống Pra-xát ra tiếng Việt, để tránh cho các em học sinh trình độ chính trị non nớt dễ hiểu nhầm.
Học sinh Chu Văn An còn nhớ hình ảnh thầy Tòng dậy Anh văn, xương mặt to, dáng cao, đi hơi khòng. Sau giải phóng, ta bỏ học tiếng Anh, điều thầy Tòng xuống làm mộc. Một lần văn nghệ, thầy Tòng được mời biểu diễn kéo đàn Vi-ô-lông, thầy Bách dậy Pháp văn thì hát. Thầy Tòng mang cái đục kéo vào cái cưa bảo: “Thầy làm nghề thợ mộc lâu quá nên quên cả nghề đàn”. Ban giám hiệu tưởng thầy diễu cợt nhà trường, đã đề nghị đưa thầy đi cải tạo. Về sau, thầy sống chết thế nào không thấy ai nhắc tới.
Còn thầy Bách dậy Pháp văn mặt trái xoan, da trắng đẹp kiểu tài tử, chủ hãng thuốc lá Hàng Bông, thầy hát rất hay, trước là sỹ quan Đà Lạt Ngụy.
Có lần một cậu học sinh từ kháng chiến trở về, cậu học sinh này chưa quen nếp người Hà Nội, đã dí sát mồm vào mặt thầy nói:
- Xin phép thầy cho em ra khỏi lớp để đi tiểu.
Thầy Bách bất ngờ tát vào mặt cậu học trò mắng:
- Không biết phép lịch sự, mồm hôi không chịu đánh răng lại thở vào mặt thầy.
Sau đó, thầy Bách bị bắt đi cải tạo mấy năm. Khi thầy được thả, học sinh đến thăm, thầy bảo:
- Khi ở tù, thầy quyết bảo vệ sức khoẻ, ngày ngày đều tập khí công, thầy quyết sống để thấy sự thay đổi cuộc đời. Hôm nay, thầy rất mãn nguyện khi thấy đất nước này đã mở cửa, cuộc sống đã được thay đổi một cách rất tốt đẹp. Những cái sai lầm ấu trĩ xưa được xóa sạch. Nhưng mối hận của thầy có thể nên quên đi nhưng không bỏ đi.
Cũng như Lê Đạt thời đó phải sống cơ cực. Cho đến ngày chính cái hội nhà văn, nơi kết án Lê Đạt, lại phải tôn vinh Lê Đạt. Không biết Lê Đạt có cùng một ý nghĩ bên Hồ Tây như thầy Bách.
Nhận ơn phải nhớ trả ơn
Phú quý nhớ thuở mình còn hàn vi
Hận thù có thể quên đi
Nhưng ta không thể bỏ đi hận thù
Cách trường Chu Văn An một quãng là đền Quán Thánh. Nước Hồ Tây vẫn còn cau mặt với tang thương vì đền Quán Thánh còn cọc cạch một cây đa. Nhưng chắc khách cũng thanh tâm hơn, khi mặt đầu phía phố Quán Thánh có nhà tiếp khách của chùa rất trang trọng mà thời trước đặt ở đấy một đồn cảnh sát nghiêm trang, có lẽ vừa tiện cho việc giữ trật tự trị an, vừa để đánh tan tư tưởng mê tín duy tâm của khách thập phương. Thời 1990, võ sư Nguyễn Tỵ kết hợp với võ sư Nguyễn Bảo Sinh thành lập môn phái Nam Hồng Sơn ở đền Quán Thánh và ở 167 Trương Định.
Chiều chiều, khách đi hóng mát Hà Nội thường tập trung đông thưởng thức các thế võ của Nam Hồng Sơn. Các võ sinh mặc áo của môn phái, nghiêm chỉnh tu luyện về võ thuật, võ sinh ngồi tập khí công trông như các vị thiền sư. Tiếng tụng kinh, gõ mõ trong chùa nhịp nhàng ngân rung cùng sự uyển chuyển của các miếng võ dân tộc ngoạn mục, nhạt nhoà trong sương chiều. Phủ màn hương khói dưới những bóng cây cổ thụ, khiến người xem tưởng như đang lạc trong ngôi chùa cổ, chỉ khác một điểm là các võ sinh, võ sư chưa vị nào xuống tóc cả.
Thời thập niên 1980, tinh thần thượng võ dâng cao, khí thế ngút trời. Trai gái tấp nập rủ nhau đi tập võ. Người dân lành tập võ để phòng thân, công an tập võ để đi bắt kẻ cướp. Thời đó, cứ hễ va chạm nhau là thường dùng võ để giải quyết. Bây giờ thì con người mới ngộ ra thế võ mạnh nhất là võ kiếm tiền, nên mọi người chỉ đua nhau làm kinh tế. Một số tay anh chị thích thượng cẳng chân, hạ cẳng tay thì sau đó thường mắc nghiện. Cho nên bây giờ nếu có va chạm người ta ít đánh nhau hơn và thường chỉ dùng võ mồm để giải quyết. Hai phái võ mạnh nhất những năm đó là Nhất Nam của Ngô Xuân Bính và Nam Hồng Sơn của Nguyễn Tỵ. Xuân Bính đặt tên phái võ mình là “Nhất Nam” cho nên các phái khác giận lắm, họ bảo Xuân Bính kiêu căng cho là mình giỏi nhất dưới trời nam, chả là họ chiết tự từ chữ “Nhất Nam”.
Còn Nguyễn Tỵ nguyên là thầy giáo dậy ghi ta ở số 50, phố Hồng Mai, khi thấy phong trào võ lên cao thì nhẩy vào làm kinh tế. Nguyễn Tỵ cũng chưa thi đấu với ai, nhưng tự nhận là trưởng môn nhân, vì Nguyễn Tỵ cho rằng mình thừa kế chức trưởng môn nhân Nam Hồng Sơn của bố đẻ Nguyễn Tộ. Cụ Tộ là võ sỹ nổi tiếng, tôi có đến chơi nhà cụ nhiều lần. Có hôm tôi đang tìm cái mỏ lết để vặn đôi tai hồng xe đạp. Cụ bảo tôi, cụ chỉ cần dùng tay không mà cũng đủ để vặn đôi ốc tai hồng mà kìm cũng phải chịu. Cụ Tộ đã thi đấu nhiều trận, giới mãi võ giang hồ đều khâm phục.
Nguyễn Tỵ làm kinh tế giỏi hơn bố nhiều. Độ ấy, các võ sư thường có nếp sống cổ là mình đi ở ẩn, võ sinh phải tam cố thảo lư như Lưu Bị mới thu nhận. Riêng Nguyễn Tỵ là võ sư đầu tiên đăng quảng cáo, nên võ sinh theo học rất đông, nhờ trời cũng kiếm ăn được. Nguyễn Tỵ đăng quảng cáo ngay ở dưới chỗ trúng giải xổ số kiến thiết Thủ đô nên đập ngay vào mắt người đọc.
Còn lò võ Nam Hồng Sơn của Nguyễn Bảo Sinh và Nguyễn Tỵ có lần bị rắc rối to, nếu võ mồm không khéo chắc xẩy ra tỷ thí dễ đổ máu.
Chẳng là căn nhà cạnh lò võ của Bảo Sinh có người bán ống cống. Anh ta quảng cáo bằng cách viết to trên tường hàng chữ “Thăng long đệ nhất ống”. Giới lục lâm giang hồ lại tưởng là Nguyễn Bảo Sinh viết thách đầu toàn quốc. “Thăng long đệ nhất ống”, họ đọc nhầm thành “Thăng long đệ nhất ông”. Thế là các tay mãi võ rầm rập kéo đến đòi tỷ thí. May mà võ sư Nguyễn Bảo Sinh dùng võ mồm mới thoát khỏi cảnh đổ máu:
“Cao thủ đệ nhất võ môn
Cứ đấu với loại võ mồm là thua”
Từ năm 1990 trở về trước, chơi quyền anh coi như tính cao thượng của giới quý tộc. Từ năm 1990 cho đến nay, quyền anh bị hạ thấp, võ Tầu lên ngôi. Quyền anh bị đánh giá thấp vì tính tự vệ không cao bằng quyền Tầu, được dùng cả chân và các loại vũ khí. Quyền anh Châu Âu đã có bộ phận biến tướng từ boxing, được sử dụng thêm cả đá nên tính chất sát thương đối thủ cao hơn boxing.
Từ đền Quán Thánh theo đường chim bay độ 200m là nhà Quốc hội. Thời chiến tranh phá hoại, có một trung đội pháo cao xạ 14 ly 7 bảo vệ trực tiếp Phủ Chủ tịch, chính trị viên tên là Sinh. Trung đội pháo này có ưu tiên đặc biệt là được xuống phòng dưới xem đoàn văn công tổng cục chính trị biểu diễn cho các cán bộ cao cấp của Trung ương Đảng và Chính phủ xem.
Ngày 2/9/1969, đồng chí chính trị viên Sinh, mặt rất chân quê, về họp ban chính trị, nói là ở trên nóc nhà Quốc hội nhìn xuống qua ô cửa thấy có người đặt trong quan tài kính trông giống Bác Hồ lắm. Sau phát biểu đó, đồng chí Sinh đã chuyển công tác đi đâu không biết. Sau này nhiều lần họp hội cựu chiến binh của đơn vị E234, không ai gặp lại nữa.
Ngày 3/9/1969, toàn trung đoàn họp nghe đồng chí chính uỷ báo tin quốc tang Bác Hồ. Tất cả mọi người lặng đi, hôm đó trời mưa như trút:
“Đã mấy hôm rầy đau tiễn đưa
Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa”
Nhiều đồng chí bộ đội cũng sụt sùi khóc, không biết vì sao đồng chí chính uỷ đọc nhầm chủ tịch tang lễ Lê Đức Thọ thành Nguyễn Hữu Thọ.
Đặc biệt, trung đội pháo trên nóc nhà Quốc hội không được lên xuống trong ngày tang lễ Bác. Từ trước, tất cả mọi phương tiện hậu cần của đơn vị đều ở tầng một. Bị cô lập trên nóc nhà Quốc hội không có chỗ đi vệ sinh, tắm rửa thật nan giải. Chỉ có tối mới được kéo cơm từ dưới bãi cỏ lên nóc cho các chiến sỹ ăn. Lúc đó đơn vị được lệnh rút nhưng không rút ngay được, vì thời khắc ấy tất cả mọi sự sắp xếp trong nhà Quốc hội phải chờ ban tang lễ và chủ tịch là đồng chí Lê Duẩn quyết định.
Mãi sau mới được lệnh chờ đêm tối, không có ai phúng viếng, trung đội pháo cao xạ này mới được rút khỏi nóc nhà Quốc hội.
Mạng lưới pháo cao xạ vòng cung kéo dài đến bãi Nghĩa Dũng, nơi ngày xưa là chỗ đổ pháo hạm của Pháp do Hăng-ri-vi-e chỉ huy bắn vào thành Cửa Bắc còn để lại vết đạn sâu hoắm ở cửa thành năm 1884.
Có lần trận địa bị oanh tạc ác liệt. Một quả bom tấn thả trúng một khẩu pháo. Khẩu pháo nặng hơn chục tấn bị hất tung khỏi công sự. Toàn bộ chiến sỹ đều bị hy sinh. Một quyển nhật ký của đồng chí tên là Minh, rất có tài ban đêm đi bắt ếch ộp nên gọi là Minh Ộp. Quyển nhật ký của Minh Ộp, trang cuối cùng viết: “Đêm nay, ngồi trên khẩu pháo, ngắm dòng sông Hồng cứ chẩy xuôi chẩy mãi chắc sẽ qua con đê quê mình”. Hình ảnh anh và khẩu pháo in xuống dòng sông Hồng có trôi được về đến bến sông nơi vợ anh hàng ngày lội xuống gánh nước tưới bãi ngô non trên đồi không? Quyển nhật ký dính bết máu và lỗ chỗ bom bi, tôi nhặt được cất đi để sáng mai đưa cho đơn vị gửi về gia đình. Sáng hôm sau, quyển nhật ký vẫn còn tanh mùi máu.
Trận địa pháo bị oanh kích, cả mấy con bò của đơn vị cũng bị chết. Anh nuôi mổ bò ăn và mang một yến lên biếu trung đoàn bộ, một đồng chí khều ra trong miếng thịt bò có cả ngón tay bị lẫn vào. Thế là bữa cơm thịnh soạn mà không ai nuốt miếng nào. Tối đó, mọi người lên giường ngủ sớm, không ai còn kể chuyện tiếu lâm rồi cười ằng ặc lên một cách phồn thực.
Nghĩ tới tập truyện của tác giả trên quân chủng viết về “Một ngày trận địa”, mô tả bị bom tấn rơi trúng, khẩu pháo bay lên không trung. Trong khi đó anh em pháo thủ vẫn nhằm thẳng máy bay thù mà bắn, rõ là tác giả nói phét không biết ngượng. Lạ cái thời đó ta đọc mà vẫn tin.
Bộ đội pháo cao xạ không mệt nhọc như bộ binh, song lại rất ít được ngủ. Đồng chí nào cũng đói ngủ vì luôn luôn bị báo động. Chỉ có máy bay địch cất cánh từ sân bay Cò-rạt là đơn vị đã có báo động từ xa. Nghe tin tình báo địch sẽ đánh vào mục tiêu là tất cả phải trực chiến 100%. Anh em pháo thủ thường không được ra ngoài. Có cậu chiến sỹ nhờ tiếp phẩm mua hộ chiếc vé số. Cậu này ghi trộm được số của vé. Sau đó, anh lính lại nhờ cậu này đi xem kết quả hộ. Dạo ấy không có ti vi để biết kết quả xổ số. Cậu này đùa ghi luôn lên bảng số vé của bạn trúng số độc đắc. Cậu này nhẩy cẫng lên sung sướng, cố chờ trời sáng để đi xin phép đại đội ra lĩnh thưởng. Nhưng sáng đó bộ đội được lệnh 100% trực chiến đấu. Cậu này bàn rất kỹ sẽ mua cái gì, tặng ai, mua quà gì biếu gia đình. May có cậu bạn đồng hương thương cảm nói thật là bị cậu tiếp phẩm đùa. Cậu ta tức giận, xông lên định tẩn cho tiếp phẩm một trận, anh em can mãi mới được.
Năm 2006, tôi có dịp đến thăm một gia đình dưới bãi Phúc Xá. Tình cờ tôi đến đúng khu C Bộ C33. Cái sân chơi bóng chuyền nay đã biến thành đường nhựa. Căn bếp, nhà truyền thống, nhà C bộ đã bị chia hết cho các gia đình bộ đội. Khu trận địa pháo biến thành khu phố nhà binh. Đặc biệt, vùng quanh sân bay Bạch Mai, cả khu cánh đồng đã biến thành đường phố nhà binh.
Nhân dân hợp tác xã Khương Trung gửi đơn thắc mắc là bộ đội lấy đất của xã viên thời chiến để làm trận địa, thì không ai thắc mắc, thời bình lại chiếm đất làm nhà là sai. Mấy cậu bộ đội còn ở quân ngũ, thương cho chúng tôi phục viên trước năm 1975 ra về tay không. Còn sau này, đồng chí nào cũng được chia đất mặt phố rộng lắm. Những phố nhà binh này cũng đặt tên toàn tướng tá cả như: Vương Thừa Vũ, Lê Trọng Tấn…
Còn trận địa pháo đóng trên nền nhà Kèn tại Hồ Trúc Bạch thì bị biến thành khu kinh doanh restaurant của quân đội. Nghe đâu thành phố yêu cầu bộ đội trả đất để phục hồi di tích lịch sử nhà Kèn, chứ không thể để làm quán ăn trục lợi được.
Cao mưu hơn, bộ đội chuyển khu này thành nhà khách bộ quốc phòng, còn vẫn cho thuê làm phòng cưới, quán giải khát to và đẹp nhất khu quanh Hồ Trúc Bạch. Nhà khách này đeo biển số 1 và cũng oách số 1.
Nhờ cái nhà khách khổng lồ này mà các buổi họp cựu chiến binh, anh em lại được tập hợp nhau trên trận địa cũ mà lòng bồi hồi xúc động. Nhất là các anh em đơn vị pháo cao xạ 234. Khi đến khu nhà khách bộ quốc phòng này cố đi tìm xem khẩu đội 1,2 ... nay đang ở đâu, bếp anh nuôi ở đâu, C bộ ở đâu. Đồng chí Ngoạn, chính trị viên C30, ngồi trên chiến địa cũ lặng yên soi bóng mình xuống Hồ Trúc Bạch, cái bóng tan ra theo sóng nước, và nhoè ra trên khoé mắt rơm rớm lệ.
Ai đến thăm khu nhà máy điện ngày nay thấy thật tiêu điều. Những ngôi chùa cổ, những tháp chàm khi bị xuống cấp và chìm vào quên lãng lại có một vẻ đẹp huyền bí, thâm u của cảnh cỏ lan mặt đất, rêu phong dấu giầy:
“Đền Vũ Tạ nhện giăng cửa mốc
Thú ca lâu dế khóc canh dài”
Nhưng những kiến trúc hiện đại, hoặc khu trại lính khi bỏ hoang thì chỉ thấy thê lương.
Ngày xưa ấy, người Hà Nội được coi là khác dân các tỉnh ở chỗ: được dùng nước máy, được ăn gạo bông, điện lấp lánh.
Nếu ta đi xa Hà Nội, đêm tối nhìn bốn phương trời đen như mực, chỉ có phía Hà Nội, ánh đèn điện ửng hồng một vùng trời trong đêm tối mịt mùng. Cái khoảng sáng ấy đã làm xúc động những người Hà Nội đi xa nơi đèo heo hút gió để xây dựng công nông trường. Ban ngày lại đầy khí thế hừng hực, mộng tưởng về chủ nghĩa cộng sản làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu, còn đêm về thì nỗi buồn nhớ Hà Nội như một hiện hữu tràn về. Dạo ấy, thanh niên Hà Nội rời bỏ thủ đô đi xây dựng đất nước cũng mang tâm trạng bi tráng, hào hùng như người lính thời Tây Tiến trong thơ Quang Dũng:
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh mầu áo dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội giáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”
Ở công trường Đại Từ, Thái Nguyên có cậu thanh niên Hà Nội lao động tạp vụ. Cậu này trong một buổi tập xà đơn bị ngã bất tỉnh. Trước khi chết cậu ta ghi tất cả ai nợ nần tiền của bạn bè. Nhưng cậu ta lại ghi nhầm. Sau này làm bạn bè rất khó xử.
Cái nhà máy điện Yên Phụ, trái tim của Hà Nội, đều bị chính quyền cả ta lẫn địch vừa giữ, vừa phá.
Năm 1946, khi rút khỏi Hà Nội, ta đã phá huỷ nhà máy điện. Nhà máy điện lại được Pháp khôi phục. Từ 1946-1954, Pháp tìm mọi cách bảo vệ nhà máy điện, canh gác rất cẩn mật để phục vụ cho chính quyền thuộc địa.
Năm 1954, theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, Pháp rút khỏi Hà Nội. Pháp tìm mọi cách phá huỷ nhà máy điện, ta tìm mọi cách giữ. Biết bao tấm gương anh dũng của quân dân ta hy sinh bảo vệ nguồn sáng này, giữ sáng niềm tin cho chủ nghĩa xã hội.
Từ năm 1965-1972, không quân Mỹ tìm cách phá bằng được nhà máy điện, ta thì bảo vệ bằng mọi giá. Lúc đó nhà máy điện sơn đen nguỵ trang. Còn tầu điện chạy trong thành phố thì đổi bến để đề phòng máy bay oanh kích.
Đặc biệt khu nhà phố Quán Thánh phải hứng chịu nhiều đợt bom nhất vì gần nhà máy điện, giấc mơ của người dân.
“Được trở lại mầu hồng quanh nhà máy điện
Tầu điện leng keng lại về đúng bến
Hồ Tây chỉ sóng biếc du thuyền”
Hiến pháp của ta khác với thế giới, vì coi đất là tài sản thuộc sở hữu toàn dân, còn nhà là sở hữu cá nhân. Nên cứ sau mỗi đợt ném bom, khói đạn còn đương khét mùi, gia đình nào nếu chết hết cả thì thôi, nếu còn một người thì dù có bị thương cũng phải dựng lại ngay một cái lều như lều vịt, thì vẫn coi như là nhà sở hữu. Nếu vì đi sơ tán hoặc bất cứ vì một lý do gì mà không dựng ngay cái lều vịt kiểu đó thì coi như nhà bị sung công.
Vì vậy, cứ sau mỗi đợt ném bom tàn khốc, bên cạnh việc cấp cứu các nạn nhân chiến tranh, thì còn có một công việc cũng khẩn cấp không kém là dựng ngay một cái lều trên sàn nhà còn khét mùi bom đạn.
Dãy nhà phố Huế, đối diện phía dưới của rạp Đại Nam, bom Mỹ đã đánh sập hoàn toàn. Tất cả các gia đình không còn ai sống sót, hoặc sống mà không dựng ngay cái lều vịt nên đã bị sung công, trở thành một cửa hàng của nhà nước rộng nhất phố Huế. Sau thời mở cửa sang nhượng lại cho tư nhân thành quán massage.
Sau này, ngắm cảnh hoang phế của nhà máy điện Yên Phụ, ta nghĩ mà buồn cười. Buồn cười vì nếu ai đã đi thăm các nhà máy như thủy điện Hoà Bình đồ sộ…thì không hiểu tại sao dạo ấy, cái nhà máy điện Yên Phụ nhỏ bằng quả quýt mà thấy đồ sộ một cách thiêng liêng. Đi trên phố dạo ấy, ngắm nhà máy điện rực hồng, máy chạy rầm rầm, ta vô cùng bái phục sự hiện đại hoành tráng. Trời, bây giờ, ta chỉ thấy nó bé bằng quả quýt thôi. Đất nước ta quả là sau thời mở cửa đã hoà nhập vào văn minh thế giới.
Chính cái nhà máy điện, quân dân ta đổ xương máu bảo vệ trong chiến tranh phá hoại, lại chính ta phá bỏ đi trong thời mở cửa vì quá lạc hậu:
“Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”
Từ cái nhà máy điện Yên Phụ, ta lại nhớ tới tầu điện ngày xưa. Trên đường phố Hà Nội sẽ mãi mất hút hình ảnh chiếc tầu điện lù lù đi giữa đường Hà Nội với tiếng leng keng như sự sống thủ đô. Ga chính tầu điện đặt ở Bưởi. Từ đấy toả đi năm cửa ô. Một chuyến chạy từ Bưởi qua Quán Thánh, Hàng Giấy, Hàng Đào rồi đổ bến chính ở Bờ Hồ, bên Bờ Hồ chia ba tuyến đi Hà Đông, Cầu Giấy và Chợ Mơ. Đường tầu điện vào nội thành thì chìm, ra ngoại ô thì nổi như đường tầu hoả. Còn một tuyến đi ô Yên Phụ thì chạy thẳng từ Bưởi. Tầu đi Chợ Mơ rất đông vào ngày 2 và ngày 7 là phiên chợ, còn phiên chợ Hà Đông ngày 5 và ngày 10, chợ Bưởi ngày 4 và ngày 9. Ngày xưa các chợ chỉ đông vào ngày phiên, còn giờ thì gần như không có phiên, ngày nào cũng đông như ngày nào. Chỗ bến xe điện Bờ Hồ nay chỉ là nơi đỗ ô tô. Tầu điện đi đến cuối phố Huế coi như hết Hà Nội, sẽ cắt thành hai toa, một toa về Bờ Hồ, một toa ra ngoại ô xuống Bạch Mai. Bắt đầu từ phố Bạch Mai đến Chợ Mơ coi như nhà quê. Tầu điện chạy đường nổi như tầu hoả. Đường Bạch Mai lúc đó, hai bên đường cỏ xanh mướt đường phố chỉ rộng bằng 1/5 ngày nay. Ngồi trên tầu điện nghe tiếng bụi tre quệt vào thành tầu rào rào, thò tay ra ngoài cửa sổ tầu là hái lá, hoa, bứt được cả nắm hoa bên đường, bướm cập quạng bay cả vào toa xe. Hai bên đường phố Bạch Mai toàn ruộng chỉ lơ thơ mấy nóc nhà. Đầu phố Bạch Mai có trại Hồng Bích, trong trồng toàn hoa hồng. Tầu điện có hai toa, toa đầu chở khách, toa sau chở hàng hoá, chó, mèo, gà, lợn thối um. Những người có hàng hoá đều phải trả tiền cước.
Cái nhà Văn hoá quận Hai Bà Trưng ngày nay, xưa là nhà thổ ế. Ngồi trên tầu điện nhìn xuống, cái nhà thổ ế chơ vơ giữa cánh đồng lúa, rêu mốc thâm sỳ, ảm đạm giữa vùng lúa xanh mướt. Sở dĩ đây là nhà thổ ế, vì có mấy đôi nam nữ vào đây, sau khi làm tình đã treo cổ tự tử tập thể.
Trên tầu thường có bố con ông hát sẩm. Ông sẩm giương đôi mắt toàn lòng trắng, kéo nhị, ê a hát điệu não nề, đứa con gái khoảng 6 tuổi, gầy quắt queo, bẩn thỉu, nhem nhuốc dơ cái nón rách ra xin tiền khách với câu thơ quá quen tai một cách thảm hại:
“Con cá nó sống vì nước
Chúng tôi sống vì các ông, các bà”
Xin được nhiều hay ít thì khi đến ga là bố con ông hát sẩm lại hối hả dìu nhau xuống tầu. Rồi từ chuyến tầu này, khách lại thấy bố con ông hát sẩm lên chuyến tầu ngược chiều. Khách đi toa đầu là khách khá, khách toa ba là khách nghèo buôn thúng bán bưng. Khách trung lưu đi buôn hàng bằng xích lô. Còn hầu như người Tây không đi tầu điện. Tất cả những phố Tây đều không có tầu điện chạy qua.
Tầu điện đông khách nhất từ Bờ Hồ đến Chợ Hôm, Từ Bờ Hồ đến bóp Hàng Đậu, từ Bờ Hồ đến chợ Cửa Nam, sau đó khách vắng dần.
Chuyến tầu vét khoảng 10 giờ đêm là vắng nhất, có khi vắng quá cũng chẳng cần phải mua vé. Tụi trẻ con nhiều đứa đi tầu điện tìm mọi cách lậu vé, song người bán vé đầy kinh nghiệm, thoáng cái là biết ngay nhưng họ cũng không đánh đập gì mà chỉ đuổi thẳng cổ đi thôi.
Tầu điện chạy dĩ nhiên chỉ đỗ đúng ga, nhưng khách trên tầu nóng ruột thường cứ nhẩy bừa xuống. Khách chân quê họ nhẩy xuống đường tầu chạy như kiểu nhẩy từ giường xuống đất, nhiều khi ngã quay cu đơ trên đất. Có đơn vị bộ đội nhẩy từ tầu xuống ngã quay cu đơ cả nút, đè lên nhau thành một đống. Thường thì chỉ ngã bươu đầu sứt trán, nhưng cũng không khỏi nhiều trường hợp đưa chân vào bánh để bị nghiến cụt một hoặc cả hai cẳng chân. Nhà thơ Văn Thao, con cố nhạc sỹ số một Văn Cao cũng vì nhẩy tầu điện mà bị nghiến mất một cẳng chân.
Hà Nội có đến hàng nghìn người bị nghiến đứt chân bởi tầu điện chứ chẳng chơi.
Nhưng lại có một thanh niên chống nạng, cụt một chân nhẩy tầu điện thoăn thoắt, không chịu mua vé, tự khai là thương binh Điện Biện Phủ. Xé vé lôi thôi là hắn quắc mắt, thời đó ai cũng kính trọng thương binh chống Pháp. Sau đó mới hiểu đỏ là thương binh giả. Tay này hồi nhỏ nhẩy tầu ngã bị bánh tầu nghiền nát một chân chứ chẳng phải thương binh mẹ gì cả.
Thời chiến tranh phá hoại, có phái đoàn kinh tế Pháp sang thăm ta, ta yêu cầu mua phụ tùng xe điện để thay thế. Phái đoàn Pháp cho giá, ta thấy hời nhận luôn, nhưng phái đoàn Pháp yêu cầu ta phải mua gấp 1000 lần kế hoạch, vì tất cả thế giới không ai mua. Nhà máy sản xuất phụ tùng xe điện này chỉ làm để bán một lần cho riêng Việt Nam, sau đó nhà máy này cũng huỷ bỏ.
Về Đầu Trang Go down
Sponsored content





Cửa Ô Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Cửa Ô   Cửa Ô Icon_minitime

Về Đầu Trang Go down
 
Cửa Ô
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
HỒN THƠ VIỆT :: TRANG VĂN HÓA XÃ HÔI :: THỂ LOẠI VĂN HỌC KHÁC :: VĂN XUÔI - TRUYỆN NGẮN - TRUYỆN DÀI-
Chuyển đến