HỒN THƠ VIỆT
Đăng nhập để khỏi phải bị quảng cáo quấy rầy!
HỒN THƠ VIỆT
Đăng nhập để khỏi phải bị quảng cáo quấy rầy!
HỒN THƠ VIỆT
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

HỒN THƠ VIỆT

DIỄN ĐÀN NHỮNG NGƯỜI YÊU THƠ VIỆT NAM, YÊU TÂM HỒN THƠ ĐẬM ĐÀ BẢN SẮC VIỆT
 
Trang ChínhTrang Chính  PortalPortal  GalleryGallery  Tìm kiếmTìm kiếm  Latest imagesLatest images  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  
Similar topics
Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 
Rechercher Advanced Search
Latest topics
» Thơ Nguyên Hữu
ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU Icon_minitimeYesterday at 8:54 pm by Nguyên Hữu

» THƠ HÀ MINH GIANG
ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU Icon_minitimeYesterday at 8:25 pm by haminhgiang

» HƠN 3.000 BÀI THƠ TÌNH PHẠM BÁ CHIỂU
ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU Icon_minitimeYesterday at 10:41 am by phambachieu

» THƠ VUI PHẠM BÁ CHIỂU
ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU Icon_minitimeFri Apr 12, 2024 3:54 pm by phambachieu

» Dòng Thơ Nhạc Trích Đoạn
ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU Icon_minitimeWed Apr 10, 2024 1:02 pm by Nguyễn Thành Sáng

» THƠ THANH HUONG
ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU Icon_minitimeFri Mar 22, 2024 12:23 am by thanhhuong

» thotranbichhat
ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU Icon_minitimeTue Mar 12, 2024 4:08 pm by tranbichhat

» BA BÀI THƠ MÙA THU CỦA NGUYỄN KHUYẾN
ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU Icon_minitimeWed Mar 06, 2024 10:16 am by duynd779

» Buy Cigarettes Online in Australia with Smokoo.com.au
ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU Icon_minitimeTue Feb 13, 2024 12:20 am by jeuxlplus

Navigation
 Portal
 Diễn Đàn
 Thành viên
 Lý lịch
 Trợ giúp
 Tìm kiếm
Diễn Đàn
Top posters
Nguyễn Thành Sáng
ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU Poll_leftĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU Poll_centerĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU Poll_right 
buixuanphuong09
ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU Poll_leftĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU Poll_centerĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU Poll_right 
haminhgiang
ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU Poll_leftĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU Poll_centerĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU Poll_right 
Nguyên Hữu
ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU Poll_leftĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU Poll_centerĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU Poll_right 
Lê Hải Châu
ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU Poll_leftĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU Poll_centerĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU Poll_right 
phambachieu
ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU Poll_leftĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU Poll_centerĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU Poll_right 
thanhhuong
ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU Poll_leftĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU Poll_centerĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU Poll_right 
thanhtracnguyenvan
ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU Poll_leftĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU Poll_centerĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU Poll_right 
thamthyphuong
ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU Poll_leftĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU Poll_centerĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU Poll_right 
lehong
ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU Poll_leftĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU Poll_centerĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU Poll_right 
April 2024
MonTueWedThuFriSatSun
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930     
CalendarCalendar
Thống Kê
Hiện có 4 người đang truy cập Diễn Đàn, gồm: 0 Thành viên, 0 Thành viên ẩn danh và 4 Khách viếng thăm

Không

Số người truy cập cùng lúc nhiều nhất là 190 người, vào ngày Tue May 10, 2016 8:24 pm
Social bookmarking
Social bookmarking reddit      

Bookmark and share the address of HỒN THƠ VIỆT NAM on your social bookmarking website

Bookmark and share the address of HỒN THƠ VIỆT on your social bookmarking website
Most Viewed Topics
BA BÀI THƠ MÙA THU CỦA NGUYỄN KHUYẾN
Tập Thơ Chọn Lọc - Nhất Lang (Nguyễn Thành Sáng)
MÙA THU CÂU CÁ
THƠ ĐÙA Ả BÁN CHIẾU: GIAI THOẠI NGUYỄN TRÃI - NGUYỄN THỊ LỘ
ĐIỂN TÍCH - HOA ĐÀO NĂM NGOÁI CÒN CƯỜI GIÓ ĐÔNG
Thơ Nguyên Hữu
THƠ HÀ MINH GIANG
TRANG THƠ LÊ HẢI CHÂU
Cứ mỗi độ thu sang - nhớ lại bài thơ chủ điểm mùa thu sách tập đọc lớp 1
HOA GIEO TỨ TUYỆT
Statistics
Diễn Đàn hiện có 610 thành viên
Chúng ta cùng chào mừng thành viên mới đăng ký: laolaoconuong

Tổng số bài viết đã gửi vào diễn đàn là 22223 in 6005 subjects
trang thơ hay
http://lucbat.com/
Diễn Đàn

 

 ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU

Go down 
Tác giảThông điệp
Tranquang
Admin
Tranquang


Tổng số bài gửi : 177
Join date : 09/08/2010
Age : 62
Đến từ : TP.HCM

ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU Empty
Bài gửiTiêu đề: ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU   ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU Icon_minitimeWed Jun 22, 2011 4:35 pm

ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU
Đại thi hào Nguyễn Du sinh ngày 23-11 năm ất Dậu (3-1-1766), mất 1820, tự Tố Như, hiệu Thanh Hiên (có tài liệu nói Trai Hiên) quê nội ở Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Quê ngoại ở vùng Kinh Bắc văn vật, chỉ cách trung tâm Hà Nội khoảng 13 cây số đường chim bay. Đó là làng Kim Thiều, xã Hương Mặc, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Đây cũng là nơi Nguyễn Du sống những năm tháng thơ ấu. Vùng đất văn vật này có ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc đời thơ văn của Nguyễn Du.

ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU Mo-Nguyen-Du
Lăng mộ Đại Thi Hào Nguyễn Du tại Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh

Đến với làng Kim Thiều, chúng tôi như được trở về với một không khí của ký ức Nguyễn Du vốn vẫn là cái nhịp điệu lách cách gần chục thế kỷ của một làng nghề sản xuất đồ gỗ chạm khắc. Chúng tôi đến được nhà thờ họ Trần để dự buổi giỗ Tổ. Trong tộc phả, có ông Trần Phi Nhỡn từng là thượng thư bộ Hộ, với tước hiệu Đông các Điện học sĩ, Nhập thị Kinh Điện (vào cung dạy vua). Đó là tổ ngoại của đại thi hào Nguyễn Du.

Gặp các gương mặt trai đinh họ Trần và các cụ cao tuổi, các thợ chạm gỗ lành nghề, các vị lãnh đạo xã, những người đang làm việc trong nhiều cơ quan, cơ sở sản xuất, là dân địa phương này, đều thể hiện chung vẻ tôn ti của một trật tự dòng họ. Lễ dâng hương được tiến hành, sau đó là những câu chuyện của các lớp hậu duệ họ Trần tự hào với tổ tiên và đại thi hào Nguyễn Du. Đứng trước hiên nhà thờ, các cụ cao tuổi chỉ ra cánh đồng và nói một điều đáng suy nghĩ: "Không biết đương thời cụ Nguyễn Du nhà chúng tôi đã được nhân dân cảm mến tài năng chưa, nhưng trước minh đường nhà thờ họ Trần còn lưu lại một cánh đồng thẳng cánh cò bay có tên là "Cánh đồng Hiên", chúng tôi luôn chạnh lòng nhớ đến Thanh Hiên. Biết đâu cái thái ấp của người cha là tể tướng Nguyễn Nghiễm đã có ý đó để lại cho con là Nguyễn Du một ý thức tự lập cho tên hiệu Thanh Hiên ví với "mầu xanh trước hiên nhà quê ngoại" của mình như một ký ức ở quê hương thứ hai này".

Làng Kim Thiều, quê mẹ Nguyễn Du có tên chữ là Hoa Thiều, tên Nôm là làng Mấc, thuộc xã Ông Mặc, trấn Kinh Bắc xưa. Quê ngoại đã cho Nguyễn Du cùng các anh em của ông cái danh giá thứ hai (sau danh giá gia đình đại quý tộc), đó là niềm tự hào của một vùng quê làng nghề chạm khắc gỗ vừa có lắm nghệ nhân, vừa có nhiều danh sĩ khoa bảng nối đời phụng sự quốc gia; toàn xã có 22 tiến sĩ kể từ thời nhà Trần đến thời nhà Nguyễn (Danh công truyện ký). Thời nay, số giáo sư, tiến sĩ trong các lĩnh vực cũng gần gấp đôi con số đó. Tại xã có 11 di tích được Nhà nước và tỉnh xếp hạng thì chín di tích thuộc về các dòng họ như Đàm (Đàm Thận Huy), Nguyễn (Nguyễn Giản Thanh), Đỗ (Đỗ Đại Uyên), Nguyễn Hữu (Mai Động, Trần (Trần Ngạn Húc)... trong đó dòng họ Trần đã có duyên gá kết phu thê cho người con gái là Trần Thị Tần (có sách nói Trần Thị Thấn), của họ mình với quan tể tướng Nguyễn Nghiễm (triều Lê). Ngay tại làng Kim Thiều, truyền tích vẫn nói tể tướng Nguyễn Nghiễm lấy bà Trần Thị Tần là trắc thất (vợ ba), bà Tần thuộc hệ thứ 11 theo bản phả họ Trần ở Hoa Thiều và bản phả của họ Nguyễn ở Tiên Điền thì tể tướng Nguyễn Nghiễm có vợ cả, vợ hai là hai chị em ruột gái họ Đặng: Đặng Thị Dương và Đặng Thị Thuyết. Nguyễn Nghiễm có 8 vợ và 21 người con.

Nhiều bộ phả của các dòng họ làng Hoa Thiều và toàn xã Ông Mặc có nói về gái vùng này thường được kén vào cung làm phi, thiếp. Quan tể tướng Nguyễn Nghiễm kết duyên với Trần Thị Tần và từ đây anh chị em của Nguyễn Du ra đời với thứ tự Nguyễn Trụ, Nguyễn Nễ, Nguyễn Thị Diên, Nguyễn Du và Nguyễn ức. Chuyện cũ còn chép: Gia đình Nguyễn Du sống ở phường Bích Câu, Thăng Long và thường về quê ngoại. Nguyễn Du sinh ra tại làng Kim Thiều, 6 tuổi mới về Thăng Long.

Thân phụ tạ thế lúc Nguyễn Du mới 10 tuổi, hai năm sau vì sầu thương, mẹ của Nguyễn Du cũng qua đời. Anh em Nguyễn Du rơi vào cảnh mồ côi, bần hàn. Có ý kiến nói Nguyễn Du ở quê ngoại, đã phải đi đục gỗ, ghép tranh...

Nguyễn Du đỗ tam trường lúc 19 tuổi, được bổ làm chánh thư hiệu ở Thái Nguyên, năm 1784. Một năm sau thì về quê vợ ở Thái Bình. Quá 30 tuổi Nguyễn Du mới ra làm tri huyện ở tỉnh Thái Bình, rồi thăng tri phủ Thường Tín (tỉnh Hà Đông), sau được giữ chức Đông tri viện học sĩ, được bổ Cai bạ Quảng Bình (1802- 1812), năm 1813 được phong Cần Chánh điện học sĩ, được cử làm Chánh sứ đi Trung Quốc. Cuộc đi sứ này đã giúp ông thu thập nhiều tài liệu để sáng tác, trong đó có Bắc hành tạp lục, Nam Trung tạp ngâm... Ông có nhiều công trình nghiên cứu và sáng tác, nhưng "Truyện Kiều" sáng giá hơn cả. Năm 1820, khi ông chuẩn bị đi sứ Trung Quốc thì mắc bệnh đại dịch, mất đột ngột ở tuổi 55.


Được sửa bởi tranquangsp ngày Thu Jun 23, 2011 3:59 pm; sửa lần 3.
Về Đầu Trang Go down
https://honthoviet.forumvi.com
Tranquang
Admin
Tranquang


Tổng số bài gửi : 177
Join date : 09/08/2010
Age : 62
Đến từ : TP.HCM

ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU   ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU Icon_minitimeWed Jun 22, 2011 4:41 pm

Một chuyện tình của thi hào Nguyễn Du
Posted by nguyenquangbinh
September 20, 2009
http://www.tanhieptho.com/m%E1%BB%99t-chuy%E1%BB%87n-tinh-c%E1%BB%A7a-thi-hao-nguy%E1%BB%85n-du/2009/09/

Thi hào dân tộc Nguyễn Du ra đời năm 1765 tại phường Bích Câu thành Thăng Long, vùng đất mãi mãi còn in đậm thiên diễm tình Tú Uyên – Giáng Kiều nơi mà ngôi sao Văn Giang Đoàn Thị Điểm từng làm say lòng biết bao chàng trai văn nhân, phong lưu mã thượng.

Từ vùng đất muôn tía nghìn hồng đó, Nguyễn Du từng có dịp qua lại quê mẹ: làng Hoa Thiều, huyện Đông Ngàn (nay là huyện Tiên Sơn, Bắc Ninh), vùng quê quan họ đẹp người hát hay, lừng lẫy tiếng tăm “nước non băm sáu giọng tình đơn ca”… mà Nhị Hà dạt dào sóng nước kia là con sông dẫn lối đưa đường, tình sâu như nước. Đó là con sông từng một thời long lanh soi bóng bà Trần Thị Tần, mẹ Nguyễn Du, viên ngọc bích lộng lẫy từ vùng đất mộng mơ về làm người nâng khăn sửa túi bậc đại quan chốn kinh thành. Vậy nên những mơ màng, say đắm ban đầu sớm chớm nở ở chàng trai đa cảm mới lớn (con thứ 7 của đại quan đầu triều Xuân quận công Nguyễn Nghiễm) chỉ còn chờ dịp là sáng lên, vượt ra ngoài chốn thâm nghiêm kim môn ngọc bội.

Dịp may mắn đó đã tới: Thuở xuân xanh, phải theo học một lão nho ở bờ kia Nhị Hà, Nguyễn Du thường vượt sông trên chiếc đò của cô Đỗ Thị Nhợt, gọi là Nhật có lẽ là hợp hơn vì nàng khác nào những tia mặt trời loé lên trên cảnh sống tối tăm nghèo nàn nơi bờ sông bến nước. Đôi mắt sáng, mái tóc đen dài thướt tha trước gió, giọng nói mặn mà cùng dáng điệu khua chèo thật duyên dáng của nàng khiến chàng thư sinh ngây ngất mà chưa dám ngỏ lời. Cho tới một buổi trưa kia, nàng chèo thuyền ra muộn, chàng thừa lúc vắng khách mớm lời:

“Ai ơi chèo chống tôi sang
Kẻo trời trưa thật lỡ làng tôi ra
Còn nhiều qua lại, lại qua
Giúp cho nhau nữa để mà…”

Chàng cố ý không đọc hết câu. Nàng thắc mắc giục giã. Chàng tần ngần: “Phải do cô nương nói chứ, tôi đâu dám thêm vào”. Nàng vừa khua chèo, vừa ngâm khẽ, vẻ ngượng ngùng:

“Giúp cho nhau nữa để mà quen nhau”

Từ đó hai người càng thân thiết. Từ mỗi buổi bến đò quạnh vắng, nàng nhìn chàng âu yếm thủ thỉ “Bây giờ có thể thay chữ “quen” thành chữ “thương” được đấy cậu chiêu nhỉ?”. Chàng ngây ngất sung sướng ngâm:

“Xưa quen nay đã nên thương
Cùng nhau xe mối tơ vương chữ tình
Người xinh xinh, cảnh xinh xinh
Trên trời dưới nước giữa mình với ta”.

Ngọn lửa tình đã cháy lên, tưởng không gì dập tắt nổi. Đáng tiếc thay, thời phong kiến đòi môn đăng hộ đối thì con quan tể tướng làm sao có thể lấy cô lái đò làm vợ chính. Việc đó đến tai gia đình, Nguyễn Du bị khiển trách, đò ngang thay người lái. Con sông Hồng đỏ nặng phù sa thành con sông than thở mang nặng hận tình, mãi mãi còn truyền đi chan chứa những vần thơ đau đớn của Nguyễn Du:

“Yêu nhau những muốn gần nhau
Bể sâu trăm trượng, tình sâu gấp mười
Vì đâu cách trở đôi nơi
Bến nay còn đó, nào người năm xưa”.

Không thể kéo dài tình cảnh này mãi, anh ruột Nguyễn Du là Nguyễn Khản, quan đại thần nhà Lê Trịnh hướng em sang một phương ổn định: đưa Nguyễn Du về làng Hải An, huyện Quỳnh Côi, trấn Sơn Nam làm con rể Hoàng giáp Đoàn Nguyễn Thục. Hải An (nay là thôn Hải Yến, trong xã Quỳnh Nguyên, thuộc huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình)
----------------------
Về Đầu Trang Go down
https://honthoviet.forumvi.com
Tranquang
Admin
Tranquang


Tổng số bài gửi : 177
Join date : 09/08/2010
Age : 62
Đến từ : TP.HCM

ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU   ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU Icon_minitimeWed Jun 22, 2011 4:48 pm

Đại thi hào Nguyễn Du và rượu
29/01/2011 14:44 (2011-01-29 14:44:13)

http://soha.vn/thongtin/phap-luat/1WSBHXAN/dai-thi-hao-nguyen-du-va-ruou.htm


Không mấy ai nghĩ rằng cụ Nguyễn Du cũng là người hay uống rượu, có triết lý về uống rượu, và khổ cho Cụ, vì nghèo, nhiều khi không có rượu để uống. Nếu chỉ đọc Truyện Kiều thì ta chỉ biết Cụ coi uống rượu là một niềm vui của cuộc sống, nên nói tình bạn của Kim - Kiều sau khi đoàn viên, cụ viết: "Khi chén rượu, khi cuộc cờ Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên".

Xưa nay các thi nhân thường thích rượu, hình như men rượu gây men cho thơ, có rượu hồn thơ được bay bổng hơn. Bởi thế mà bầu rượu thường đi theo túi thơ, nhiều nhà thơ là đệ tử của Lưu Linh, thích uống rượu và cũng hay làm thơ về rượu. Người thường thì "tửu nhập ngôn xuất", với nhiều nhà thơ thì "tửu nhập thi xuất" cũng là chuyện dễ hiểu. Lý Bạch đời nhà Đường bên Trung Quốc, ở nước ta như cụ Tản Đà là những người không những sành thơ mà rất sành rượu. Đó là người ngày xưa, chứ ngày nay nếu kể tên các nhà thơ hay uống rượu thì e rằng báo không đủ giấy mà in.

Thế nhưng nhắc đến Đại thi hào Nguyễn Du là độc giả nghĩ ngay đến một con người tóc bạc sớm, đa sầu đa cảm, có trái tim lớn đau nỗi đau của những cuộc đời bất hạnh, đặc biệt có tài thơ không ai sánh kịp… Không mấy ai nghĩ rằng cụ Nguyễn Du cũng là người hay uống rượu, có triết lý về uống rượu, và khổ cho Cụ, vì nghèo, nhiều khi không có rượu để uống. Nếu chỉ đọc Truyện Kiều thì ta chỉ biết Cụ coi uống rượu là một niềm vui của cuộc sống, nên nói tình bạn của Kim - Kiều sau khi đoàn viên, cụ viết:

Khi chén rượu, khi cuộc cờ
Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên

Trong thơ chữ Hán, Nguyễn Du nhiều lần nói việc uống rượu của bản thân mình. Chỉ có một lần nhà thơ uống rượu để tiễn bạn trong bài Lưu biệt Nguyễn Đại Lang:

Tây phong tiêu táp phất cao lâm
Khuynh tận ly bôi, thoại dạ thâm

Nghĩa là: "Gió tây hiu hắt thổi qua rừng cây cao. Hãy cạn chén rượu biệt ly và nói chuyện tận khuya". chỉ đọc hai câu này chúng ta không thể kết luận nhà thơ thích uống rượu được, vì rượu ở đây là chén biệt ly, uống để mà nói chuyện với nhau khi chia tay. Nhưng đọc hai câu này trong bài Tạp thi thì rõ ràng thi nhân hay uống rượu rồi:

Thôn cư bất yếm tần cô tửu
Thượng hữu nang trung tam thập tiền

(Ở thôn quê mua rượu hoài không chán. Trong túi vẫn còn ba mươi đồng tiền). Có nghĩa là còn tiền thì còn mua, chỉ hết tiền mới chịu nhịn. Trong bài thơ tặng một người bạn, Nguyễn Du nói nguyện vọng của bạn và cũng là ý muốn của mình:

Phù thế kỷ kinh tang lỗ biến
Sàng đầu y cựu tửu doanh tôn

Nghĩa là:

Trăm năm thay đổi cuộc đời
Chỉ mong chai rượu không vơi đầu giường.

Cụ uống rượu để thay đổi dung nhan rầu rĩ của mình:"Đăng tiền đấu tửu khởi suy nhan" (trước đèn uống chén rượu cho mặt mày tiều tuỵ tươi tỉnh lên). Và khi đi đường mùa đông Lạng Sơn, Cụ cũng uống rượu để chống rét: " Nhất lộ hàn uy trượng tửu ôn" (dọc đường trời lạnh, nhờ hơi rượu mà ấm lòng). Nguyễn Du nhiều lần nói mình thiếu rượu, trong nhà ở Hồng Lĩnh thì vò trống không, không có rượu đãi khách, khi sống tha phương thì ngay tiết thanh minh cũng không có rượu uống: "Thiên nhai vô tửu đối thanh minh".

Để hiểu thêm quan niệm của Nguyễn Du về việc uống rượu, cũng như về cuộc đời, mời các bạn đọc lại bài thơ Đối tửu (uống rượu):

Phu tọa nhàn song tuý nhãn khai
Lạc hoa vô số há thương đài
Sinh tiền bất tận tôn trung tửu
Tử hậu thuỳ kiêu mộ thượng bôi?
Xuân sắc tiệm thiên hoàng điểu khứ
Niên quang ám trục bạch đầu lai
Bách kỳ đãn đắc chung triêu tuý
Thế sự phù vân chân khả ai.

Dịch nghĩa: "Ngỗi xếp bằng tròn trước cửa sổ, rượu vào hơi say, mắt lim dim. vô số cánh hoa rơi trên thảm rêu xanh. Lúc sống không uống cạn bình rượu, chết rồi ai rưới rượu lên mồ cho ? Sắc xuân thay đổi dần, chim hoàng oanh bay đi. Năm tháng ngầm thôi thúc đầu bạc. cuộc đời trăm năm, chỉ mong say suốt ngày. Thế sự như đám mây nổi, thật đáng buồn". (theo Nguyễn Thạch Giang và Trương Chính).

Đây là bài thơ duy nhất trong số 249 bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du chỉ tả việc uống rượu. Hai câu đầu mở ra một quang cảnh: trong nhà người ngồi xếp bằng lim dim vì rượu, ngoài sân rêu hoa rụng vô số. Không phải vô tình mà nhà thơ tả cảnh hoa rụng chứ không phải hoa nở trên cây, càng không phải những nụ hoa, vì hoa rụng ngụ ý nói rằng những bông hoa vừa từ giã cuộc đời, cuộc đời của hoa thật ngắn ngủi, chuẩn bị cho người đọc nghĩ về cuộc đời của con người cũng ngắn ngủi lắm. Đây là một trong số khá ít bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du có vẻ mang chất hiện sinh, thể hiện rõ nhất ở hai câu thứ ba và thứ tư:

Sinh tiền bất tận tôn trung tửu
Tử hậu thuỳ kiêu mộ thượng bôi.

Nói nôm na ra là: còn uống được thì uống đi, chứ chết rồi thì ai cho uống nữa! Ý này ta cũng gặp trong bài Mạn hứng của tác giả:

Ninh tri dị nhật tây lăng hạ
Năng ẩm trùng dương nhất trích vô

(Đến khi về với đất rồi/ Tiết trùng dương rượu ai người rót cho).

Và cũng diễn đạt theo kiểu nôm na, thì hai câu 5, 6 nói rằng: mà đừng nghĩ cuộc đời là dài (hãy xem cuộc đời của những bông hoa kia), sắc xuân thay đổi nhanh, những cái gì thuộc về mùa xuân như chim hoàng oanh sẽ không còn nữa, thời gian sẽ đưa cái già về tận nơi.

Chỉ đọc những câu thơ này, ta dễ nghĩ Nguyễn Du có dáng dấp chủ nghĩ hiện sinh, nhưng đọc hai câu kết:

Bách kỳ đãn đắc chung triêu tuý
Thế sự phù vân chân khả ai

thì biết được thực chất của vấn đề: Tác giả muốn dùng rượu để tìm quên, trước Thế sự như đám mây trôi nổi thật đáng buồn, chứ không phải theo triết lý sống gấp.

Đọc những câu thơ về rượu của Đại thi hào, ta thấy Cụ lo cho khi chết rồi khi không ai cho uống rượu nữa. Thế thì, với lòng kính trọng và yêu mến một tài năng bậc nhất về văn chương, những lần viếng mộ Cụ ở Tiên Điền, Nghi Xuân, nhất là vào dịp mùa xuân, chúng ta nên đem theo ít rượu, rưới xuống mồ Cụ, như một lời mời Cụ cùng cạn chén với hậu thế.

Nhân tiện tôi xin dịch lại bài thơ Đối tửu để các bạn tham khảo.

Uống rượu

Lim dim nhấp chén bên song
Nhìn ra hoa rụng chất chồng trên rêu
Sống mà uống chẳng bao nhiêu
Chết rồi, ai xách rượu theo rưới mồ?
Thời gian giục tóc bạc phơ
Chim hoàng oanh chẳng thể chờ xuân phai
Suốt ngày chỉ muốn say thôi
Cuộc đời như đám mây trôi, thật buồn

-----------------------------
Về Đầu Trang Go down
https://honthoviet.forumvi.com
Tranquang
Admin
Tranquang


Tổng số bài gửi : 177
Join date : 09/08/2010
Age : 62
Đến từ : TP.HCM

ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU   ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU Icon_minitimeWed Jun 22, 2011 4:54 pm

Đại Thi Hào NGUYễN DU VÀ TRUYệN KIềU

BY: HOÀNG THẠCH



Đôi lời mở đầu

Khi nói tới nền văn học nước ta và các thi sĩ nổi tiếng nhất trong làn văn Việt Nam, người ta không quên nhắc tới tên tuổi Nguyễn Du, một nhà thơ lớn không chỉ được đề cao trong lịch sử của dân tộc mà còn được ghi vào danh sách danh nhân văn học Thế giới.

Thơ của Cụ Nguyễn Du hay ra sao, phong phú thế nào mà người Việt dành cho Cụ chỗ đứng cao nhất "Đại Văn Hào" trong làng văn Việt Nam và được văn nhân thế giới mến phục?

Trả lời cho câu hỏi này, chúng tôi xin đưa ra hai dữ kiện trong số hàng chục bài ca tụng Truyện Kiều, một tuyệt tác thi ca, một trong các biểu tượng văn hóa hàng đầu của một quốc gia vẫn tự hào là có "Bốn Ngàn Năm Văn Hiến":



1-Lời phát biểu của học giả Phạm Quỳnh, một danh nhân trong làng văn học Việt Nam.

Tại Hội Khai Trí Tiến Đức năm 1924 tại Hà Nội Phạm Quỳnh, một học giả và Thượng Thư Bộ Lại dưới Triều Nguyễn, đã đọc một bài diễn văn lịch sử, trong đó có một câu được coi như "Kim Chỉ Nam" cho những người luôn đề cao và phát triển chữ Quốc Ngữ:

“Truyện Kiều không chỉ đối với văn hóa nước nhà mà đối với văn học thế giới cũng chiếm được một địa vị cao quý... Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn...”.



2-Tổ chức Giáo Dục, Khoa Học và Văn Hóa Liên Hiệp Quốc "UNESCO" (United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization) nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Đại Thi Hào Nguyễn Du (1765-1965), đã công nhận ông là Danh nhân văn hóa thế giới, vì sự nghiệp vĩ đại mà ông đã để lại trong kho tàng văn học Việt Nam. Trên văn đàn thế giới thì truyện Kiều đã được dịch ra nhiều tiếng nước ngoài như: tiếng Anh, Ba Lan, Đức, Hung Gia Lợi, Pháp, Tầu, Nhật, Tiệp Khắc, Tây Ban Nha, (Hungary) v.v…

Chủ đề văn hóa toàn năm 2009 của Dân Chúa Âu Châu dành cho Truyện Kiều, không phải để đánh dấu một mốc lịch sử văn hóa quan trọng nào, mà mang mục đích giới thiệu với tuổi trẻ Việt Nam hải ngoại có cơ hội tìm hiểu thi phẩm độc đáo của tiền nhân, để tự hào về một dân tộc đã từng có những áng văn lưu danh cổ kim, sáng chói trên nền trời văn học thế giới.

Trong bài mở đầu cho chủ đề văn hóa năm 2009, chúng tôi hân hạnh giới thiệu Tiểu sử Đại Văn Hào Nguyễn Du.

Để có một cái nhìn toàn diện và khách quan, chúng tôi tổng hợp các tài liệu của các văn nhân, thi sĩ và học giả đã viết về Nguyễn Du thuộc nhiều khuynh hướng khác nhau.



I- Đôi hàng tiểu sử

Nguyễn Du sinh năm nào vẫn còn có sự khác biệt trong các tài liệu. Hai năm 1765 và 1766 đã được đề cập tới; nhưng năm nào chính là năm sinh của Cụ?

-Theo giáo sư Nguyễn Lộc “Từ điển Văn học (tập II). Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1984, trang 54, 55 cho rằng: “Nguyễn Du (3.I.1766? - 16.IX.1820). Nhà đại thi hào Việt Nam. Tên chữ là Tố Như, hiệu Thanh Hiên. Sinh năm Ất Dậu, niên hiệu Cảnh Hưng.

-Giáo sư Lê Đình Kỵ trong tác phẩm Truyện Kiều và Chủ nghĩa hiện thực, lại viết: “Nguyễn Du sinh ngày 3 tháng giêng năm 1766 tại làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

c-Trong Bách khoa Tự điển wikipedia ghi Nguyễn Du sinh ngày 03 tháng 01 năm 1766 tức ngày 23 tháng 11 năm Ất Dậu (1765).

-Giáo sư Dương Quảng Hàm trong quyển “Văn học Việt Nam”, ghi Nguyễn Du (1765-1820)

-Tác giả Phạm Thế Ngũ trong quyển “Việt Nam Văn Học Sử Giản ước Tân biên” ghi “Nguyễn Du sinh ra năm Cảnh Hưng 26 (1765), hai năm trước khi chúa Trịnh Doanh từ trần để quyền lại cho Trịnh Sâm.

-Sử gia Trần Trọng Kim Trong quyển “Việt Nam Sử Lược” (VNSL) ghi Trịnh Doanh từ trần năm 1767; Trịnh Sâm (1767-1782). Như vậy, năm sinh 1765 của Cụ Nguyễn Du đúng với lịch sử.

-Tác giả Nguyễn Huyền Anh trong “Việt Nam Danh Nhân Từ Điển” ghi Nguyễn Du sinh năm Ất Dậu (1765; Lê Hiển Tôn Cảnh Hưng thứ 28).

Cảnh Hưng thứ 28 có lẽ không đúng vì Lê Hiển Tôn (Tông) kế vị năm 1740+28 = 1768, chênh lệch 3 năm không đúng với năm sinh của Nguyễn Du (1765). (Việt Nam Sử Lược và Việt Sử Toàn Thư đều ghi Lê Hiển Tông: 1740-1786),

-UNESCO vinh danh Nguyễn Du là “Danh nhân Văn hóa Thế giới" nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh (3.1.1765 - 3.1.1965). Như vậy, UNESCO dựa vào năm sinh 1765 Dương lịch, tài liệu của giáo sư Dương Quảng Hàm, Phạm Thế Ngũ, Nguyễn Huyền Anh đồng nhất về năm Dương lịch.

Trong bài này chúng tôi chọn ngày 3.1.1765



1.1- Gia đình và tuổi thơ

Cậu Nguyễn Du sinh ngày 3-1-1765 tại quê mẹ, làng Kim Thiều, xã Hương Mặc, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Quê mẹ: Làng Kim Thiều có tên chữ là Hoa Thiều, tên Nôm là làng Mấc, thuộc xã Ông Mặc, trấn Kinh Bắc. Quê ngoại nổi tiếng về hai phương diện:

-Làng Kim Điền có danh tiếng về nghề chạm khắc gỗ và nhiều tay nghề giỏi.

-Theo tác phẩm “Danh công Truyện ký" làng Kim Điền có nhiều danh sĩ khoa bảng nối đời phụng sự quốc gia; toàn xã có tới 22 tiến sĩ kể từ thời nhà Trần đến nhà Nguyễn.

-Làng Kim Điền, Bắc Ninh nổi danh có nhiều thiếu nữ đẹp. Nhiều bộ phả của các dòng họ làng Hoa Thiều và toàn xã Ông Mặc có nói về gái vùng này thường được kén chọn vào cung vua làm phi, thiếp.

Mẹ của Nguyễn Du là bà Trần Thị Tần (1740 - 1778), con gái quan Câu kê họ Trần ở làng Hoa Thiền huyện Đông Ngạn xứ Kinh Bắc (nay là tỉnh Bắc Ninh), vợ thứ ba của tể tướng Nguyễn Nghiễm, nhỏ hơn chồng 32 tuổi, thuộc hệ thứ 11 theo bản phả họ Trần ở Hoa Thiều và bản phả của họ Nguyễn ở Tiên Điền. Tể tướng Nguyễn Nghiễm có vợ cả, vợ hai là hai chị em ruột họ Đặng: Đặng Thị Dương và Đặng Thị Thuyết. Nguyễn Nghiễm có tất cả 8 vợ và 21 người con. Tể tướng Nguyễn Nghiễm kết duyên với Trần Thị Tần sinh được 4 trai, 1 gái, theo thứ tự: Nguyễn Trụ, Nguyễn Nễ, Nguyễn Thị Diên, Nguyễn Du và Nguyễn Ức.

Quê cha:

Cha của Nguyễn Du là Nguyễn Nghiễm (1708 - 1775), quê làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay là tỉnh Hà Tĩnh).

Theo gia phả họ Nguyễn và sách Nghệ An ký của Hoàng Giáp Bùi Dương Lịch (1757-1828) thì thời gian trước thế kỷ XVI, Tiên Điền là một bãi đất cát bồi của sông Cả (còn gọi là sông Lam), hoang sơ, cư dân thưa thớt, quanh năm nước mặn dâng ngập bờ. Giữa thế kỷ XVI, ông tổ họ Nguyễn là Quận công Nguyễn Thuyên cùng người cháu là Nam Dương Quận công đến dựng nghiệp và tu bổ vùng này rồi đổi thành U Điền. Sang thế kỷ XVII, U Điền đổi tên là Tân Điền, Phú Điền, rồi Tiên Điền. Theo sử sách ghi chép, Tiên Điền được mệnh danh là nơi giang sơn tụ khí và không biết từ bao giờ người dân xứ Nghệ có câu “Ló (lúa) Xuân Viên, quan Tiên Điền, tiền Hội Thống”. Tiên Điền từng được Nhà Lê ban tên xã Trung Nghĩa vì đã có công bảo vệ kinh thành Thăng Long. Theo thời gian, nơi đây nổi danh với Đền thờ Hội Quận công, Đền thờ Uy Quận công, Đền thờ Trinh Dũng hầu, Đàn tế Lĩnh Nam công, Đền thờ Tiên Lĩnh hầu, Đền thờ Xuân Nhạc công, Đền thờ Lam Khê hầu, Đền thờ Điền Nhạc hầu, Đền thờ Hà Chân đài, Mộ tổ họ Nguyễn, Mộ Xuân Nhạc quận công, mộ Tán Quận công, Mộ Tiên Lĩnh hầu, Mộ Nguyễn Du... Cụm di tích và khu lưu niệm Nguyễn Du bao gồm khu lưu niệm Nguyễn Du, đền thờ Nguyễn Huệ (Anh cả của Nguyễn Nghiễm, bác ruột Nguyễn Du), mộ và đền thờ Nguyễn Nghiễm (thân phụ Nguyễn Du), nhà thờ Nguyễn Trọng (chú ruột Nguyễn Du) và khu mộ Nguyễn Du.

Từ Tiên Điền nhìn qua Xuân Mỹ, thấy núi Hồng Lĩnh đứng sừng sững mé Tây-Nam. Vì thế nên Nguyễn Du đã lấy biệt hiệu “Nam hải điếu đồ”, “Hồng Sơn lạp hộ”; và câu đối truyền tụng đời này qua đời khác ở Tiên Điền:

Hồng Sơn chi ngoại uất giai khí, Vị Thủy chi kim thành đại giang.

(Hồng sơn đất ngoại kết tụ được khí tốt - Vị Thủy đến nay đã thành sông rộng)

Cha của Nguyễn Du đậu Nhị Giáp Tiến Sĩ, làm quan tới chức Đại Tư Đồ, tể Tướng (thủ tướng) dưới triều đại Lê Hiển Tông (1740-1786).. Con trai trưởng của Nguyễn Nghiễm là Nguyễn Khản đỗ Tam giáp tiến sĩ, làm tới chức Tham Tụng đời chúa Trịnh Khải. Con thứ hai là Nguyễn Điều đậu Hương Cống, trấn thủ tỉnh Sơn Tây, được phong tước Điền Nhạc hầu. Con thứ ba là Nguyễn Dao đậu tứ trường thi Hương, chức Hồng lô Tự thừa. Con thứ tư là Nguyễn Luyện đậu tam trường thi Hương. Con thứ năm là Nguyễn Trước và con thứ sáu là Nguyễn Nễ đều đậu tứ trường thi Hương và Nguyễn Du là con thứ bẩy, nên được gọi là cậu Chiêu Bảy.

Gia đình Nguyễn Du một gia đình khoa bảng, cha con cùng làm quan dưới triều Nhà Lê.

Dòng họ Nguyễn Du không những nổi tiếng về khoa bảng mà còn nổi danh trong lĩnh vực văn chương. Nguyễn Nghiễm còn để lại những tập Quân Trung liên vịnh, Xuân đình tạp vịnh, và quyển Việt sử bị lâm cung cùng nhiều tác phẩm chữ Nôm, từng làm bài phú Khổng tử mộng Chu công, nay còn truyền tụng. Nguyễn Nễ còn để lại Quê hiên giáp ất tập và Hoà trình hậu tập cũng sở trường về văn Nôm. Cháu Nguyễn Du là Nguyễn Thiện có tập thơ Đông phú và Nguyễn Đạm có tập thơ Quan hải, tập thơ Minh quyên đều là những văn hào đương thời. Danh sĩ trong nước thời bấy giờ theo truyền tụng có năm người lỗi lạc, được người Việt cũng như người Tầu gọi là “An Nam ngũ tuyệt” thì họ Nguyễn Tiên Điền có đến hai người là Nguyễn Du và Nguyễn Đạm.

Dòng họ này còn được người đời kính trọng về lòng trung nghĩa. Tổ tiên thuở xưa theo Nhà Mạc thì nhiều người tuẫn tiết khi Nhà Mạc mất ngôi. Thời Lê, sau khi Nhà Lê sụp đổ, mấy anh em Nguyễn Khản, Nguyễn Điêu, Nguyễn Luyện, Nguyễn Du cho đến cháu là Nguyễn Đạm đều khởi nghĩa cần vương. Từ Triều đại Tây Sơn sang tới thời Nhà Nguyễn nhiều người trong họ không chịu ra làm quan, kiên trinh giữ tiết với chúa cũ theo đúng phương châm "Tôi trung không thờ hai chúa".

Câu ca dao:

“Bao giờ ngàn Hống hết cây, Sông Rum hết nước họ này hết quan”

là chỉ cái danh giá, chức quyền của làng Tiên Điền, của dòng họ Nguyễn Du là vậy.

Năm 1771, lúc Nguyễn Du 5 tuổi thì gia đình chuyển về làng Tiên Điền và năm lên 10 thì cha mất. Không hiểu vì quá thương nhớ cha sinh bệnh rồi chết hay vì một căn bệnh nào đó, mẹ cậu cũng qua đời vào năm 1778, lúc mới 38 tuổi. Bị mồ côi cha mẹ, cậu phải ra Thăng Long ở chung với người anh cả cùng cha khác mẹ là Nguyễn Khản. Nguyễn Khản bị kiêu binh ghét nên khi ông được chúa Trịnh cử làm Tham tụng thì họ kéo đến phá tan nhà và toan giết ông. Nguyễn Khản bỏ chạy lên sống với Nguyễn Điều, tổng trấn Sơn Tây; sau đó lại chạy về Hà Tĩnh.



1.2- Thi cử

Khi Nguyễn Du 9 tuổi thì đất nước rơi vào cuộc nội chiến Nam-Bắc giữa họ Trịnh và Nhà Nguyễn tái phát. Cha của Nguyễn Du được lệnh của Trịnh Kiểm, phụ tá Hoàng Ngũ Phúc đem quân vào chiếm Phú Xuân năm 1777. Trong thời gian này Nguyễn Du sống và học hành tại Kinh đô Thăng Long. Dù phải sống trong hoàn cảnh rối loạn do đám kiêu binh gây ra, nhưng Nguyễn Du đã thành công trong việc học hành.

Năm 1783, Nguyễn Du đi thi Hương tại trường thi Nghệ An và đậu Tam Trường.

Để quí độc giả hiểu rõ hơn, chúng tôi xin nói một chút về chế độ thi cử thời xưa:

-Đậu Nhất trường: không có học vị, giống như đậu Trung học Đệ I cấp, lớp Đệ Tứ thời Việt Nam Cộng Hòa; lớp 9 Trung học Phổ thông ngày nay.

-Đậu Nhị Trường: đậu Tú Tài I, lớp đệ nhị thời VNCH; lớp 11 ngày nay.

-Đậu Tam Trường: đậu Tú Tài II, lớp đệ nhất thời VNCH; lớp 12 ngày nay.

-Đậu Tứ Trường: đậu Cử Nhân.

Nguyễn Du lập gia đình, có 3 vợ và 18 con. Sau khi Nguyễn Du chết, gia đình ly tán.



1.3- Trên đường công danh

Nguyễn Du không tiếp tục học và thi cử nhân, mà theo chí hướng của người trai thời chinh chiến nhận chức quan Thủ Hiệu (Lãnh Binh) ở tỉnh Thái Nguyên, thay cho người cha nuôi mới qua đời. Từ đó, ông có tự là Tố Như, hiệu Thanh Hiên (có tài liệu nói Trai Hiên), biệt hiệu Hồng Sơn lạp hộ

Ngược dòng thời gian, trước khi Nguyễn Du sinh ra thì Nhà Lê đã mất quyền hành. Họ Trịnh thao túng chính trường. Xã hội rối loạn là nguyên nhân đưa đến các cuộc khởi nghĩa tranh dành quyền lực. Cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Hữu Cầu và Nguyễn Danh Phương chưa tan, thì Hoàng Công Chất nổi lên từ năm 1739 cướp phá ở miền Hưng Hoá và Thanh Hoá. Lê Duy Mật nổi lên từ năm 1738 đóng giữ miền Trấn Ninh, thường xuống đánh phá đất Nghệ Tĩnh. Các cuộc khởi nghĩa mới dẹp yên thì năm 1774, lại nổ ra cuộc đánh dẹp chúa Nguyễn ở miền Nam. Cha của Nguyễn Du phải ra chiến trường cùng đi với Việp Công, giữ chức Hiệp tán Quân cơ. Trong khi quân Bắc đương chiếm cứ Thuận Hoá để cầm cự với quân Tây Sơn thì Thăng Long lại xảy ra nạn Kiêu binh. Năm 1882, loạn quân giết Hoàng Đình Bảo, phá nhà quan Tham tụng Nguyễn Khản là anh cả của Nguyễn Du và nhà quan Quyền phủ sự Dương Phương, giết quan Thủ hiệu Nguyễn Triêm ngay trước phủ chúa.

Năm 1786 Họ Trịnh bị lật đổ. Năm 1789, Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ 3 dẹp bỏ luôn Nhà Lê. Là một quan chức của Triều Lê, dĩ nhiên Nguyễn Du không thể phục tùng Nhà Tây Sơn; nên ông tiếp tục "đánh Tây Sơn, phục Nhà Lê". Vua cuối cùng của Nhà Lê là Lê Mẫn Đế tức Lê Chiêu Thống (1787-1788) bị thất bại, chạy sang Tầu cầu cứu. Theo tài liệu của Phạm Thế Ngũ thì Nguyễn Du không theo kịp theo vua Chiêu Thống, nên trở về ở Thái Bình, cùng người anh vợ là Đoàn Nguyên Tuấn tụ tập dân binh mưu cuộc khởi nghĩa, nhưng bị dẹp tan. Khi ấy vua Quang Trung đã lên ngôi nắm vững quyền hành ở miền Bắc; nhưng ở miền Nam lại bị thua to, đất Gia Định bị mất về tay Nguyễn Ánh.

Nguyễn Du bị thất bại ở Quỳnh Côi mới nẩy sinh ý nghĩ vào Thanh Nghệ Tĩnh, toan tìm đường vào Nam mượn sức chúa Nguyễn chống Tây Sơn. Ông đi tới Vinh thì bị chận bắt và ở tù một thời gian. May nhờ quan Trấn thủ Nghệ An của Tây Sơn là người quen biết với Nguyễn Nễ, người anh ruột cùng mẹ với ông. Nguyễn Nễ đã ra hợp tác với nhà Tây Sơn, được thăng Hàm Đông Các Đại học sĩ, gia tăng Thái sử Thự tả Nghị lang, tước Nghi Thành Hầu; nên Nguyễn Du được thả. Đây là thời điểm khiến cho một số tác giả cho rằng Nguyễn Du viết truyện Kiều vào lúc đó, khi ông tròn 30 tuổi. Nhận định này dựa vào truyện Kiều có câu: “Trải qua một cuộc bể dâu”.

Bể dâu xuất phát từ câu “thương hải tang điền” (bãi bể (biển), nương dâu), theo nghĩa đen thì truyện thần tiên có nói về sự tuần hoàn trong vũ trụ cứ 30 năm biển bồi đất thành ruộng dâu và 30 năm ruộng dâu bị lở thành bể. Nghĩa bóng thì cuộc đời của con người luôn thay đổi (theo chu kỳ 30 năm).

Sau khi được thả, Nguyễn Du trở về làng sống trong thiếu thốn và chán nản, tiêu khiển bằng ngắm núi nhìn sông, săn bắn khắp vùng Hồng Lĩnh, nên mới có biệt hiệu là "Hồng Sơn Lạp Hộ". Nhiều lần ông phải ăn ở nhờ nhà người khác, có lúc ốm không có thuốc uống. Tập thơ chữ Hán Thanh Hiên thi tập (Thanh Hiên là hiệu của Nguyễn Du) được Nguyễn Du viết chủ yếu trong những năm tháng nàỵ.



1.3- Làm quan dưới triều Nguyễn

Năm 1802, Nguyễn Ánh toàn thắng Nhà Tây Sơn, thống nhất đất nước, lên ngôi lấy tước hiệu là Gia Long xuống chiếu chiêu dụng các cựu thần Nhà Lê. Nguyễn Du lúc đó 38 tuổi cũng nằm trong danh sách được mời gọi. Bất đắc dĩ ông phải ra làm Tri huyện Phù Dực (nay thuộc tỉnh Thái Bình) tước Du Đức Hầu; ít lâu sau được thăng lên chức Tri phủ Thường Tín (tỉnh Hà Đông). Năm 1806 ông cáo bệnh về nhà, được một tháng lại bị mời ra thăng chức Đông Các Đại Học Sĩ (ngang hàng với Tam Khôi, tiến sĩ trong khi ông chưa đậu cử nhân), năm 1809 làm cai bạ tỉnh Quảng Bình (phó tỉnh trưởng coi về thuế má) và năm 1813 được thăng Cần Chính Điện Đại Học Sĩ (Văn quan Nhất phẩm: chức cao nhất trong hàng quan văn), được cử làm chính sứ đi Trung Hoa. Sau khi đi sứ về ông được được thăng Lễ Bộ Hữu Tham Tri vào năm 1815.

Đường công danh của Nguyễn Du với nhà Nguyễn không trở ngại. Ông thăng chức nhanh và giữ chức trọng, song chẳng mấy khi vui, thường u uất bất đắc chí. Nguyễn Du sinh trưởng ở thời loạn lạc, lại gặp cảnh nước mất nhà tan mà mình không thể nào vãn hồi được, đành phải ôm mối hận lòng. Mặc dù được trọng dụng, nhưng Nguyễn Du không mấy vui lòng nhận bổng lộc của triều đình mới.

Sách Đại Nam Chính biên Liệt truyện chép rằng ông làm quan hay bị người trên đè nén, không được thoả chí, cho nên thường buồn rầu. Sự kiện này xẩy ra có thể vì đám quần thần miền Trung ghen tị với Nguyễn Du, một cựu quan chức đời Lê, người miền Bắc mà lại được trọng vọng. Đối với vua mỗi khi yết kiến ông làm ra vẻ sợ sệt, không biết nói năng gì. Có lần vua đã trách rằng:

“Triều đình dùng người, cứ kẻ hiền tài là dùng, chứ không phân biệt Nam Bắc. Ngươi với Ngô Vị, đã được ơn tri ngộ làm quan đến bực Á Khanh, biết việc gì thì phải nói để hết chức trách của mình, sao lại cứ rụt rè sợ hãi, chỉ vâng vâng dạ dạ cho qua chuyện thôi!”.

Thực ra, nếu dựa vào sự trung thành của dòng họ Nguyễn thì người ta phải hiểu là Nguyễn Du không phải buồn phiền vì quan trên đè nén, không phải là người sợ hãi rụt rè. Ông là người dẫu làm quan cho Nhà Nguyễn; nhưng tâm hồn lúc nào cũng nhớ Triều Lê. Cái nỗi lòng sâu kín này ông không thể công khai bày tỏ cùng ai, nên thường buồn rầu, bực tức; thậm chí có khi ông e sợ rằng đời sau cũng chưa chắc có người hiểu thấu được lòng mình:

Bất tri tam bách dư niên hậu,

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như.

Xuân Diệu dịch ra lục bát

“Ba trăm năm nữa mơ màng

Biết ai thiên hạ khóc chàng Tố Như”.

Tháng hai năm Quý Dậu (1813), Nguyễn Du nhận lệnh vua làm Chánh sứ, dẫn đầu phái đoàn gồm Đàm Ân Hầu (tham sự bộ Lại) và Phong Đăng Hầu (tham sự bộ Lễ), đi triều cống Trung Hoa. Ngày 6/4 năm Quý Dậu, Chánh sứ Nguyễn Du chính thức bước qua ải Nam Quan, bắt đầu hành trình đến Bắc Kinh. Những ngày tháng đua tài với các sứ thần Hàn, Nhật... chắc họ Nguyễn đã tỏ rõ được cái sở học uyên bác của mình. Trong thời gian đi sứ, Nguyễn Du đã được tận mắt chứng kiến nhiều nỗi oan trái và cuộc sống khổ ải của dân nghèo, sau này đã được tập hợp lại trong tập thơ mang tên Bắc hành Tạp lục (131 bài). Cũng trong thời gian này Nguyễn Du đã có dịp tìm hiểu sâu nền văn hoá Trung Quốc. Với vốn sống đa dạng và tài năng kiệt xuất của mình, sau khi về nước, ông đã hoàn thành tác phẩm Truyện Kiều, lấy cảm hứng từ tập truyên của tác giả Trung Quốc Thanh Tâm Tài Nhân. Truyện Kiều sau đó đã vượt lên trên nguyên tác, trở thành một kiệt tác thơ trong lịch sử văn chương Việt Nam.

Tháng Tư năm Giáp Tuất (1814), Nguyễn Du cùng đoàn sứ thần về nước. Trong chuyến đi, ông đã cho chọn giống cây hồng quý đem về trồng ở nhà vườn An Hiên (Huế) hiện vẫn còn được người dân nâng niu chăm sóc. Sau khi hoàn thành trọng trách cùng với đoàn sứ bộ, Nguyễn Du được thăng chức Lễ Bộ Hữu Tham Tri.

Năm 1820, sau khi vua Gia Long chết, Minh Mạng lên ngôi, cử ông đi sứ lần nữa, nhưng lần này chưa kịp đi thì ông đột ngột qua đời ngày mồng 10 tháng 8 âm lịch tức ngày 16-9-1820 trong một cơn đại dịch, khi mới 56 tuổi.

Theo Đại Nam liệt truyện: "Nguyễn Du là người ngạo nghễ, tự phụ, song bề ngoài tỏ vẻ giữ gìn, cung kính, mỗi lần vào chầu vua thì ra dáng sợ sệt như không biết nói năng gì...", và "Đến khi đau nặng, ông không chịu uống thuốc, bảo người nhà sờ tay chân. Họ thưa đã lạnh cả rồi. Ông nói "được" rồi mất; không trối lại điều gì."



II- Tác phẩm

Nguyễn Du là một đại thi hào của dân tộc. Có thể nói toàn bộ tác phẩm của ông, chữ Hán cũng như chữ Nôm có nội dung nói về tình cảm, thân phận con người trong xã hội Việt Nam xưa, đặc biệt những người phụ nữ. Không phải chỉ trong Truyện Kiều, mà trong Thơ chữ Hán và trong Văn chiêu hồn của ông, tình thương ấy cũng tràn ngập.



2.1- Thơ chữ Hán của ông, những bài được xếp vào loại hay nhất là những bài ông viết về con người bất hạnh như: Thái Bình Mại Ca Giả (Người hát rong ở thành Thái Bình) viết về một ông già mù đi hát rong để kiếm ăn; Hà Nam Đạo Trung Khốc Thử (Nắng dữ trên đường đi ở Hà Nam) viết về một ông già khác kéo xe giữa một buổi trưa trời nắng gay gắt; Sở Kiến Hành (Bài hành về những điều trông thấy) viết về bốn mẹ con một người đi ăn xin sắp chết đói; Trở Binh Hành (Bài hành về việc binh đao làm nghẽn đường) viết về những người nông dân chết đói ở Hà Nam... Long Thành Cầm Giả Ca (Bài ca người gảy đàn ở Long Thành); Điếu La Thành Ca Giả (Viếng người ca nữ đất La Thành); Độc Tiểu Thanh ký (Đọc tập Tiểu Thanh ký)...

Ngoài ra còn 3 bài khác có tựa đề: Thanh Hiên Tiền Hậu Thi Tập, Nam Trung Tạp Ngâm, Bắc Hành Thi Tập



2.2- Thơ chữ Nôm: Bài thác lời trai phường nón (ghi lại những câu hát hò giữa trai gái hai làng Trà Cựu và Tiên Điền; Bài văn tế sống Trường lưu nhị nữ; Bài văn cúng Thập loại Chúng sinh hay Chiêu Hồn ca; Truyện Kiều hay Đoạn Trường Tân Thanh.

------------------------------
Về Đầu Trang Go down
https://honthoviet.forumvi.com
Tranquang
Admin
Tranquang


Tổng số bài gửi : 177
Join date : 09/08/2010
Age : 62
Đến từ : TP.HCM

ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU   ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU Icon_minitimeWed Jun 22, 2011 5:00 pm

NGUYỄN DU - ĐẠI THI HÀO DÂN TỘC

"Nửa đêm qua huyện Nghi Xuân Bâng khuâng nhớ cụ,thương thân nàng Kiều… Hỡi lòng tê tái thương yêu.Giữa dòng trong đục,cánh bèo lênh đênh ...."
Nguyễn Du sinh ngày 03 tháng 01 năm 1766 tức ngày 23 tháng 11 năm Ất Dậu-Ông mất 1820,quê làng Tiên Điền,huyện Nghi Xuân,phủ Đức Quang,trấn Nghệ An (nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh),nhưng sinh ra ở quê mẹ- làng Kim Thiều,xã Hương Mặc,huyện Từ Sơn,tỉnh Bắc Ninh và trải qua thời thơ ấu ở Thăng Long.Ông thuộc dòng dõi trâm anh thế phiệt:cha là Xuân Quận Công Nguyễn Nghiễm làm tới tể tướng dưới triều Lê;mẹ là bà Trần Thị Tần, vợ thứ ba của Nguyễn Nghiễm, người xứ Kinh Bắc (Nguyễn Nghiễm có 8 vợ,21 người con).Anh khác mẹ (con bà chính)của ông là Toản Quận Công Nguyễn Khản làm tới Tham Tụng,Thái Bảo trong triều.Bố vợ là Đoàn Nguyễn Thục, cũng đỗ Hoàng Giáp,làm quan Đông các.Do là con thứ bảy nên Nguyễn Du còn được gọi là cậu Chiêu Bảy. Các tác phẩm của ông như "Thanh hiên thi tập","Nam trung tạp ngâm","Bắc hành tạp lục"(chữ Hán)và đặc biệt là Truyện Kiều chan chứa nỗi đau nhân thế,mang khát vọng hạnh phúc, tình yêu,tự do và công lý đồng thời tố cáo sâu sắc sự tàn bạo của chế độ phong kiến.Truyện Kiều,đỉnh cao của nền thi ca Việt Nam,chứa đựng những tư tưởng nhân văn lớn, đạt tới sự hoàn mỹ về nghệ thuật ngôn từ.
Ông được xem như là một nhà thơ lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay,người Việt kính trọng gọi ông là "Đại thi hào dân tộc".Năm 1965,ông được UNESCO tôn vinh là danh nhân văn hóa thế giới.

(Phần Mộ của Thi Hào Nguyễn Du tại Hà Tĩnh)
-Năm 1771,ông cùng gia đình Tể tướng Nguyễn Nghiễm chuyển về ở làng Tiên Điền.
-Năm 1775,lúc 10 tuổi Nguyễn Du mồ côi cha.
-Năm 1778,lúc mười ba tuổi mồ côi mẹ,ông phải ra Thăng Long ở với anh cả là Nguyễn Khản.
-Năm 1780,Nguyễn Du trở về làng Tiên Điền ở với người chú là Tiến sĩ Nguyễn Hành.
-Năm 1783,Nguyễn Du thi hương tại trường thi Nghệ An và đậu Tam trường.Vì lẽ gì không rõ, ông không tiếp tục thi lên nữa,mà đi nhận một chức quan võ ở Thái Nguyên,kế chân người cha nuôi của ông vừa mới từ trần.
-Năm 1789,Nguyễn Huệ kéo binh ra Bắc,đại thắng quân nhà Thanh. Nguyễn Du, vì tư tưởng trung quân phong kiến,không chịu ra làm quan cho nhà Tây Sơn.
-Từ năm 1789 đến năm 1795,ông sống ở Thái Bình- quê vợ.
-Năm 1796: Nguyễn Du dự định vào Gia Định cộng tác với Chúa Nguyễn,âm mưu bị bại lộ, bị nhà Tây Sơn bắt giam ba tháng.
Có thể Nguyễn Du đã thai nghén Truyện Kiều vào thời gian này; năm đó Nguyễn Du đúng 30 tuổi("Trải qua một cuộc bể dâu" - một bể dâu bằng khoảng 30 năm.)

Ít có tác phẩm ngay khi ra đời cho đến mãi mãi về sau vẫn được nhân dân cả nước yêu chuộng như Truyện Kiều. Không phải chỉ yêu thích mà còn gửi gắm niềm tin. Niềm tin khẳng định sức mạnh ngôn ngữ và văn hóa dân tộc. Niềm tin chia sẻ kinh nghiệm văn chương, nghệ thuật. Nhưng nhất là niềm tin về tình yêu và cuộc sống. Truyện Kiều đã là một bài ca tình yêu và là một cuốn sách Đời.

(Thuý Kiều)
Một tác phẩm như thế đã là một công trình vĩ đại, một vinh dự tuyệt vời. Truyện Kiều là một tác phẩm có giá trị như một thông điệp cho con người giao cảm với thế giới vô hình,dạt dào xúc động, mơ mà như thực, ảo huyền mà minh bạch lạ lùng. Và cũng là một bản tổng kết cuộc đời, tổng kết nhưng là cáo trạng, cáo trạng về cuộc đời bao nhiêu nỗi thương tâm (bách niên đa thiểu thương tâm sự). Ở kia: "Những điều trông thấy mà đau đớn lòng!". Ở đây lại là một "trường dạ tối tăm trời đất!". Tác phẩm ấy là bài Văn tế thập loại chúng sinh, với cái tên quen thuộc: Bài ca chiêu hồn.

Cả hai tác phẩm đó đều của chung một tác giả: Nguyễn Du.Đến nay, thời gian ra đời của các tác phẩm chữ Nôm,chữ Hán (Thanh hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm,Bắc hành tạp lục) đều chỉ bằng vào dự cảm khoa học. Truyện Kiều vẫn chưa tìm được bản in trước nhất. Cả ba tập thơ chữ Hán mới góp được hai trăm bốn chín bài, nhờ công sức sưu tầm của nhiều người.

Cuộc đời Nguyễn Du - tác giả của những thiên tuyệt bút ấy - không nhiều bí ẩn, không lắm giai thoại, nhưng luôn luôn đặt ra những câu hỏi không dễ dàng giải đáp. Văn chương vượt hẳn người đời, nhưng học vị chỉ ở mức tam trường (tú tài)sau kỳ thi ở Sơn Nam (1783). Con người chuyên nghiệp thi thư mà biết cầm gươm,dạo đàn, thích đi chài, đi săn, và thích hát dân ca phường vải. Gia đình thuộc lớp quý tộc. Nhưng bản thân Nguyễn Du về đời sống vật chất lại quá nghèo nàn. Mười một tuổi mồ côi cha, 13 tuổi mẹ chết, suốt đời trai trẻ ăn nhờ, ở đậu, hoặc ở nhà anh, hoặc ở quê vợ. Do tình hình đất nước biến động, chính quyền Lê - Trịnh sụp đổ, Tây Sơn quét sạch giặc Thanh, họ Nguyễn Tiên Điền cũng tiêu điều: "Hồng Lĩnh vô gia,huynh đệ tán!". Nguyễn Du trải qua 10 năm gió bụi. Đến năm 1802, ông mới ra làm quan triều Nguyễn, được thăng thưởng rất nhanh, từ Tri huyện lên đến Tham tri (1815). Có được cử làm chánh sứ sang Trung Quốc (1813). Nhưng gia cảnh vẫn bần hàn thiếu thốn: "Mười miệng đói kêu ngoài cõi Bắc, Một mình bệnh rụi góc thành Nam". Phải chăng do thực tế này mà nhà thơ cảm thông được với những nạn nhân trong xã hội?

Thơ ông nhắc nhiều nhất đến những người phụ nữ đau khổ, tủi hờn. Cô Cầm ở Thăng Long, cô Nguyệt ở Triều Khẩu, cô gái hầu ở nhà người em. Giai thoại có nói đến quan hệ của ông với cô gái lái đò, với tài nữ Xuân Hương một thời nào đó. Ông mất vì một bệnh dịch, ra đi không trăn trối gì.

Câu hỏi về Nguyễn Du còn được đặt ra ở nhiều bình diện. Đi tìm chứng cứ về ông,hậu thế luôn luôn gặp những băn khoăn. Gia phả chép một đằng,liệt truyện lại ghi theo đằng khác. Ông thật thà đi theo nhà Nguyễn hay ông về với Gia Long mà luôn luôn day dứt vì phụ nghĩa nhà Lê?Ông khư khư ôm mối cô trung mù quáng,hay ông cũng không hẳn vô tình với sự nghiệp của nhà Tây Sơn? Ông là nho sĩ, thấm nhuần tam giáo, khuôn mình trong giới hạn thời đại với những lý thuyết về nghiệp báo, về mệnh trời? Hay ông đã từng trong vô thức, dứt khoát với cái gốc nho gia Phật tử mà gắn bó với tầng lớp thị dân, tương tự như bao nhà văn phương Tây, cuộc sống thuộc về phong kiến, quý tộc mà tinh thần lại đi tiên phong cho cách mạng tư sản? Những cuộc "đi tìm Nguyễn Du" hàng trăm năm nay vẫn luôn luôn phải quan tâm đến các vấn đề ấy. Mà hình như Nguyễn Du đoán trước được điều này. Đoán trước mà không nói. Chẳng thế mà ông đã viết:

Ngã hữu thốn tâm vô dư ngũ,
Hồng Sơn sơn hạ Quế giang thâm.

(Tấc lòng không nói cùng ai được,
Dưới núi Hồng Sơn biển Quế sâu!)

Tuy nhiên, chẳng phải vì thế mà Nguyễn Du trở nên khó hiểu.Có những điều phải tìm tòi, nghiên cứu, tranh luận gần xa. Nhưng Nguyễn Du vẫn đến với nhân dân bao đời nay trong cả một bầu tâm sự cảm thông sâu sắc. Đó là một khát vọng của nhân cách tạo nên trong sóng gió của đời, thấm nhuần bản chất của nhân dân, của dân tộc. Đó cũng là một con người nhân bản, tự phần sâu kín nhất, đau nỗi đau bãi biển nương dâu mà đòi lên án chế độ bạo tàn, đòi cho con người có hạnh phúc, tình yêu, tự do và công lý. Đó cũng là một ngòi bút phanh phui được thế lực đồng tiền, vạch trần những kẻ "nhai xé thịt người mà không lòi nanh vuốt". Đó cũng là một tài năng sáng tạo bậc thầy, đã có bút pháp nghệ thuật điêu luyện: xây dựng nhân vật điển hình, điều khiển ngôn ngữ nhạc điệu, tạo cho cấu trúc tác phẩm dồi dào chất kịch, truyền cho hình tượng tác phẩm đậm đà chất thơ. Không phải chỉ ở Truyện Kiều mà cả ở thơ chữ Hán, thơ Nôm của Nguyễn Du đều thấy chỗ đậm, chỗ nhạt những yếu tố hoặc biểu hiện của chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa hiện thực trong văn học. Vinh dự của Nguyễn Du trong địa hạt này còn vượt khá nhiều tác giả xưa nay. Chỉ riêng với một Truyện Kiều, văn học nghệ thuật Việt Nam trở nên thêm phong phú. Ca nhạc dân gian có giọng "lẩy Kiều". Sân khấu dân gian có "trò Kiều". Hội họa có nhiều tranh Kiều. Và Truyện Kiều từ xưa đến nay đã là đầu đề của nhiều trang bình luận và bút chiến. Thơ vịnh Kiều nhiều không kể xiết. Tuồng Kiều, phim Kiều xuất hiện. Và tiếng nói hằng ngày của nhân dân có thêm nhiều thành ngữ rút từ Truyện Kiều. Kiều đi vào mọi nẻo đường sinh hoạt: "Từ án sách đến bờ tre, xưởng máy; Ra chiến trường vẫn thấy tiếng Kiều ngân" là như vậy.

Năm 1965, Nguyễn Du được Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức làm lễ kỷ niệm. Hội đồng Hòa bình thế giới ghi tên ông trong danh sách những nhà văn hóa quốc tế trên trái đất này. Nhà lưu niệm Nguyễn Du được xây dựng ở Tiên Điền. Trường viết văn để đào tạo những cây bút mới mang tên Nguyễn Du. Chúng ta đã có nhiều sách chú giải, nghiên cứu Đoạn trường tân thanh, có Từ điển Truyện Kiều, có tiểu thuyết Ba trăm năm lẻ. Nhưng vấn đề "Nguyễn Du và Truyện Kiều" thì đến bao giờ cho hết? Cuộc đi tìm Nguyễn Du sẽ mãi là những gắng công của nhiều thế hệ. Ta cần có thơ Nguyễn Du trong cuộc đời, cần có tình Nguyễn Du trong sự sống, nên càng cần hiểu biết về ông. Nỗi sầu của ông mênh mông, tấm lòng của ông rộng lớn, ngòi bút của ông thần kỳ, chính ông cũng không nhận ra mà vẫn chờ đợi những ứng đáp của nhiều thế hệ hậu sinh tri kỷ:
... Hận xưa khôn hỏi trời già,
Nỗi oan phong vận mình ta buộc ràng,
Ba trăm năm lẻ mơ màng...
Biết ai hậu thế khóc chàng Tố Như?
-------------------------
Về Đầu Trang Go down
https://honthoviet.forumvi.com
Sponsored content





ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU   ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU Icon_minitime

Về Đầu Trang Go down
 
ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» THƠ ĐÙA Ả BÁN CHIẾU: GIAI THOẠI NGUYỄN TRÃI - NGUYỄN THỊ LỘ
» SÁM NGUYỆN
» Thơ Nguyên Hữu

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
HỒN THƠ VIỆT :: TÁC GIẢ, TÁC PHẨM-
Chuyển đến